Nhận định thiếu khách quan về thực tiễn nhân quyền ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một lần nữa, nhân quyền lại trở thành con bài mà các thế lực thù địch, thiếu thiện chí sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo vì mục đích xấu

Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ cho công bố “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022”, cho rằng một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, đã vi phạm nhân quyền có hệ thống. Bình luận về thông tin này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam”. Bà Phạm Thu Hằng cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn cởi mở trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.

Internet và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam

Internet và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Liên tục từ năm 1997 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đều đặn ra Báo cáo nhân quyền hàng năm, với nhiều điều phi lý. Không dựa trên nguyên tắc cơ bản nhất là khảo sát thực tiễn, báo cáo này thường lớn tiếng cáo buộc Việt Nam, từ hạn chế các quyền tự do như tự do ngôn luận, báo chí, internet, tôn giáo; đến bắt cóc, giam giữ tùy tiện, tra tấn tù nhân, đối xử bất công với tù nhân chính trị...

Không khó khăn gì để hiểu âm mưu đằng sau những báo cáo như vậy. Thời gian gần đây, một số nước phương Tây, trong đó có chính quyền Mỹ, đã và đang lợi dụng nhân quyền như là một công cụ, nói đúng hơn, là đội lốt nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc, nhất là các nước đối lập về hệ tư tưởng, hoặc không nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của họ, nhằm ép buộc những nước này không đứng ngoài “trật tự thế giới” do họ làm chủ.

Chính vì động cơ như vậy nên các báo cáo nhân quyền về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ thường đưa ra những nhận xét không khách quan, dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện về “bảo đảm sự toàn vẹn của con người” ở Việt Nam. Theo cách “bới lông tìm vết”, họ cố tình nhặt nhạnh những sự việc riêng lẻ, hy hữu chưa được kiểm chứng rồi ra sức thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo để nó trở thành nghiêm trọng. Mục đích cuối cùng là để bôi xấu tình hình nhân quyền của Việt Nam nhiều nhất có thể.

Các thế lực chống đối, các cá nhân, các nhóm hoạt động đội lốt “dân chủ”, “nhân quyền” trong và ngoài nước cũng được dịp đua nhau lên án Việt Nam vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”; từ đó, quy chụp, vu khống, hạ thấp uy tín của các cơ quan thi hành pháp luật Việt Nam. Chúng tổ chức các cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành nghị quyết, báo cáo… vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam; yêu cầu gắn viện trợ nhân đạo với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí ngôn luận…; khích lệ các đối tượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối trong nước gia tăng hoạt động.

Bức tranh sinh động về thành tựu nhân quyền của Việt Nam

Với ý nghĩa xã hội rộng rãi, liên quan trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động hằng ngày của con người, lại có khả năng tác động đến nhận thức cảm tính, khiến con người có thể bộc phát suy nghĩ, hành vi, nên việc nhân quyền thường bị lợi dụng như một công cụ để chống phá là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù có tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo thì cũng không thể phủ nhận sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trong suốt những năm qua, với những nỗ lực không không mệt mỏi, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Quan điểm đúng đắn này đã được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và kiên trì lãnh đạo tổ chức thực hiện từ năm 1986 đế nay với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cũng đều hướng vào mục tiêu bảo vệ quyền của người dân. Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hồi tháng 10-2022, cho rằng: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người, đó là điều quan trọng nhất”.

Đi vào cụ thể, nếu thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2022 con số đó đã lên tới hơn 4.100 USD. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới. Đánh giá về thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, báo chí quốc tế từng ca ngợi “Sự phát triển của Việt Nam mang tính “nhân bản” cao bởi số người thoát khỏi đói nghèo cao gấp đôi mức trung bình trong khu vực”.

Nói đến chế độ dân chủ và quyền con người thì không thể không nói đến quyền sử dụng internet và mạng xã hội. Trong lĩnh vực này, nỗ lực của Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận. Chính thức nối mạng internet năm 1997, đến nay, số người Việt Nam sử dụng internet đã lên tới 70 triệu người, 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Tự do báo chí được thể hiện cụ thể với việc cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, trong đó có 67 đài phát thanh, truyền hình với 182 kênh. 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, cùng nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn.

Không chỉ luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người, Việt Nam còn nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã hai lần được bầu là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao. Điều đó thể hiện sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời đặt niềm tin đối với Việt Nam như là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền.

Bức tranh sinh động về thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người là minh chứng rõ ràng nhất bác bỏ những cáo buộc phi lý mà “Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022” của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra.