Nhân lên những điều tử tế, tốt đẹp trong đời sống giữa những khó khăn chồng chất của đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỗi người có một cách yêu thành phố, nơi mình đang sống theo một cách khác nhau. Họa sĩ Lê Sa Long đã sử dụng lợi thế về màu sắc để nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đặc biệt là lúc khó khăn chồng chất do dịch bệnh gây nên cho người dân phương Nam. 

Thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19, họa sĩ Lê Sa Long đã đưa lên trang cá nhân bộ tranh “Sài Gòn những ngày giãn cách” gồm tranh phong cảnh, ký họa sinh họat chứa chan tình nhân ái của người Sài Gòn, chân dung những nhân vật đang hết mình vì sự bình yên của thành phố phương Nam trong những ngày hoạn nạn.

Những bức tranh như một ghi chép lại sự kiện đại dịch kinh hoàng, khó quên của người dân nơi dây trong những ngày thực hiện giãn cách. Người xem sẽ thấy một Sài Gòn thật khác so với thương ngày, bớt ồn ào náo nhiệt, bớt xô bồ nhưng có một điều vẫn không thay đổi, đó là sự nghĩa tình, lòng bao dung, thương người.

Ở thành phố đông dân vào loại nhất nhì cả nước, lòng tốt và sự bao dung luôn hiện diện trong đời sống với những quán cơm 0 đồng, những điểm phát cháo từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, sự tử tế và nghĩa tình được thể hiện đậm đà hơn, sáng tạo hơn và nhân văn hơn.

Anh cho biết, không chỉ đến dịch bệnh, mọi người mới giúp đỡ nhau mà thường ngày, sự cưu mang những hoàn cảnh khó khăn được thể hiện bằng những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mì miễn phí, quần áo 0 đồng... Trong hoạn nạn, sự sẻ chia sẽ làm ấm lòng những người lao động nghèo đang gồng mình lên để vượt qua khó khăn. Vì thế, khi thể hiện các bức vẽ này, anh có sự đồng cảm và rung động để thực hiện tốt nhất, đẹp nhất.

Đặc biệt, dưới mỗi tác phẩm, họa sĩ Lê Sa Long thường kể các câu chuyện gắn liền với bức tranh để người xem dễ hình dung. Đó là những giọt mồ hôi của bà bán vé số người Quảng Ngãi đứng chờ bên ngã tư đèn xanh đèn đỏ vào lúc 11 giờ trưa. Bà than: "“Ế lắm chú ơi. Sáng giờ chỉ bán được có mấy tờ, chú ủng hộ giùm”. Họa sĩ mua vội bà vài tờ, chỉ an ủi sơ rồi vội vã đi, như người có lỗi…

Hay "người phụ nữ lượm ve chai ngồi buồn, nói: “Quán xá không bán, làm gì có phế liệu hay đồ dư mà lượm chú ơi! Dịch giã như thế này thì lấy tiền đâu mà sống". Nghe mà nhói trong lòng, chỉ có chú cún nhỏ mà bà nuôi được 5 tháng vẫn hồn nhiên quấn quýt bên bà…", họa sĩ viết.

Lê Sa Long có khả năng bắt hình rất nhanh trước các sự kiện thời sự. Hai hôm nay, câu chuyện của nữ bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) đang làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM khiến nhiều người cảm động. Bác sĩ Thúy tạm thời xa đứa con trai chỉ mới hơn 10 tháng tuổi và đang bú sữa mẹ. Mỗi lần nhìn người nhà bệnh bế con về quê là chị lại khóc vì nhớ con, đứa con trai bé bỏng của chị ở nhà chắc đang rất khát sữa. Nhưng vì nhiệm vụ và công việc, chị không thể về với con.

Vậy nên, khi ở khoa chị có cháu bé mới 7 tháng tuổi mắc Covid, phải tách khỏi mẹ vì mẹ bị nhiễm virus Corona, đang suy hô hấp nặng, các bác sĩ đều rất thương, sắp xếp cho 3 bố con chỗ tốt nhất trong khoa nằm điều trị.

Bác sĩ Phạm Thanh Thúy chăm sóc bé gái nhiễm Covid

Bác sĩ Phạm Thanh Thúy chăm sóc bé gái nhiễm Covid

Riêng bé gái 7 tháng tuổi vẫn còn bú sữa mẹ dù đã được tập bú sữa công thức khi vào viện nhưng vẫn chưa quen nên đói khóc. Nhận thấy bé gái gần bằng với tuổi con mình đã phải xa mẹ, cứ sau ca trực khi trở về chỗ nghỉ, bác sĩ Thúy lại vắt sẵn sữa của mình cho vào tủ lạnh. Mỗi ngày đến bệnh viện, chị đều mang theo sữa của mình để dành riêng cho bệnh nhi Covid-19.

Bé gái mới 7 tháng mà rất ngoan, mỗi lần bú no là nằm ngủ ngon lành dưới chân bố, còn anh trai thì tha hồ lăn lội trên giường bên cạnh. Lúc bế bé, bác sĩ Thúy thấy bé gãi đầu và hỏi ra mới biết 3 ngày rồi bé không được tắm, thương quá nên dù không phải việc của bác sĩ nhưng chị vẫn chuẩn bị sẵn áo quần, nước ấm rồi tắm cho bé.

Khi vẽ về câu chuyện này, anh thể hiện rõ đó là gương mặt của một bé gái hiếu động, ngoan ngoãn nằm trong vòng tay của nữ bác sĩ.

Vẽ không chỉ để giãi bày những xúc cảm bên trong, mà vẽ là để khơi lên lòng trắc ẩn, tình thương hay khơi gợi một hành động, một ý thức từ người xem. Với Lê Sa Long, vẽ còn để thể hiện niềm biết ơn của anh đối với vùng đất đã cưu mang những người con xa xứ đến đây học tập, làm việc và có khi, họ gắn bó cả một phần đời còn lại.

Hoạ sĩ Lê Sa Long sinh ra và lớn lên ở Quy Nhơn nhưng sau 30 năm lập nghiệp tại vùng đất này, hành trình đó cũng đủ dài để anh dành tình cảm cho từng góc phố, hàng cây, ngõ nhỏ. "Tôi tin Sài Gòn thân thương sẽ vượt qua cơn “cúm” này thôi. Vì sao ư? Vì Sài Gòn là Sài Gòn mà. Thế thôi!", họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ.