Nhận diện và tái cấu trúc

ANTĐ - Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hay bất kỳ một hệ thống nào cũng cần nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Cần trả lời được câu hỏi “Tại sao phải tái cấu trúc, lĩnh vực nào phải tái cấu trúc?”. Cũng cần phải trả lời được câu hỏi là các ngân hàng sẽ hoạt động như thế nào sau quá trình tái cấu trúc, cách thức xử lý các khoản nợ xấu. Không chỉ ở số tiền to hay nhỏ mà còn là khả năng thu hồi vốn. Do vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần hiểu như một nhu cầu tự thân. 

Đó là ý kiến của Chuyên gia tài chính cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khi góp ý về quyết định của Chính phủ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Theo ông, dường như Ngân hàng Nhà nước muốn tái cấu trúc hệ thống này trong “bí mật”, trong khi việc phân tích thực trạng của hệ thống trước khi đưa ra kế hoạch chi tiết chính là thách thức lớn nhất của việc tái cơ cấu. Thực trạng đáng lo ngại là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế yếu, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước gây tốn kém cho nền kinh tế. Một số ngân hàng có thể gặp khó khăn lớn với các khoản nợ bất động sản.

Đây là những sức ép lớn lên nền kinh tế, buộc Chính phủ phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhận diện được những rủi ro này của cả hệ thống, nhận diện từng ngân hàng sa vào vòng xoáy nguy hiểm, ngân hàng nào thực sự cần được hỗ trợ, ngân hàng nào cần được tái cấu trúc. Nhận diện là công việc đầu tiên, sau đó mới tính đến tái cấu trúc. Theo một số tổng giám đốc ngân hàng, khi thị trường cùng một mặt bằng lãi suất tiền gửi, xuất hiện tình trạng người dân rút tiền ở một số ngân hàng nhỏ gửi ngân hàng lớn vì cho rằng cùng một giá thì gửi vào “khách sạn 5 sao” vẫn yên tâm hơn. Điều đó không có gì lạ bởi vì người dân chọn ngân hàng lớn gửi tiền tạo cảm giác an toàn hơn.

Song quy mô lớn không có nghĩa là chất lượng dịch vụ tốt, giá cả dịch vụ tốt, nhất là không đồng nghĩa quản trị rủi ro tốt hơn. Thậm chí, nếu quy mô lớn nhưng vượt quá quy mô quản trị thì còn tệ hơn là quy mô nhỏ nhưng thận trọng. Ngân hàng nhỏ thường linh hoạt và năng động hơn, dễ dàng thích ứng với tình hình thị trường. Cơ cấu tài sản nhỏ cũng rõ ràng minh bạch hơn, dễ dàng quản trị rủi ro. Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa công bố xếp hạng mức độ tín nhiệm hay chất lượng thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Giới ngân hàng cho rằng, đối với cơ cấu tiền gửi thì tiền gửi dân cư vô cùng quan trọng vì nó đảm bảo yếu tố bền vững nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước cần công bố chất lượng hoạt động các ngân hàng để người dân có cơ sở lựa chọn.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh, nhiều quốc gia cũng phải tiến hành cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, không nên xem việc này là một sự kiện “chấn động” gây sốc cho cả hệ thống. Ông Chủ tịch cũng thừa nhận, hệ thống Ngân hàng nước ta vỗn dĩ đã yếu kém so với yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế, lại tích tụ nhiều bất cập. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đông về số lượng nhưng không mạnh về chất lượng. Không ít ngân hàng yếu về năng lực tài chính, kém về quản trị, nhất là quản trị rủi ro.

Hệ thống ngân hàng vốn nhạy cảm và ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế và xã hội. Do vậy, tái cấu trúc hệ thống này tuy phải khẩn trương nhưng cần thận trọng và tránh gây đảo lộn hay tạo ra những “cú sốc” không cần thiết. Song quan trọng nhất là nhận diện rủi ro của cả hệ thống và từng ngân hàng, từ đó mới có thể tái cấu trúc.