Nhận định và sơ cứu rắn độc cắn

ANTĐ - Hiểu về cách sơ cứu rắn độc cắn hợp lí, không chỉ giúp những bệnh nhân bị rắn cắn có nhiều cơ hội giữ được tính mạng, mà còn hạn chế những hậu quả do hiểu sai về sơ cứu rắn độc cắn gây ra.

Rắn cắn là một trong những vấn đề y tế gặp phải trong cuộc sống làm nhiều người sợ hãi, do nọc độc của rắn có thể gây chết người. Không phải loài rắn nào cũng có nọc độc; vì vậy, việc phân biệt rắn thường và rắn độc cắn rất quan trọng để có thái độ đúng đắn với những vết cắn do rắn độc gây ra. Ngoài ra, chúng ta cần biết và hiểu về cách sơ cứu rắn độc cắn hợp lí – việc này không chỉ giúp những bệnh nhân bị rắn cắn có nhiều cơ hội giữ được tính mạng, mà còn hạn chế những hậu quả do hiểu sai về sơ cứu rắn độc cắn gây ra.

Các độc tính của nọc rắn:


Mỗi loài rắn lại có một loại nọc độc khác nhau, có loại nọc độc chỉ gây độc tại vùng bị cắn, có loại đi vào máu và gây độc cho toàn bộ cơ thể. Bản thân trong một loại nọc rắn cũng có nhiều chất độc khác nhau. Có thể chia ra làm hai nhóm chất độc chính:

- Các protein gây độc đối với tế bào: Các protein này có khả năng phá hủy các mô, giúp chất độc ngấm sâu vào cơ thể. Chúng có thể phá hủy hồng cầu và các tế bào khác, gây chảy máu và hoại tử các tổ chức.

- Các protein gây độc đối với hệ thần kinh: Một số chất độc có thể gây liệt thần kinh cơ và dẫn tới suy hô hấp.
Các chất độc trong nọc rắn có thể đi tới các cơ quan quan trọng, gây suy hô hấp, ngừng tim, suy thận và dẫn tới tử vong.

Nhận định loài rắn độc:


1. Ở Việt Nam, một số loài rắn độc thường gặp là:
- Họ rắn hổ:
- Rắn hổ mang: rắn hổ mang thường, hổ mang chúa.
- Rắn cạp nong, cạp nia.
- Rắn biển.
Chất độc trong các loài rắn hổ có độc tính với hệ thần kinh, có thể gây liệt, suy hô hấp và loạn nhịp tim; ngoài ra, còn làm tổn thương các cơ, tổn thương vùng vết cắn lan rộng, và gây suy thận.
- Họ rắn lục: Rắn lục xanh, rắn choàm quạp.

Chất độc trong các loài rắn lục có độc tính với tế bào, làm bệnh nhân dễ bị chảy máu, tổn thương vùng vết cắn lan rộng, tổn thương cơ, và gây suy thận.
 
2. Khi bắt được rắn đã cắn, người ta có thể nhận định được dựa vào một số hình ảnh đặc trưng:
 - Rắn hổ mang: khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng

Rắn hổ mang

Rắn cạp nong: thân mình “khúc vàng khúc đen”

Rắn cạp nia: thân mình “khúc trắng khúc đen”

3. Quan sát vết cắn để nhận định loài rắn độc hay rắn thường: Rắn độc có hai răng độc lớn để bơm nọc độc vào cơ thể qua vết cắn, do đó, vết cắn của rắn độc có 2 vết lớn xen kẽ giữa những vết răng nhỏ; đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt với rắn thường. Vết cắn của rắn thường chỉ là những răng nhỏ đều nhau hình vòng cung.

Sơ cứu một bệnh nhân bị rắn cắn:


Các bước sơ cứu:

