“Nhận mặt” lãng phí

ANTĐ - Báo cáo của Chính phủ về phòng, chống lãng phí tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được phân tích dưới góc độ “lãng phí nguy hại không kém gì tham nhũng”. Lãng phí diễn ra khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong nhiều năm qua, các nghị quyết, quy định của Chính phủ, những văn bản quy phạm pháp luật đã thể hiện quyết tâm trong công tác phòng, chống lãng phí, nhưng việc thực hiện cũng như kết quả không được như mong muốn.

Với tham nhũng, luật pháp có thể điều tra con người cụ thể và có thể bỏ tù được, rồi quy ra giá trị tham nhũng là bao nhiêu. Lãng phí thì khó định lượng được và gần như không thể thu hồi. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội  cho rằng, cả quyết tâm chính trị và xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cán bộ công chức và những chế tài trong phòng, chống lãng phí, chưa được quan tâm như phòng, chống tham nhũng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ xấu vẫn nặng gánh, đời sống của đại bộ phận nhân dân chưa được cải thiện, lẽ ra tình trạng lãng phí phải được ngăn chặn, siết chặt hơn, thế nhưng tình trạng này vẫn tràn lan. Chẳng hạn các lễ khởi công, khánh thành, ngày truyền thống các ngành vẫn được tổ chức linh đình và tốn kém. Có quá nhiều hội nghị gây tốn kém cho ngân sách nhà nước, có hội nghị triệu tập cả nước nhưng mỗi tỉnh khoảng 5 chức danh tập trung họp trong một ngày. 

Đó là những lãng phí “vô hình”, tình trạng vi phạm Luật Đất đai, sử dụng lãng phí, sai mục đích vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Theo báo cáo, đến hết tháng 7-2013, cả nước còn tới hơn 8.000 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí lên đến hơn 128.000ha. Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết đã thu hồi đất của 800 tổ chức với diện tích 38.770ha, tiếp tục xử lý 1.547 đơn vị với diện tích 22.654ha, lập hồ sơ 27.095ha đất để thu hồi, xử lý hơn 1.900 đơn vị. Vì sao việc xử lý tình trạng lãng phí đất đai gặp nhiều vướng mắc, khó khăn? Chế tài xử lý vi phạm về đất đai chưa đủ mạnh để hạn chế, không có văn bản pháp quy ngăn chặn kịp thời. Trong khi hành lang pháp lý, thủ tục thu hồi đất lãng phí, vi phạm pháp luật còn nhiều kẽ hở, thì việc thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đối với người dân vi phạm lại diễn ra quyết liệt, thậm chí gây ra những bức xúc, bất cập không đáng có.  

“Nhận mặt” lãng phí nguy hại không kém gì tham nhũng, một số ý kiến đề xuất cần xây dựng một bộ luật, chứ không chỉ là một luật về phòng, chống lãng phí, trong đó phải có đầy đủ các quy định, chế tài xử lý trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.