Nhân tai hay thiên tai?

ANTĐ - Hà Nội mùa hè này mới qua vài cơn mưa lớn nhưng đã ngập lụt và ùn tắc do ngập gây ra ở hàng loạt tuyến đường. Trong khi hàng chục “điểm đen” thường xuyên xảy ra ngập úng chưa khắc phục được thì lại xuất hiện nhiều điểm ngập mới. Hầu  hết các điểm úng ngập này là do quá trình cải tạo một số hồ, các tuyến cống hóa mương, các tuyến cống lớn được đầu tư có khả năng điều hòa nước chưa được hoàn thiện. 

Đây là những tuyến phố có mật độ người tham gia giao thông khá lớn nên khi xảy ra úng ngập sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông. Với những điểm ngập úng nặng, ngành thoát nước cũng bó tay và chỉ có cách phân luồng giao thông cho người đi đường.

Để giải quyết bài toán “mưa là ngập”, thành phố đã hai lần có quy hoạch thoát nước, nghĩa là trong tay có phương án, kế hoạch chống ngập, nhưng giờ vẫn ách tắc, úng ngập. Tới đây, một Quy hoạch thoát nước thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ được triển khai với tổng kinh phí đầu tư lên tới 117.000 tỷ đồng, dự báo sẽ đáp ứng nhu cầu dân số của khoảng 10,8 triệu người trên tổng diện tích khoảng 334.470 ha, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 70 - 80%. 

Tuy nhiên, trong thời gian này, người dân vẫn phải “sống chung với ngập”. Lý do? Những nhà quản lý cho rằng biến đổi khí hậu đã và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thoát nước. Lượng mưa trung bình năm và lượng mưa trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần 5 - 10%, ảnh hưởng lớn đến việc thoát nước. Trong khi đó, các nhà kiến trúc lại chỉ ra  rằng do nội thành mở rộng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, hạ tầng kỹ thuật của các dự án đô thị mới và khu vực lân cận còn nhiều bất cập, nên việc chống úng ngập của thành phố vốn đã khó lại càng khó hơn. 

Thành ra, hầu hết các giải pháp đang và sẽ làm để giảm úng ngập cho Hà Nội hiện là để sửa chữa cho việc quy hoạch sai lầm. Diện tích thoát nước tự nhiên của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, trong vòng 50 năm qua có đến 80% số diện tích mặt nước của thủ đô bị lấp, 1,7km2 diện tích ao hồ đã mất đi do quá trình đô thị hóa, trong khi mới có duy nhất trạm bơm Yên Sở là nơi bơm cưỡng bức thoát nước cho nội đô thì việc ngập lụt là đương nhiên. Cho dù làm các hệ thống cống mới nhưng toàn bộ vẫn đổ ra các  sông Tô Lịch, Kim Ngưu... để nước thoát theo dòng chảy tự nhiên, sau đó mới đến các trạm bơm để tiêu thoát thì lượng “tồn đọng” gây ngập là rất lớn. 

Thực tế, việc đô thị hóa quá nhanh đi kèm với hiện tượng bê tông hóa diện tích bề mặt, dẫn đến hiện trạng không đủ diện tích để thẩm thấu nước. Hệ thống thoát nước đã quá tải, hệ thống này một khi đã xây dựng thì rất khó cải tạo trong khi lượng mưa ngày một tăng. Bên cạnh đó những sông, hồ, ao đã đem lại lợi thế cho Hà Nội trong việc chống ngập úng tốt hơn so với các tỉnh, thành khác như TPHCM hay các địa phương ven biển... nhưng cách ứng xử của con người ở Hà Nội lại đã không coi trọng tài sản quý giá đó. Hết sông bị lấn chiếm, đến ao hồ bị san lấp làm biến mất không gian điều tiết nước thì sự thể không thể khác nhìn nhận thẳng thắn của Giám đốc Viện Kiến trúc - Quy hoạch nông thôn, ông Lưu Đức Cường : “Chúng ta đang ăn dần diện tích mặt nước. Cần nhìn nhận hậu quả Hà Nội đang phải hứng chịu là nhân tai chứ không phải thiên tai”.