Lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ và những hậu quả xấu (1)

Nhận diện virus ký sinh nguy hiểm

ANTĐ - Lợi ích, theo nghĩa hẹp, là sự theo đuổi và thỏa mãn ở mức nào đó nhu cầu sở hữu, chi phối, tiêu dùng và quản lý các tài sản, giá trị vật chất, tài chính và tinh thần của con người. Lợi ích chính đáng của cá nhân, tập thể và quốc gia luôn được pháp luật bảo hộ; Đồng thời, sự hài hòa các lợi ích này là mục tiêu và động lực của hoạt động có ý thức của con người nói chung, của phát triển kinh tế nói riêng trong xã hội văn minh. 

“Lợi ích nhóm” (hay “nhóm lợi ích”) được hiểu như lợi ích cùng loại, tạo điều kiện và chi phối nhau, mang tính cá nhân, ích kỷ của một số người hoặc nhóm người có các quan hệ xã hội trực tiếp hay gián tiếp với nhau, thường đi ngược lại hay làm tổn hại lợi ích tập thể và quốc gia. Vì vậy, về cơ bản và trong đa số trường hợp, chúng đều bị pháp luật ngăn cấm và xã hội lên án.

“Tư duy nhiệm kỳ” là lối suy nghĩ và cách thức hành xử công việc của một bộ phận cá nhân có quyền lực trong khoảng thời gian nhất định, thường theo nhiệm kỳ bầu cử, đại hội… muốn thu lợi cao nhất cho mình và nhóm lợi ích của mình trong thời gian tại vị; coi nhẹ, thậm chí không tính đến lợi ích chung hay lợi ích dài hạn của tập thể, quốc gia. 

“Tư duy nhiệm kỳ” & “Lợi ích nhóm” là cặp bài trùng, gắn bó với nhau như hình với bóng và là biểu hiện tập trung của sự suy thoái đạo đức, cũng như nhận thức về lý tưởng và trách nhiệm xã hội của một bộ phận không nhỏ đảng viên và cán bộ đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp, ngành của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội Việt Nam. 

“Lợi ích nhóm” và “Tư duy nhiệm kỳ” có những biểu hiện “muôn hình vạn trạng”, biến màu linh hoạt và ngày càng phủ rộng, cũng như len sâu khắp các lĩnh vực, địa phương, quy mô và các cấp độ; Tuy vậy, chúng đều có chung một đặc trưng nguy hiểm là thường khai thác, lạm dụng các kẽ hở và ẩn mình trong vỏ bọc pháp luật; đồng thời, ngày càng hành động có tổ chức và luôn “to mồm”, “lẻo mép” nhân danh cái tốt đẹp và lợi ích chung, quốc gia, cộng đồng tập thể, để cốt chỉ thu vén lợi ích cho cá nhân, gia đình, nhóm cánh hẩu của mình, hoặc nhiệm kỳ mình càng nhiều càng tốt mà thôi…

Trong công tác quy hoạch và đầu tư công, đó là hiện tượng sản xuất hàng  loạt quy hoạch, chiến lược phát triển được xây dựng, thẩm định cẩu thả, với  các dự án “dưới chuẩn”, cùng loại, cùng kiểu ở mọi địa phương, bất chấp các căn cứ khoa học, khả năng đầu tư thực tế và hiệu quả kinh tế-kỹ thuật. Đó là hiện tượng quan chức hay lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng vung tiền công mua hàng quá đát với giá trên trời, kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Thậm chí, đó còn là vì động cơ riêng mà “đẻ non” hay tùy tiện thay đổi quy hoạch; quản lý dự án gian dối và tìm mọi sức ép tăng nợ công để có tiền đầu tư những dự án cơ sở hạ tầng “khủng”, chất lượng thấp hoặc đầu tư không đúng lúc và đúng cách (chẳng khác nào “ném tiền” của dân “qua cửa sổ”) bất chấp hậu quả KT-XH và gánh nặng trả nợ khổng lồ cho thế hệ sau.

Trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ-ngân hàng, đó là căn bệnh mãn tính với việc phân bổ vốn đầu tư ngân sách và tín dụng ưu đãi kiểu dàn trải, theo cơ chế  xin-cho và nhất là theo mức % phong bì “lại quả” và sự “biết điều” của đối tượng, người và địa phương nhận được vốn cấp. Đó là các hiện tượng “ăn chia” gây thất thu NSNN các cấp. Đó là hiện tượng lạm dụng chỉ định thầu, ép thầu, chạy thầu hay đấu thầu dự án kiểu hình thức, “quân xanh quân đỏ”, miễn sao “người mình” được trúng thầu, bất chấp các quy định pháp lý hay năng lực, chất lượng thực hiện dự án thầu. Hơn nữa, đó có thể là hiện tượng lũng đoạn, bắt tay giữa quan chức, ngân hàng và doanh nghiệp trong hoạch định và thực thi chính sách, phân bổ và điều tiết dòng tiền… Tội phạm lũng đoạn dạng này gây áp lực và tổn phí cho Nhà nước trong bình ổn vĩ mô, còn khu vực doanh nghiệp thì khiến ngày càng mất sức cạnh tranh và động lực kinh doanh.

Trong quản lý giá cả những ngành độc quyền, đó là hiện tượng giá cả chỉ có lên một chiều, hoặc lên nhanh, xuống chậm, với những độ vênh từ vài chục tới vài trăm phần trăm giữa giá nội với ngoại, bất chấp các xu hướng và động thái thị trường, cũng như lợi ích chính đáng và sự bất bình của người dân.

Trong cơ cấu phát triển ngành, đó còn là hiện tượng coi nhẹ hay bỏ rơi những ngành, nghề cần thiết cho ổn định và phát triển xã hội, nhưng lại bảo hộ “vô điều kiện” (?!) và kéo dài bảo hộ quá mức đối với một số ngành nghề, sản phẩm để tư lợi. Hơn nữa, đó còn là hiện tượng tư nhân hóa ngấm ngầm và “đục nước béo cò” trong cổ phần hóa, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mua - bán nợ theo giá cao và thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong bối cảnh  nhiều  mù mờ, “tranh tối, tranh sáng” hiện nay.

Trong quản lý tài nguyên và đất đai, đó là hiện tượng giao đất không đúng đối tượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù đất dự án tùy tiện, luồn lách hoặc bất chấp pháp luật; “rút lõi’ và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản ngày càng gia tăng như quốc nạn mới khó cản. Thậm chí, đó là sự biến mất trước mắt cơ quan kiểm lâm cả cánh rừng mà họ có trách nhiệm bảo vệ và hàng nghìn hécta đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho những dự án phát triển công nghiệp trên giấy hay dịch vụ giải trí cao cấp phục vụ thiểu số, nhân danh mục tiêu tái cơ cấu, và bất chấp lợi ích lâu dài của địa phương và quốc gia…

Lời tòa soạn: Đã là chiến lược phát triển, hay quy hoạch, kế hoạch, thì người đại diện cơ quan nhà nước ra chính sách phải có tầm nhìn xa, không thể bị chi phối bởi “tư duy nhiệm kỳ” với tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích hoặc chủ quan duy ý chí được. Và đặc biệt, “lợi ích nhóm” ở đây mà xuất hiện và chi phối chính sách thì hậu họa khôn lường. Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Cũng như nạn tham nhũng, “Lợi ích nhóm” và “Tư duy nhiệm kỳ” là virus ký sinh nguy hiểm và thường xuyên có trong mỗi thể chế nhà nước, không phân biệt thời đại, quốc gia và địa phương nào. Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của ông!

(Còn tiếp)