Nhận diện tội phạm mới

ANTĐ - Theo nhận định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội – Bộ Công an (C45), trong thời gian qua tình hình tội phạm hình sự nguy hiểm gây án nghiêm trọng có diễn biến phức tạp. Mặc dù không hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm như trước nhưng hoạt động của một số băng nhóm tội phạm kiểu mới gây ra những vụ án nghiêm trọng, cầm đầu là những tên lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn thực hiện hành vi phạm tội như: giết người bịt đầu mối, bắt giữ người trái pháp luật, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê…

Loại tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” đã tồn tại ở nước ta tại một số tỉnh ở phía Nam từ những năm trước giải phóng. Khi xuất hiện trở lại chúng thường có mặt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nền công nghiệp, dịch vụ và du lịch phát triển, những địa bàn có khai thác khoáng sản quý (vàng, đá quý) mà những người lao động tự do ở khắp nơi kéo đến để khai thác hoặc làm thuê. Đây là những tổ chức tội phạm bí mật, khép kín có mục tiêu hoạt động lâu dài, có cơ cấu tổ chức rõ ràng, chặt chẽ, bền vững với hai hoặc ba cấp. Cầm đầu ở tổ chức tội phạm này thường là những tay anh chị giang hồ “có sừng có mỏ”,  có đầu óc tổ chức, có hiểu biết khá rộng (về luật pháp, về xã hội…) và mối quan hệ rộng rãi, có “số má” trong giới giang hồ hoặc các “thế giới ngầm” và quyết định mọi hoạt động của tổ chức tội phạm này.

Những đối tượng cầm đầu thường ít trực tiếp tham gia vào việc gây án, mà điều hành qua một số chỉ huy. Tuy không ra mặt, nhưng các tay anh chị này đã khét tiếng trong giới giang hồ mà mỗi khi nhắc tới tên là trong giới tội phạm phải kiềng nể. Các băng nhóm này xưng hùng xưng bá và cát cứ vùng hoạt động như một “lãnh địa” riêng của mình, rồi mặc sức làm mưa làm gió. Và khi lãnh địa bị xâm phạm đã không ít những cuộc thanh trừng, đụng độ đẫm máu. Điển hình cho những băng nhóm này là những cái tên như: Khánh “trắng”, Phúc Bồ (Hà Nội), Dung “Hà”, Cu “Nên”, Lâm Già (Hải Phòng), Tin “pales” (Khánh Hòa), Minh Samasa (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hoàng “lựu đạn”, Dũng “chim xanh”, Tài “lừa”… và đặc biệt là tổ chức tội phạm của Năm cam (Trương Văn Cam - TP Hồ Chí Minh).

Hình thành băng nhóm theo “thời vụ”

Sau khi những băng nhóm khét tiếng trên bị lực lượng công an triệt phá, loại tội phạm này có biểu hiện hoạt động chững lại. Tuy nhiên, gần đây tình hình hoạt động của tội phạm hình sự có tổ chức lại có những diễn biến phức tạp, theo một chiều hướng mới. Dù không hình thành, tồn tại các tổ chức tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, nhưng nổi lên các băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê (nhất là đòi nợ trong các vụ cờ bạc), bắt giữ người trái pháp luật, sử dụng bọn lưu manh côn đồ, mới mãn hạn tù để đâm thuê chém mướn, giết người... Các băng nhóm này chủ yếu quan hệ với nhau theo quy ước đơn giản. Mục đích chính của chúng là chiếm đoạt tài sản và khi chiếm đoạt được tài sản chúng thường chia nhau theo công lao của mỗi thành viên hoặc sử dụng ngay cho những hoạt động như: ăn chơi, cờ bạc, chích hút ma túy… Do có tổ chức lỏng lẻo, hoạt động theo “thời vụ” nên các băng nhóm tội phạm này dễ bị tan rã khi một tên trong nhóm bị bắt hoặc bị truy đuổi. Những tên trốn thoát thường chuyển sang địa bàn khác lẩn trốn để rồi nếu có cơ hội và điều kiện có thể tiếp tục nhen nhóm thành băng nhóm tội phạm khác. Tuy cơ cấu tổ chức đơn giản nhưng hoạt động của chúng lại hết sức trắng trợn, manh động và thường gây ra các vụ án cực kỳ nghiêm trọng.


