Nhận thức tích cực về đào tạo nghề

ANTĐ - Luật Giáo dục nghề nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 và Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào cuối năm, mở ra dịch chuyển tự do nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, các trường đào tạo nghề gặp phải không ít thách thức. 

Nhận thức tích cực về đào tạo nghề  ảnh 1Đào tạo nghề cần thay đổi theo hướng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế

Thay đổi nhận thức

Được biết, để không có khoảng “hẫng” trong công tác tuyển sinh, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất và được Chính phủ cho phép, trong mùa tuyển sinh năm 2015, các cơ sở đào tạo nghề vẫn tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015. “Thông thường đến hết tháng 10 các trường đào tạo nghề mới kết thúc công tác tuyển sinh nhưng đến thời điểm này nhiều trường báo cáo đã tuyển đủ chỉ tiêu và bắt đầu nhập học”, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục phó Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Lý giải điều này, ông Trương Anh Dũng cho hay, những năm gần đây, các trường đào tạo nghề đã đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đầu ra để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Giáo trình đào tạo cũng được thường xuyên cập nhật, đặc biệt đã nhận chuyển giao một số chương trình của các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới. Mặt khác, từ phía học sinh và phụ huynh cũng đã có cái nhìn tích cực hơn đối với việc học nghề. 

Cùng với đó, các sở GD-ĐT và các trường nghề cũng tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề. Công tác truyền thông, tư vấn, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh THPT đã được chú ý hơn... Để nâng cao chất lượng và thu hút được học sinh, nhiều trường đào tạo nghề còn chủ động xây dựng mối quan hệ gắn bó với doanh nghiệp, ký kết đào tạo với nhiều công ty, tập đoàn lớn để giải quyết việc làm cho học viên ngay khi họ vừa tốt nghiệp.

Đột phá về chất lượng đào tạo

Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời sẽ mang lại diện mạo mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam theo hướng hội nhập với khu vực và quốc tế. Theo luật này, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng nghề và các cơ sở dạy nghề hiện nay sẽ phải thống nhất thành một hệ gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Sự thay đổi này là phù hợp với cấu trúc đào tạo của hầu hết các nước, tạo điều kiện để giáo dục, đào tạo nghề nghiệp nước ta có nhiều thuận lợi trong giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới. 

Mặt khác, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập sẽ dẫn đến nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các nước ASEAN, điều đó cũng có nghĩa sẽ có nhu cầu công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề và trình độ đào tạo. Để chủ động, Tổng cục Dạy nghề cũng đang tiến hành chuyển giao 12 bộ chương trình, giáo trình đào tạo của Australia và dự kiến bắt đầu thí điểm đào tạo từ năm 2015, học viên học nghề Việt Nam được đào tạo theo chương trình này sẽ được đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng của Australia, khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng cao đẳng nghề của Việt Nam và bằng Diploma của Australia. Đây là sự đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp của nước ta để tạo ra đội ngũ lao động có kỹ năng tay nghề cao. 

Tổng hợp báo cáo của 63 Sở LĐ-TB&XH trên cả nước cho thấy, tính trung bình có trên 70% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; thậm chí ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90%.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội vừa công bố đầu tháng 7, thì trong hơn 400.000 cử nhân tốt nghiệp ra trường mỗi năm, có tới hơn 170.000 người không có việc làm.