1. Tránh mọi can thiệp có thể đối với bệnh nhân. Hầu hết những quan niệm cổ điển về xử trí ban đầu với rắn cắn đều chưa được chứng minh là có hiệu quả, và lại có khả năng gây hại cho bệnh nhân. Những can thiệp đó bao gồm:
- Nặn máu vết thương, rửa vết thương, dùng miệng hút nọc độc, lấy dao rạch vết thương: tất cả những biện pháp này có thể làm phát tán chất độc nhanh hơn vào máu. Ngoài ra, can thiệp vào vết cắn có thể gây nhiễm trùng vết cắn và làm nặng thêm tình trạng ngộ độc.
- Chườm lạnh: có thể gây hại cho vùng tổ chức bị rắn cắn.
- Garo: chi bị garo có nguy cơ hoại tử do nọc độc bị giữ lại gây phù nề tổ chức và sẽ phải cắt cụt.
- Shock điện, chữa mẹo, đắp thuốc dân gian, thờ cúng ...
Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất kì chất gì, đặc biệt là các thuốc và rượu - chúng có thể làm chất độc vận chuyển nhanh hơn theo dòng máu.
Không mất thời gian đi tìm rắn hoặc giết rắn. Nếu bắt được rắn hoặc giết được rắn, cần đem rắn đến trung tâm y tế cùng với bệnh nhân. Lưu ý rằng ngay cả một đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn, nên cần cẩn thận khi vận chuyển rắn.

2. Trấn an tinh thần cho bệnh nhân.

3. Bất động bệnh nhân, không để bệnh nhân cử động và đi lại. Tháo bỏ những đồ trang sức trên người để tránh tổ chức bị chèn ép khi phù nề. Không cần cởi quần áo của bệnh nhân để hạn chế các cử động không cần thiết.

4. Đánh giá tình trạng của bệnh nhân.
Tiến hành các bước sau:
- Gọi bệnh nhân xem họ có tỉnh táo không. Nếu bệnh nhân không trả lời, trả lời lẫn lộn hoặc lúc tỉnh lúc mơ màng thì đây là những dấu hiệu xấu, cần được bệnh nhân tới trung tâm y tế khẩn cấp.
- Nếu bệnh nhân bất tỉnh, đưa tay bắt động mạch cảnh ở vùng cổ trong vòng ít nhất 5 giây. Nếu không thấy mạch đập, có khả năng bệnh nhân ngừng tuần hoàn, cần cấp cứu ép tim và hô hấp nhân tạo. Trong khuôn khổ của bài viết này không thể trình bày được thao tác ép tim và hô hấp nhân tạo.
- Nếu bệnh nhân tỉnh táo, hỏi xem bệnh nhân có cảm thấy khó thở hoặc vận động các chi khó khăn không. Nếu bệnh nhân khó thở rõ rệt, đó có thể là một dấu hiệu nguy hiểm và cần đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế khẩn cấp. Vận động các chi khó khăn có thể là do độc tố gây liệt thần kinh cơ, và có thể tiến tới liệt cơ hô hấp gây suy hô hấp; do đó, cũng cần đưa bệnh nhân tới trung tâm y tế sớm.

5. Băng ép bất động. Băng ép được khuyến cáo bởi một số tổ chức y tế trên thế giới; tuy nhiên, chỉ nên thực hiện khi bệnh nhân còn ổn định, và tiến hành bởi người nắm vững kĩ thuật băng ép.

6. Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng phương tiện (cáng, xe ...). Cố gắng hạn chế việc bệnh nhân phải đi lại.

Kĩ thuật Băng ép


- Băng ép nhằm giữ các loại chất độc có khả năng gây liệt thần kinh cơ tại chi bị cắn, hạn chế chúng di chuyển tới các cơ quan quan trọng. Không nên băng ép trong trường hợp rắn lục cắn. Khi bị cắn ở vị trí đầu mặt cổ, phải vận chuyển ngay bệnh nhân tới bệnh viện, không mất thời gian băng ép.
- Các bước tiến hành:
Bắt đầu băng ép khoảng từ 6-10cm phía trên vết cắn.
Băng vòng quanh chi bị cắn sao cho các vòng băng đè lên nhau từ 1/2 đến 2/3 đường kính của vòng băng. Băng cao dần về phía tim, sau đó băng ngược lại về phía ngọn chi.
Không được băng trùm lên vết cắn.
Một băng ép tốt không làm giảm tưới máu cho chi bị rắn cắn (bắt mạch ngoại vi, so sánh hai bên sau khi băng ép). Bệnh nhân không có cảm giác khó chịu vì băng ép - nếu khó chịu, bệnh nhân sẽ gập chi lại. Chi sau khi băng ép có thể hơi phù một chút ở ngọn chi.
Không tự tháo băng ép vì có thể giải phóng nhanh độc tố vào hệ tuần hoàn. Chỉ định tháo băng ép được đặt ra do bác sĩ lâm sàng tại trung tâm chống độc hoặc khoa cấp cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://emedicine.medscape.com/article/168828-overview
2. http://www.chongdoc.org.vn/chongdoc/...28/41/lang,vn/
3. http://en.wikipedia.org/wiki/Snakebite