Từ đòi nợ thuê đến giết người bằng vũ khí nóng

Một trong những hành vi điển hình của các băng nhóm tội phạm mới hiện nay là hoạt động đòi nợ thuê. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội 8 tháng đầu năm 2011, trong số 210 vụ cố ý gây thương tích có tới 109 vụ có nguyên nhân do vay nợ chưa trả được. Các băng nhóm tội phạm được thuê để đòi nợ đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm ép buộc người đi vay phải trả tiền. Từ việc gây áp lực, khủng bố tinh thần cho đến đe dọa, gây thương tích và thậm chí là bắt giữ người trái pháp luật. Đã có rất nhiều vụ việc các băng nhóm được thuê đòi nợ đã bắt giữ con nợ và yêu cầu phải viết giấy vay nợ. Điển hình là vụ bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản xảy ra ngày 28-9-2011. Phạm Văn Đảm (SN 1974 trú tại TP Bắc Ninh - Bắc Ninh) có phát sinh mâu thuẫn về thanh toán tiền hàng với Nguyễn Đình Tứ (SN 1972 - Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) từ năm 2008. Ngày 24-9-2011, Tứ thuê Nguyễn Văn Huân (SN1983 tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) đi đòi tiền của Đảm. Tứ hứa nếu đòi được tiền gốc hơn 400 triệu thì sẽ trả cho nhóm của Huân 160 triệu, còn đòi được bao nhiêu tiền lãi thì sẽ chia đôi. Với lợi nhuận “khủng” đó, Huân cùng với nhóm đàn em ép Đảm về nhà của Tứ, tại đây chúng buộc anh Đảm phải ký vào “Giấy nhận nợ” với nội dung anh Đảm còn nợ Tứ 1 tỷ đồng. Sau đó chúng đưa anh Đảm về nhà nghỉ và cử người trông giữ và bắt anh Đảm phải gọi điện về cho vợ để chuẩn bị tiền chuộc.

Trước đó vào ngày 19-4-2011, Phòng cảnh sát điều tra về TTXH  (PC45) - CATP Hà Nội nhận được đơn trình báo của anh Phạm Văn Đại (SN 1977 - Hoàng Mai - Hà Nội) về việc vợ anh bị một số đối tượng bắt ép lên xe máy và chở đi đâu không rõ. Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã làm rõ, với mục đích đòi tiền của chị Vũ Thị Thanh Thương (SN 1976 - vợ anh Đại), Phạm Thị Xuân (SN 1967 – Hải Phòng) đã bàn bạc với Nguyễn Đức Kính và Nguyễn Ngọc Chiến (đều ở Bắc Ninh) thuê Nguyễn Thế Hùng (SN 1979 – Long Biên - Hà Nội) cử 6 đàn em đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội ép chị Thương phải theo bọn chúng về một quán karaoke trên đường Long Biên - Hà Nội. Tại đây chúng tra tấn và bắt chị Thương phải viết giấy vay nợ với số tiền 1 tỷ đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ Phòng PC45 đã xác định được nơi chúng bắt giữ chị Thương và tổ chức bắt giữ các đối tượng phạm tội.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 toàn quốc đã xảy ra 233 vụ băng nhóm lưu manh côn đồ dùng súng, dao, kiếm, mã tấu để gây án (với 51 vụ các băng nhóm sử dụng súng để gây án, tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2010), làm chết 61 người, bị thương 277 người. Trong đó, Hà Nội xảy ra 28 vụ đối tượng sử dụng vũ khí nóng (3 vụ sử dụng vũ khí quân dụng, 25 vụ sử dụng súng tự chế), Hải Phòng xảy ra 5 vụ, Quảng Ninh 6 vụ, TP Hồ Chí Minh 5 vụ…  Hoạt động của các băng nhóm này mang tính chất ngày càng nghiêm trọng. Có thể kể đến vụ việc 5 đối tượng gây ra vụ án sử dụng súng giết người xảy ra tại số nhà 488 Xã Đàn, phường Nam Đồng, Đống  Đa, Hà Nội ngày 04-5-2011. Nạn nhân là Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1991 trú tại Hoàng Mai - Hà Nội. Xuất phát từ nguyên nhân do nợ tiền, các đối tượng đã hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Kết quả là Nguyễn Thị Liên đã bị bắn chết. Trước đó, cũng từ việc nợ nần tiền bạc, ngày 1-3-2010 Phan Tùng Khánh (SN1978 - Cầu Giấy - Hà Nội) và đồng bọn đã gây ra vụ truy sát kinh hoàng trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sau khi xảy ra mâu thuẫn, Khánh cùng hơn 10 đối tượng đi trên 4 xe ô tô truy  đuổi đối thủ và dùng súng bắn trọng thương một người trước khi ép xe ô tô của nhóm này xuống vệ đường.

