Nhân lên hàng triệu trái tim yêu sách

ANTĐ - Sau 3 năm tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày sách và Bản quyền thế giới 23-4, Ngày hội sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Sách - Chìa khóa thành công” trở nên ý nghĩa hơn trong không khí tưng bừng chào đón ngày hội mới -  Ngày Sách Việt Nam 21-4. 

Rèn luyện thói quen đọc sách từ nhỏ

Ngày của những người yêu sách

Điểm hấp dẫn đầu tiên của Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm nay đó chính là người yêu sách có dịp được chiêm ngưỡng hàng trăm cuốn sách đoạt giải sách hay, sách đẹp được xếp lên những giá sách hình vòng cung dọc lối đi vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với đó là những tấm pano ghi tiểu sử của những tác giả đã đoạt giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Từ sáng sớm, đã có rất đông học sinh, sinh viên và cả những phụ huynh tập trung tại đây để tham gia vào Ngày hội Sách lớn nhất trong năm. Phía trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bên cạnh các gian hàng của những đơn vị quen thuộc như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Thanh niên, NXB Phụ nữ… năm nay, có một số cái tên tương đối mới như Sách Vàng Online, Tủ sách Người mẹ tốt… cũng góp mặt vào sự kiện, giúp cho người đọc có thêm nhiều lựa chọn. Bên cạnh các mức giá ưu đãi giảm từ 10-50%, các gian hàng đồng giá từ 10.000 đồng/cuốn cũng thu hút đông đảo độc giả. 

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội sách và Văn hóa đọc, trong hai ngày 19 và 20-4 tại sân Thái học và hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra nhiều hoạt động phong phú như trình diễn thơ và văn xuôi do các tác giả đến từ Ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện; giao lưu với tấm gương giàu nghị lực - thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký; trưng bày triển lãm sách báo, tư liệu với các chủ đề: 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam… cùng các cuộc thi xếp sách nghệ thuật, vẽ tranh kể chuyện theo sách. 

Văn hóa đọc dựa trên nền tảng giáo dục

“Đọc từng câu chữ cha ông, mỗi trang sách, kiến thức luôn vọng về. Cho người đọc thấu tình đạt lý, cho người đọc không tự huyễn hoặc mình… Đọc mỗi trang thấm đẫm tình yêu dày chất nhân văn, triết lý thẳm sâu, đầy khả năng dự báo, giúp chúng ta nhìn thẳng vào mình, nhìn thẳng vào hiện tình đất nước” (trích lời hịch “Trang sách trang đời” - Nhà văn Nguyễn Khắc Phục).

Đọc sách đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân, mỗi người, nâng cao dân trí, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của một quốc gia. Trong mấy chục năm qua, văn hóa đọc ở nước ta đã có những bước phát triển rõ rệt, hàng năm xuất bản hàng chục nghìn đầu sách với tổng số hàng chục triệu bản. Hiện nay cả nước có một hệ thống thư viện rộng khắp, trong đó có 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 649 thư viện cấp huyện và khoảng 2.400 thư viện cấp xã, phường, thị trấn. Năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân ở mức 3,2 bản sách/người.

Việc thúc đẩy phong trào đọc sách trong xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều những lo lắng. Người Việt đang “ngại” đọc sách, giới trẻ bị cuốn vào thứ văn hóa nghe nhìn mang tính giải trí hơn là thông tin, trẻ em nông thôn, vùng sâu vùng xa ít có điều kiện tiếp xúc với sách… Để phong trào đọc sách thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, vai trò hệ thống giáo dục từ trong nhà trường, gia đình cần phải được đề cao hơn nữa. 

Với việc tổ chức Ngày hội sách và Văn hóa đọc 2014, cùng với các hoạt động hưởng ứng đang diễn ra tại Hà Nội và trên khắp cả nước, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh một lần nữa thông điệp về sự quan trọng của sách và thói quen đọc sách, đồng thời đặc biệt kêu gọi các bậc phụ huynh kiên trì giáo dục, tạo điều kiện để con em mình được tiếp xúc với sách, từ đó sớm hình thành thói quen đọc sách, bồi đắp tri thức, khơi dậy hoài bão, tạo dựng những ước mơ tốt đẹp trong các em.

Tôi quan tâm đến sách nên hay tìm trên mạng thông tin về các sự kiện về sách. Khi chọn sách, tôi thường chọn sách theo thể loại như kinh doanh, văn hóa... Sau đó tôi tìm NXB nào biên dịch tốt hơn thì sẽ tìm mua sách của NXB ấy. 

Nguyễn Thị Huyền Trang (Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khoảng 1 tháng tôi đi mua sách 2 lần, thường tìm mua sách ở các NXB hoặc phố sách như Đinh Lễ. Tôi thường quan tâm đến các tác giả phương Tây như Charles Dickens, Marc Levy, Guillaume Musso… và một số tác giả châu Á, đặc biệt là Haruki Murakami. 

Phạm Hà My (Đại học Văn hóa HN)

Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 284/QĐ-TTg về việc lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Việc lựa chọn ngày này có ý nghĩa văn hóa sâu sắc bởi tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền thế giới 23-4. Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam 21-4 đã được tổ chức trang trọng tại quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội vào tối 19-4.