Nhân tố khiến Nga-Mỹ chia rẽ trong vấn đề Syria

ANTĐ - Hiện vẫn còn bất đồng với Nga khi đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad “phải ra đi”, song không loại trừ khả năng Mỹ sẽ phải bắt tay hợp tác với Nga trong vấn đề Syria.

Nhân tố khiến Nga-Mỹ chia rẽ trong vấn đề Syria ảnh 1Tổng thống Putin và Tổng thống Obama chưa cùng nhìn về một hướng trong vấn đề Syria dù đã nhất trí bắt tay hợp tác chống IS

Phải sau hơn 2 năm kể từ cuộc gặp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển (G8) diễn ra ở Bắc Ireland vào tháng 6-2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama mới lại có cuộc hội đàm chính thức bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28-9. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới lại bị phủ bóng bởi hàng loạt bất đồng, trong đó nổi bật hơn cả là về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ngay sau cuộc gặp được cả thế giới dõi theo, một quan chức Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng cần phải có một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria nhưng vẫn tồn tại “bất đồng căn bản” đối với vai trò của Tổng thống al-Assad. Bất đồng giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Syria, chính xác hơn là số phận chính trị của Tổng thống al-Assad còn thể hiện rõ hơn trong phát biểu được mô tả là “khẩu chiến Nga-Mỹ” của cả hai ông Putin và Obama trước Đại hội đồng LHQ. 

Cho dù không còn gay gắt đòi Tổng thống al-Assad phải ra đi ngay tức khắc trong bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề Syria, song người đứng đầu nước Mỹ vẫn cho rằng nhà lãnh đạo này là “thủ phạm chính của cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua tại Syria”. Tổng thống Obama thẳng thừng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Iran và Nga để chấm dứt cuộc xung đột tại Syria, song nhấn mạnh cần phải có một “quá trình chuyển đổi” để Syria không thể quay trở lại tình trạng dưới thời Tổng thống al-Assad.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin lại có quan điểm trái ngược để bảo vệ ông al-Assad, người đang phải chịu sức ép rất mạnh đòi ra đi từ các nước phương Tây. Tổng thống Putin nhấn mạnh sẽ là một sai lầm lớn nếu từ chối hợp tác với chính quyền hiện nay ở Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cho rằng chỉ có người dân Syria, chứ không phải Tổng thống Mỹ hay Pháp, có quyền quyết định số phận của Tổng thống al-Assad.

Việc Tổng thống Putin bảo vệ ông al-Assad cũng không khó hiểu bởi đây là một trong những đồng minh thân cận và ít ỏi của Nga tại khu vực Trung Đông vốn đã nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Thế nhưng, việc Mỹ vẫn khăng khăng đòi nhà lãnh đạo này phải ra đi lại chẳng dễ dàng cho Washington.

Tổng thống al-Assad dù là “cái gai” khó chịu lâu nay đối với Mỹ tại Trung Đông, song đang có vai trò đáng kể trong việc chống lại lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mối đe dọa nguy hiểm nhất lúc này với lợi ích của Washington không chỉ ở Trung Đông mà nhiều nơi khác trên thế giới. Không có sự chống trả của quân đội Chính phủ Syria do Tổng thống al-Assad đứng đầu, IS có cơ hội lớn tập trung lực lượng để tấn công mở rộng lãnh thổ chiếm giữ tại Syria và Iraq cũng như các quốc gia Trung Đông láng giềng khác nhằm thực hiện tham vọng lập một nhà nước Hồi giáo.

Vì thế, có những nhà phân tích cho rằng để tập hợp lực lượng chiến đấu với mối đe dọa nguy nhiểm nhất là IS, Mỹ dù còn bất đồng với Nga, song không loại trừ sẽ phải chấp nhận có thời hạn hoặc có điều kiện vai trò nào đó của ông al-Assad trong tương lai.