Các băng nhóm tội phạm không chỉ hoạt động trên một địa bàn mà có sự cấu kết với nhau ở nhiều địa phương, nhiều tên tội phạm hình sự nguy hiểm ở các tỉnh phía Bắc tập trung vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hoạt động. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, có lúc bộc lộ trắng trợn công khai, và hết sức manh động, chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ, bọn chúng đều sẵn sàng dùng vũ khí nóng và hành động không ghê tay, có nhiều vụ còn giết nhiều người, thậm chí còn chống trả quyết liệt lực lượng công an làm nhiệm vụ. Loại tội phạm này hoạt động theo nhóm, song không có “số má”, “băng đảng” như loại băng nhóm tội phạm trước đây, phần lớn tội phạm đều ở độ tuổi còn trẻ, nông nổi, nhận thức pháp luật kém. Song cũng chính vì những lý do này nên hành vi phạm tội của chúng hết sức manh động, ngổ ngáo và liều lĩnh. Điều này đã gây tâm lý lo lắng, hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã điều tra làm rõ, bắt giữ 4 tên trong băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng gây án (trong đó tiêu diệt 1 tên), gây ra vụ bắn chết 1 đồng chí công an ngày 18-7-2011. Trước đó, ngày 09-7-2011, cũng nhóm tội phạm này đã sử dụng vũ khí quân dụng bắn chết anh Nguyễn Quốc Dũng ở Long Thành, Đồng Nai cướp đi 1 xe SH. Cũng thời điểm này, Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành điều tra làm rõ vụ án sử dụng súng bắn chết ông Phan Văn Lan (SN 1971 - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lan Thảo) ngày 6-5-2011, xuất phát từ nguyên nhân do mâu thuẫn nợ tiền. Từ đây cơ quan công an đã làm rõ băng nhóm chuyên đòi nợ thuê do Dương Hoàng Dũng (tức Dũng “ben”) cầm đầu.

Sự gia tăng của các băng nhóm tội phạm do thanh, thiếu niên tham gia, đã hình thành nên nhiều tổ chức tội phạm hình sự nguy hiểm, gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng như: giết người, cướp của, cưỡng đoạt, bắt giữ người trái pháp luật, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, tổ chức các xới bạc, cá độ bóng đá với mức sát phạt lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - Bộ Công an đã phối hợp với công an một số tỉnh phía Bắc xác lập 3 chuyên án triệt phá các băng nhóm tội phạm, bắt giữ hàng chục đối tượng, đồng thời thu giữ nhiều vũ khí quân dụng, hung khí nguy hiểm. Tại Thanh Hóa đã điều tra, xác minh làm rõ 9 băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê, bảo kê cờ bạc… Tại Bắc Ninh đã phối hợp với công an địa phương khởi tố 9 đối tượng, đồng thời ra quyết định truy nã mốt số đối tượng liên quan trong băng nhóm tội phạm sử dụng súng quân dụng, hung khí nguy hiểm để đòi nợ thuê. Đặc biệt C45 đã bắt tạm giam 6 bị can trong nhóm tội phạm do Nguyễn Hữu Nghĩa (Đông Anh - Hà Nội) cầm đầu gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật liên quan đến việc chạy án cho anh em Phương “Linh Hột” và Trung “Linh Hột”.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường

Có thể thấy, quá trình hình thành, phát triển và diễn biến của tình hình tội phạm có tổ chức thời gian qua chịu sự liên hệ chặt chẽ và tác động ảnh hưởng của những tiêu cực, mặt trái kinh tế thị trường, sự tác động và thâm nhập của các tổ chức tội phạm khu vực và trên thế giới. Theo ông Đinh Văn Quế nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao thì các băng nhóm tội phạm hình thành và phát triển như là một hiện tượng khách quan. Khi nền kinh tế xã hội phát triển đến một lúc nào đó thì nó xuất hiện, nó là sản phẩm tất yếu (mặt trái) của nền kinh tế thị trường mà quốc gia nào cũng phải trải qua. Vào thời điểm Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999, Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật  Hình sự đã đề nghị Quốc hội bổ sung điều 20a về “Nhóm tội phạm có tổ chức” và Điều 245a quy định tội danh “Thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm có tổ chức”. Tuy nhiên vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị này chưa được Quốc hội thông qua.

