Nhận rõ sự lệch lạc hành vi

ANTĐ -  Việc cơ quan công an triệu tập những kẻ tung tin đồn thất thiệt về việc xuất hiện ca nhiễm Ebola tại Hà Nội không chỉ góp phần khẳng định điều này hoàn toàn sai sự thật, mà còn có tác dụng trấn an dư luận vốn đang rất lo lắng khi dịch Ebola đang nóng lên trên toàn cầu. Đây đồng thời là lời cảnh báo cho tất cả những ai thiếu trách nhiệm với hành vi của bản thân mình, nhưng lại muốn thể hiện “trách nhiệm” với cộng đồng, xã hội bằng những phát ngôn, hành vi thiển cận, thiếu suy nghĩ. 

Việc cơ quan công an triệu tập những kẻ tung tin đồn thất thiệt về việc xuất hiện ca nhiễm Ebola tại Hà Nội không chỉ góp phần khẳng định điều này hoàn toàn sai sự thật, mà còn có tác dụng trấn an dư luận vốn đang rất lo lắng khi dịch Ebola đang nóng lên trên toàn cầu. Đây đồng thời là lời cảnh báo cho tất cả những ai thiếu trách nhiệm với hành vi của bản thân mình, nhưng lại muốn thể hiện “trách nhiệm” với cộng đồng, xã hội bằng những phát ngôn, hành vi thiển cận, thiếu suy nghĩ. 

Từ khi mạng xã hội, trong đó có facebook, trở nên phổ biến hơn, đồng thời cũng “nảy nòi” ra một nhóm người mê mẩn tới mức hàng ngày chỉ ngồi ôm máy tính, tung lên mạng tất cả những gì mình thích (và mình nghĩ rằng mọi người sẽ thích), không cần quan tâm đến việc người khác nghĩ gì và sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Cứ tưởng đội ngũ này là vô hại, cùng lắm chỉ khiến người ta thấy phiền, nhưng với việc “hồn nhiên” đưa lên những tin đồn - nhất là liên quan đến những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm - dù bản thân họ không hoặc chưa kiểm chứng được, thì rõ ràng không thể coi là vô hại nữa. Chỉ vì ý thích của bản thân mà khiến dư luận hoang mang, lo sợ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của biết bao nhiêu người, hành vi đó cần bị xử lý nghiêm khắc chứ không thể bỏ qua.  

Khi bị cơ quan công an triệu tập, những người tung tin đồn về việc xuất hiện ca bệnh Ebola tại Hà Nội khai họ chỉ muốn “cảnh báo cho mọi người phòng tránh”. Thực ra những việc làm để thỏa mãn ý thích của cá nhân thường được khoác danh nghĩa “vì cộng đồng” như thế. Rõ là sự nhiệt tình cộng với sự ngu dại gây hậu quả khó lường, vì cảnh báo thì có nhiều cách khác, chứ không phải bằng một thông tin thiếu căn cứ làm xã hội hoang mang, lo lắng. Bởi không khó để hình dung ra những hậu quả mà hành vi đó gây ra: công tác khám chữa bệnh ở bệnh viện bị cho là có ca Ebola sẽ bị ảnh hưởng do tâm lý lo sợ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại đây; người dân đánh giá lệch lạc về ngành y tế, cho rằng có biểu hiện giấu dịch; kéo theo đó sẽ là đủ loại người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cộng đồng, lừa bịp kiếm tiền bất chính bằng những loại trang thiết bị, “bài thuốc dân gian” chống dịch bệnh… 

Tình trạng vì bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nếu như gọi theo đúng từ chuyên ngành thì là “mất năng lực hành vi”. Cũng chỉ khi mất năng lực hành vi, người ta mới không phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mà mình gây ra. Nhưng, với những người vẫn có năng lực hành vi mà lại làm những việc thiếu suy nghĩ hoặc chỉ để “sướng” bản thân mình như vậy, thì phải xử lý nghiêm.