Nhân tài Olympic quốc tế: Tự thân vận động là chính

ANTĐ - Sau khi giành huy chương Vàng, huy chương Bạc cho đất nước trên đấu trường quốc tế, nhiều quán quân, á quân vẫn phải âm thầm chuẩn bị cho mình thủ tục học bổng cá nhân để đi du học thay vì chờ chế độ chính sách của nhà nước.

Dù đạt thành tích cao trên trường thi quốc tế, nhân tài Việt vẫn chưa được bồi dưỡng đúng mức

(ảnh minh họa)

Giành giải vẫn khó có học bổng

Phỏng vấn Nguyễn Việt Hoàng, huy chương Bạc môn Hóa sau buổi tuyên dương học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực 2012 của Bộ GD-ĐT những ngày cuối tháng 10, Hoàng cho biết, em đang hoàn thành các thủ tục để đăng ký học bổng du học ngành Hóa dược ở một trường nổi tiếng của Mỹ. Hoàng cho biết, phải tự tìm kiếm thay vì chờ học bổng của nhà nước. “Em cũng đã tham khảo ý kiến của các anh chị đoạt giải quốc tế từ các năm trước. Theo các anh chị thì tốt nhất là tự mình điều tiết và đăng ký chọn học bổng phù hợp thay vì thụ động chờ chính sách ưu đãi của nhà nước” - Hoàng nói. 

Tương tự như Nguyễn Việt Hoàng, Đinh Ngọc Hải, đoạt huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2012 đã được tuyển thẳng vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có dự định học thêm tiếng Anh rồi đi du học tại trường ĐH Quốc gia Singapore. Phạm Đăng Huy với thành tích một huy chương Vàng và một huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế sau hai lần liên tiếp dự thi, cũng đặt ra mục tiêu du học trong thời gian tới… Đậu Hải Đăng, huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, cựu học sinh lớp 12 toán trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết bạn đang bắt đầu học tiếng Anh vì chưa có thời gian đầu tư cho môn này khi tham gia đội tuyển. “Nếu việc học trôi chảy thì sang năm em mới xin học bổng được và hy vọng được đi du học vào năm 2014” - Đăng cho biết.

Cũng chính vì tập trung tham gia đội tuyển nên dự kiến đi du học của nhiều thành viên đội tuyển chậm hơn so với các bạn cùng lớp. Nguyễn Việt Hoàng cho biết, bản thân đã nộp hồ sơ xin học bổng từ năm ngoái nhưng vì tham gia đội tuyển nên đã hoãn lại. “Hiện tại lớp phổ thông cũ của em có tới hơn 10 bạn đã đi du học. Nhiều bạn đã tìm kiếm được học bổng cá nhân từ lớp 11, 12 thay vì chờ đến khi thi xong đại học” – Hoàng chia sẻ.

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT và thực tế các năm trước, thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năm nay, điều khiến gia đình và thành viên đội tuyển quốc gia cũng như các thầy cô giáo băn khoăn là tới thời điểm này vẫn chưa có thông báo cụ thể nào từ Bộ  GD-ĐT về việc cấp học bổng du học bằng ngân sách nhà nước.

Khó thu hút nhân tài

“Bản thân là người theo ngành Toán, nếu nói là không mong muốn học trò của mình theo đuổi ngành Toán sau khi đã đạt đỉnh cao ở các giải học sinh phổ thông quốc tế thì không đúng. Sau khi đoạt giải, nhiều em cũng đã tâm sự và hỏi ý kiến của tôi về ngành nghề các em lựa chọn. Cũng có nhiều em không chọn ngành Toán nhưng tôi không tiếc. Tôi vẫn nói rằng các em hãy lựa chọn ngành nghề nào mà có thể phát huy năng lực đỉnh cao của các em” – Thầy Vũ Đình Hòa, ĐH Sư phạm Hà Nội, người dẫn dắt đội tuyển Toán quốc gia Việt Nam tham dự các giải quốc tế lâu nay cho biết.

Thầy Mai Xuân Thắng, giáo viên Toán trường THPT Hà Nội - Amsterdam cũng cho rằng chỉ cần hướng các em đi theo sự đam mê. Nếu có sự đam mê thật sự thì các em sẽ đạt kết quả tốt, dù lựa chọn thế nào. Và, là những học sinh xuất sắc, các em sẽ sớm nhận ra con đường phù hợp với mình. Thầy Thắng đưa ra ví dụ về trường hợp em Nguyễn Hùng Tâm, huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế 2012, cựu học sinh lớp 12 chuyên Toán trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Hiện nay Tâm đang là sinh viên năm nhất khoa Kinh tế Đối ngoại, trường ĐH Ngoại thương, Hà Nội. 

Trước thực tế phần lớn học sinh đoạt giải quốc tế lựa chọn đi du học nước ngoài và nếu có cơ hội đều ở lại làm việc hoặc học lên cao hơn thay vì về nước, thầy Vũ Đình Hòa chia sẻ: “Tôi cũng đã gặp nhiều cựu thành viên đổi tuyển Olympic Toán đang làm việc ở nước ngoài. Các em tâm sự cuộc sống bản thân cũng rất vất vả, lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt. Khi được hỏi vì sao không về nước thì câu trả lời chủ yếu là các em muốn có một nơi có thể toàn tâm toàn ý cho công việc mình yêu thích. Vậy có thể thấy điều cốt yếu ở đây là làm sao cải thiện được môi trường làm việc trong nước thì mới thu hút được nhân tài”.