Nhân loại dần thích ứng, sống chung với đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Thông qua việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ, châu Âu hoàn toàn có thể sống chung với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19” - Đây là quan điểm của Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu - ông Hans Kluge đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lây lan nhanh trở lại tại châu lục này.
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu - ông Hans Kluge: “Châu Âu hoàn toàn có thể sống chung với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19”.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu - ông Hans Kluge: “Châu Âu hoàn toàn có thể sống chung với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19”.

WHO hy vọng châu Âu không ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu - ông Hans Kluge nhận định, thời điểm mà con người chiến thắng dịch bệnh chính là không nhất thiết cần đến vaccine và đó là khi con người học cách sống chung với dịch bệnh. Ông Hans Kluge bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ không ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn để tránh làn sóng lây nhiễm dịch bệnh thứ 2 tại lục địa này, mà thay vào đó là các biện pháp phong tỏa cục bộ.

Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 1-9, Nga ghi nhận thêm 4.729 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện đã lên tới vượt con số 1 triệu (1.000.048 ca). Hiện, Nga là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu Âu và đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ. Trong khi đó, Thủ tướng Ukraine khi đánh giá về tình hình dịch bệnh ở nước này cho rằng, trong tháng 9-2020 , số ca nhiễm mới tại quốc gia Đông Âu này sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng tới 3.000 ca/ngày vào cuối tháng 9. Cụ thể, trong ngày 1-9, Ukraine thông báo ghi nhận 2.088 ca nhiễm mới sau khi tuần trước số ca nhiễm mới trong ngày đột ngột tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay 2.481 ca.

Tại thời điểm năm học mới khai giảng, nhiều nước châu Âu đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo an toàn cho học sinh. Hàng triệu học sinh tại Pháp, Ba Lan, Nga đã trở lại trường học và hành trang mang theo không chỉ có sách vở, mà còn có cả khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các trường học trên khắp châu Âu sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch như bổ sung các khu vực vệ sinh tay, thực hiện giãn cách xã hội, và bố trí giờ ra chơi so le. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh và các tổ chức giáo viên vẫn bày tỏ quan ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh khi học sinh quay trở lại trường học.

Pháp - Australia ghi nhận những tín hiệu tích cực

Victoria - bang đông dân thứ 2 của Australia - ghi nhận số ca mắc mới và số ca tử vong Covid-19 tính theo ngày đã ở mức thấp nhất trong hai tuần qua nhờ các biện pháp hạn chế. Ngày 1-9, giới chức y tế tại bang Victoria của Australia cho biết số ca mắc mới dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tính theo ngày tại bang này đã ở mức thấp nhất trong 2 tuần qua, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai đã phần nào lắng dịu.

Bang Victoria là bang đông dân thứ hai của Australia, đồng thời là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19. Bang này ghi nhận thêm 5 trường hợp tử vong - mức thấp nhất tính theo ngày kể từ ngày 15-8 vừa qua, trong khi danh sách bệnh nhân có thêm 70 trường hợp mới - mức thấp nhất trong suốt 7 tuần qua. Đây được xem là minh chứng cho thấy các biện pháp hạn chế như yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, áp đặt các lệnh giới nghiêm vào ban đêm, tạm đình chỉ nhiều hoạt động kinh tế... đã phát huy hiệu quả tích cực.

Theo kế hoạch, vào ngày 6-9 tới, Thủ hiến bang Victoria - ông Daniel Andrews sẽ công bố kế hoạch chi tiết cho việc nới lỏng các lệnh hạn chế này. Giới chức y tế dự báo số ca nhiễm mới Covid-19 tính theo ngày của bang Victoria sẽ được giảm xuống mức một con số vào giữa tháng 9, từ mức hơn 700 ca nhiễm mới mỗi ngày hồi tháng trước. Mặc dù vậy, nhà chức trách vẫn khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp phòng dịch cá nhân, do nguy cơ bùng phát dịch còn tiềm ẩn. Tính ngày 1-9, Australia ghi nhận gần 25.819 ca mắc Covid-19 và 657 ca tử vong, ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn tác động nghiêm trọng tới kinh tế của nước này. Theo giới chuyên gia, Australia đã bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế đầu tiên trong 3 thập kỷ qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này cũng đã ở mức 13%. Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Australia đã cắt giảm lãi suất 0,25% và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm trong trường hợp cần thiết.

Tại Pháp, giới chức y tế nước này cho biết, trong 24 giờ qua (ngày 1-9) ghi nhận thêm 3.082 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, giảm mạnh so với mức hơn 5.000 ca/ngày trong 2 ngày trước đó. Hiện, Pháp đã ghi nhận 281.025 trường hợp mắc Covid-19 và 30.635 ca tử vong do căn bệnh này.

Hàng chục triệu học sinh châu Âu tựu trường

Hàng chục triệu học sinh châu Âu đã tựu trường sau kỳ nghỉ hè bất chấp số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại lục địa này đang gia tăng trở lại trong vài tuần qua sau một thời gian dịch tạm thời được khống chế. Thực tế, nhiều Chính phủ châu Âu khẳng định rằng, thanh thiếu niên đang hổng rất nhiều bài học quan trọng trên lớp, và việc tiếp tục giữ học sinh cách ly ở nhà chống dịch cũng tạo ra gánh nặng quá lớn cho cha mẹ. Và thực tế này cũng minh chứng cho việc người dân châu Âu đang phải chấp nhận thực tế - sống chung với đại dịch Covid-19.

Tại Nga, Ukraine, Bỉ, Pháp, Anh..., giáo viên và học sinh trên 11 tuổi phải đeo khẩu trang trong ngày tựu trường. Trong khi một số học sinh cho rằng việc đeo khẩu trang không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của mình, lại có nhiều giáo viên phàn nàn rằng biện pháp này khiến họ khó giao tiếp với học sinh. Mặc dù vậy, giới chức giáo dục đang vấp phải làn sóng chỉ trích từ cha mẹ học sinh cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội và bảo vệ khác không đủ để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai xảy ra.

Trong khi đó, nhiều Chính phủ khẳng định rằng, một nguy cơ lớn hơn là thanh thiếu niên đang hổng rất nhiều bài học quan trọng trên lớp, và việc tiếp tục giữ học sinh cách ly ở nhà chống dịch cũng tạo ra gánh nặng quá lớn cho cha mẹ khi họ phải đi làm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh Gavin Williamson nói: “Tôi không đánh giá hết được những khó khăn kéo dài trong suốt mấy tháng qua, nhưng tôi biết việc học sinh trở lại trường quan trọng thế nào, không chỉ với giáo dục, mà còn với sự phát triển thể chất của trẻ”.