Nhận tiền khi xin việc làm cho người khác rất dễ “dính” tội lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -   Bạn đọc hỏi: Qua người quen giới thiệu, đầu năm 2019, tôi đưa cho một người 280 triệu đồng để chạy việc làm cho con gái vào ngân hàng. Sau nhiều lần hứa hẹn nhưng người này không chạy được việc làm như cam kết. Tôi đòi lại tiền thì họ cứ lần khân không trả... Xin luật sư chỉ giúp, tôi phải làm thế nào để lấy lại được tiền? Trần Bảo Khánh (Nam Định)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Người lao động chỉ có thể được nhận vào làm việc thông qua người sử dụng lao động (Ảnh minh họa)

Người lao động chỉ có thể được nhận vào làm việc thông qua người sử dụng lao động (Ảnh minh họa)

Trước hết cần phải khẳng định khái niệm “chạy việc” chưa bao giờ được pháp luật công nhận. Điều đó có nghĩa là hành vi “chạy việc” - người này nhận tiền để cam kết xin việc cho người kia vào một đơn vị sử dụng lao động là bất hợp pháp.

Đối với lĩnh vực việc làm trong hệ thống cơ quan, tổ chức Nhà nước, để trở thành công chức, viên chức… người lao động phải trải qua quá trình thi tuyển, xét tuyển. Và theo Thông tư số 228/2016/TT-BTC ngày 11- 11- 2016 của Bộ Tài chính, người nộp hồ sơ thi tuyển phải nộp phí tuyển dụng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng tùy vào số lượng thí sinh dự tuyển. Đối với lĩnh vực việc làm trong các đơn vị ngoài Nhà nước, người lao động có thể được nhận vào làm việc thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp của người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 - Bộ luật Lao động 2019 (Có hiệu lực vào ngày 1-1-2021), người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.

Như vậy có thể khẳng định số tiền 280 triệu đồng mà người ta nhận của gia đình anh chị để hứa hẹn xin việc cho con gái anh chị vào Ngân hàng không phải là khoản tiền được pháp luật cho phép người đó nhận, dù người đó có công tác trong tổ chức dịch vụ việc làm hay không.

Bây giờ, anh chị cần trao đổi, phân tích cho người nhận tiền hiểu được hành vi của họ là vi phạm pháp luật. Trên thực tế đã có nhiều vụ án người không có chức năng giới thiệu việc làm nhưng lại nhận tiền để “chạy việc” bị cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp người đó vẫn không trả lại tiền cho anh chị, anh chị có thể làm đơn tố cáo gửi tới Cơ quan Công an quận (huyện) nơi anh chị đã giao tiền cho người đó để đề nghị Cơ quan Công an xác minh, điều tra.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Qua sự việc này, anh chị cũng cần rút kinh nghiệm về việc trao một số tiền lớn cho người khác với mục đích để con em mình được làm việc tại nơi mong muốn. Điều đó luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và có thể sẽ dẫn đến hậu quả là tiền mất, tật mang.