Nhân thêm những nghĩa cử thiêng liêng

(ANTĐ) - Hàng ngày, trên cả nước có hàng trăm, hàng nghìn người cần được truyền máu cấp cứu và rất nhiều bệnh nhân mãn tính khác cần được tiếp thêm nguồn máu để duy trì sự sống. Và nếu không có lực lượng đông đảo người hiến máu tình nguyện, không biết những số phận trên sẽ ra sao?

Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu:

Nhân thêm những nghĩa cử thiêng liêng

(ANTĐ) - Hàng ngày, trên cả nước có hàng trăm, hàng nghìn người cần được truyền máu cấp cứu và rất nhiều bệnh nhân mãn tính khác cần được tiếp thêm nguồn máu để duy trì sự sống. Và nếu không có lực lượng đông đảo người hiến máu tình nguyện, không biết những số phận trên sẽ ra sao?

Đến BV để biết…

Hãy hiến máu nhân đạo để cứu người

Hãy hiến máu nhân đạo để cứu người

Chúng tôi một lần nữa lại đến với khoa Bệnh máu trẻ em - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để thăm những bệnh nhân mãn tính vẫn từng ngày phải sống nhờ vào… máu của người khác. Trong phòng bệnh, mẹ bệnh nhi Lê Xuân T. rưng rưng nước mắt kể cho chúng tôi nghe về những tháng ngày vật lộn với căn bệnh bạch cầu cấp của T. Mấy tháng trước, 2 bên cổ của T. (đang là học sinh lớp 9), tự nhiên nổi nhiều hạch. Lúc đầu là một vài cái, dần dần hạch mọc thành từng chuỗi. Đến cấp cứu tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, em được phát hiện bị bạch cầu cấp, phải gạn bạch cầu do tăng quá cao. Từ đó, T. phải thường xuyên truyền máu, truyền hóa chất. Xót xa hơn nữa là do các dây thần kinh bị xâm nhiễm nên giờ đây đôi mắt của em đã không thể nhìn thấy được, mồm méo, ăn uống khó khăn, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người khác. 

Ở phòng bệnh bên cạnh, bé Phạm Thị Minh H., 5 tuổi, đang nằm truyền máu. Do bị bệnh suy tủy, cơ thể không tự sản sinh ra tiểu cầu được nên trung bình cứ 7-10 ngày cháu lại phải truyền tiểu cầu một lần. Có những ngày do tiểu cầu giảm nhanh, giảm quá nhiều, cháu phải truyền liên tục 3 túi máu 250ml bởi nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nguy kịch do xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng… Trò chuyện với chúng tôi, mẹ bé H. chia sẻ câu chuyện cảm động, cứ đều đặn 3 tháng chị lại đi hiến máu 1 lần tại Viện Huyết học, dù bản thân con chị cũng đều đặn phải truyền máu. Chị tâm sự: “Con mình sống được là hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn máu của BV. Có rơi vào hoàn cảnh như vậy mới thấm thía rằng, còn có rất nhiều người khác cũng đang cần đến máu, đang sống dựa vào nguồn máu của người khác như con mình”.

Quả thật, có vào BV mới thấu hiểu nỗi “khát” máu điều trị như thế nào, đặc biệt trong mùa hè và dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Gặp chúng tôi tại Hội nghị tôn vinh các tấm gương hiến máu tiêu biểu vừa tổ chức tại Hà Nội, bác Phạm Huỳnh Trung (50 tuổi, ở quận 5, TP Hồ Chí Minh) - người đã 52 lần hiến máu cho biết: “Mình vào BV thấy nhiều người bệnh nằm trông chờ máu. Mình không có tiền giúp đỡ họ thì hiến máu để cho họ chữa bệnh”. Từ đó, không chỉ đều đặn tham gia hiến máu mà bác Trung còn vận động được hơn 10 thành viên trong gia đình và nhiều người xung quanh tham gia hiến máu.

Hưởng ứng “Năm Quốc tế những người tình nguyện” - 2011 với thông điệp “Khơi dậy tinh thần tình nguyện trong mỗi chúng ta” do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát động, nhằm tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động hiến máu nhân đạo trong thời gian tới, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi mỗi tổ chức, mỗi cá nhân hãy dành nhiều hơn sự quan tâm, hưởng ứng các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng nói chung và hoạt động hiến máu nhân đạo nói riêng.  

Đừng tiếc giọt máu cứu người

Hiện tại, khoa Bệnh máu trẻ em có khoảng 100 cháu thường xuyên điều trị và trung bình mỗi tháng lại tiếp nhận thêm khoảng 30 bệnh nhân mới với rất nhiều bệnh liên quan đến đường máu như suy tủy, ung thư máu, máu khó đông. Việc điều trị cho các em cần rất nhiều máu, tuy nhiên do nhiều thời điểm lượng máu dự trữ không đủ nên buộc phải hạn chế lượng máu điều trị cho các em, thậm chí có khi chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Và đương nhiên, nếu tiếp tục không có máu, nhiều người bệnh sẽ chết.

Làm việc thiện có rất nhiều cách và cách nào cũng đáng trân trọng và hiến máu trong cơ thể mình để cứu sống những người mà mình có thể không biết tên, biết mặt thật sự là một hành động rất đỗi cao cả, thiêng liêng. Ths.Bs Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Trung tâm Máu Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 8.500 tình nguyện viên vận động hiến máu nhân đạo. Mỗi năm, đội ngũ này đã tình nguyện cống hiến hàng triệu ngày công cho công tác vận động hiến máu nhân đạo và chính họ cũng tham gia hiến hàng chục nghìn đơn vị máu để cứu giúp người bệnh. Họ là những học sinh, sinh viên, doanh nhân, nghệ sỹ, nông dân, nhà khoa học, công chức, cán bộ hưu trí hay lực lượng vũ trang… Họ có mặt ở những ngày hiến máu được tổ chức với quy mô lớn, rầm rộ hoặc chỉ thầm lặng trong đêm đạp xe đến BV khi có người bệnh cần máu cấp cứu. Dù họ là ai, ở đâu, làm gì thì họ chính là những “người anh hùng, những chiếc phao cứu sinh” của người bệnh.    

Trong Lễ tôn vinh các tình nguyện viên vận động hiến máu nhân đạo tiêu biểu năm nay, có nhiều người đã hiến máu trên 30 lần và vận động được hàng trăm người khác cùng tham gia hiến máu. Nhiều bậc cha mẹ đã hiến máu, vận động con em họ và nhiều người khác cùng hiến máu. Nhiều doanh nhân đã hiến máu trên 20 lần và vận động được hàng chục, hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp mình cùng tham gia hiến máu nhân đạo… Cuộc sống, niềm vui, tiếng cười của mỗi bệnh nhân chính là lời tri ân đến tấm lòng của những người đã và đang tình nguyện sẵn sàng sẻ chia những giọt máu cứu người.

Nguyễn Phan