Nhãn muộn Hà Nội lên đường đi Mỹ

ANTĐ - Quả nhãn muộn được trồng thành vùng tập trung tại một số huyện ngoại thành Hà Nội có cùi dày và giòn khiến không ít người tiêu dùng nhầm tưởng là “nhãn Trung Quốc”. Vụ nhãn muộn năm nay, 900kg nhãn đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Mỹ.
Nhãn muộn Hà Nội lên đường đi Mỹ ảnh 1

Vụ nhãn đã kết thúc thì nhãn muộn Hà Nội mới bắt đầu “xuất hàng”

Thu tiền tỷ mỗi năm

Mô hình trồng nhãn chín muộn ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã được quy hoạch thành vùng trồng tập trung, quy mô lớn. Ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh nhãn muộn Hoài Đức cho biết, hiện nay, Hội có 60 hội viên với diện tích vườn nhãn đạt 50ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm từ 300 - 400 tấn.

Tháng 9-2012, sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức đã được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện các hộ đều áp dụng quy trình canh tác này, đảm bảo chất lượng ATTP. Năm 2014, nhãn hiệu tập thể “nhãn chín muộn Hoài Đức” đã được xây dựng thành công và đến nay huyện Hoài Đức đã được công nhận 2 mã vùng chỉ dẫn địa lý, nhận diện sản phẩm nhãn chín muộn là xã Song Phương và An Thượng.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, toàn Hà Nội hiện có khoảng 500ha trồng nhãn muộn, trong đó tập trung chủ yếu ở Hoài Đức và Quốc Oai. “Nhãn muộn Hà Nội chín muộn hơn vụ nhãn thông thường từ 1,5- 2 tháng, chín sau vụ nhãn muộn của Hưng Yên khoảng nửa tháng. Quả nhãn muộn Hà Nội to, cùi dày và giòn, ngọt thanh không quá sắc nên có giá trị kinh tế, giá bán cao”, ông Mỹ thông tin. Hiện nay, mùa nhãn tại các tỉnh đã gần kết thúc thì các xã thuộc huyện Quốc Oai và Hoài Đức bắt đầu vào vụ thu hoạch nhãn muộn. Giá bán tại vườn hiện từ 35.000-40.000 đồng/kg, tùy loại quả. 

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, trong khi nhãn trồng đúng vụ, nông dân bán tại vườn chỉ được giá từ 20.000-25.000 đồng/kg thì nhãn muộn vừa cho năng suất và giá cũng cao hơn. Ông Trần Văn Bảy, xã Song Phương, Hoài Đức chia sẻ, gia đình ông trồng 3 vườn nhãn muộn với 600 gốc.

Bình quân mỗi gốc cho thu hoạch từ 60-70kg, có những chùm nhãn nặng từ 2-3kg với 50-60 quả/kg, như vậy, mỗi vụ nhãn muộn, nhà ông Bảy thu về từ 35-40 tấn nhãn quả. Với giá bán trung bình 35.000-37.000 đồng/kg, vụ nhãn năm 2104 sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông bỏ túi khoảng 1 tỷ đồng. “Thời điểm này, gia đình vẫn xuất bán cho thương lái với giá 40.000 đồng/kg”, ông Bảy hồ hởi.

“Hàng độc” cũng bị ép giá 

Theo ông Trần Văn Bảy, việc tiêu thụ nhãn muộn chủ yếu vẫn dựa vào thương lái đến vườn thu gom. Do vậy, giá cả cũng bấp bênh, thậm chí đội ngũ thương lái thấy lượng nhãn trong dân nhiều, được mùa là dở “chiêu” ép giá. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, quả nhãn từ người nông dân trồng  đến tay người tiêu dùng phải qua 2-3 “cầu”, vì vậy, giá bán ra cũng bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào đội ngũ thương lái.

Ông Triệu Tiến Ích thông tin, Công ty Ánh Dương Sao đã về Hoài Đức lấy mẫu kiểm tra và cho biết quả nhãn muộn Hoài Đức đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã. Vụ nhãn năm nay, công ty này sẽ đưa khoảng 900kg nhãn xuất khẩu sang Mỹ, nếu cho kết quả tốt sẽ mở ra triển vọng cho sản phẩm nhãn muộn Hà Nội. Song, cũng có khó khăn là tại miền Bắc không có trung tâm chiếu xạ, các lô hàng hoa quả tươi như vải thiều, nhãn… đều phải đưa vào tận Bình Dương để chiếu xạ, đẩy chi phí sản xuất lên cao. 

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), ông Lê Đình Thành thông tin, hiện Cục đã hoàn thiện việc cấp mã vùng trồng, hộ trồng nhãn muộn Hoài Đức cho đối tác Mỹ. “Thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản… rất khó tính. Họ rất quan tâm tới dịch hại và thuốc bảo vệ thực vật. Phía Mỹ đã yêu cầu các vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Mỹ không được sử dụng 5 hoạt chất trừ sâu, bệnh. Nếu trong quá trình kiểm tra, họ phát hiện thì lô hàng đó sẽ bị trả về, vùng trồng nhãn đó sẽ bị đánh dấu”, ông Thành cho biết.