Phân tích về tình hình các băng nhóm tội phạm trong thời gian gần đây, Thượng tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng PC45 Công an TP Hà Nội cho biết: Nguyên nhân hình thành và nhen nhóm hình thành những băng nhóm tội phạm hầu hết đều là do mục đích kinh tế và lợi nhuận. Ở một số lĩnh vực do chính sách Nhà nước và việc buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở đã tạo kẽ hở cho sự hình thành các hành vi phạm tội. Ví dụ như việc quản lý cấp cơ sở về đất đai còn lỏng lẻo, hay những quy định của pháp luật trong vấn đề quản lý tín dụng, chưa có những chế tài để xử lý nghiêm những người hoạt động tín dụng đen đã tạo điều kiện cho tội phạm  hoạt động. Bên cạnh đó do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, việc thực hiện của các cơ quan chức năng chưa kiên quyết trong việc xử lý những vụ việc tranh chấp nợ và thi hành án, người cho vay không biết trông vào đâu phải tìm đến những băng nhóm tội phạm chuyên đòi nợ thuê dẫn đến nảy sinh những mâu thuẫn và phức tạp xã hội. Ngoài ra công tác quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, “nhạy cảm” như cầm đồ còn chưa tốt, công tác quản lý súng đạn, vật liệu nổ chưa chặt đã tạo điều kiện để tội phạm, các băng nhóm tội phạm lợi dụng hoạt động.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền văn hóa độc hại từ phim ảnh, Games online, trò chơi bạo lực, đồi trụy trên Internet đã tác động mạnh đến tâm sinh lý của một bộ phận xã hội, nhất là thanh thiếu niên. Ngoài ra, những nhân tố bổ sung cho đầu vào của tội phạm ngày càng gay gắt hơn: trên toàn quốc còn khoảng 18.383 đối tượng truy nã, trong đó có 5.148 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm; khoảng 150.000 người nghiện ma túy, trên 250.000 học sinh bỏ học, số đối tượng được đặc xá vừa qua có hơn 17.000 người trở về địa phương. Các đối tượng nghiện ma túy và sau cai nghiện, đối tượng tù tha về… hầu hết đều có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm dễ tiếp tục đi vào con đường phạm tội.

Một nguyên nhân nữa khiến cho các loại tội phạm hoạt động theo nhóm gia tăng đó là sự lệ thuộc vào ma túy. Rất nhiều đối tượng trong các vụ án gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua có độ tuổi rất trẻ, có đối tượng phạm tội còn đang ở tuổi… thiếu niên hoặc sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có đối tượng chưa từng phạm tội, nhưng hành vi phạm tội lại rất nguy hiểm. Các đối tượng này thường là không được gia đình quan tâm hoặc do chiều chuộng một cách quá đáng, thậm chí có cả những đối tượng là con nông dân nghèo nhưng ham chơi đã sa ngã chơi bời và trở thành nô lệ của ma túy đá. Ban đầu, các “con mồi” này thường được các đối tượng thuộc thế hệ đàn anh “nuôi”… cho béo bằng cách tạo mọi điều kiện cho ăn chơi sành điệu, sáng đi xe xịn, điện thoại sang, “cặp” theo một em chân dài, tối đến vũ trường, về nhà nghỉ. Dùng ma túy, một lần rồi quen, không từ bỏ được, cho đến khi các “con mồi” đã cắn câu và trở thành nô lệ của ma túy thì các tay anh chị bắt đầu “làm thịt” bằng cách sử dụng vào các vụ án đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn.


Trấn áp mạnh các băng nhóm tội phạm nguy hiểm

Theo nhận định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, trong thời gian tới, diễn biến hoạt động của các băng nhóm tội phạm liên quan đến các hành vi bảo kê, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật… vẫn còn hết sức phức tạp. Trong đó, đáng quan tâm là tình hình thanh thiếu niên bỏ nhà lang thang tụ tập thành băng nhóm để gây án. Mặc dù những băng nhóm này cấu kết không chặt chẽ, nhiều đối tượng chưa có tiền án, tiền sự, nhưng với bản tính bộc phát, dễ bị kích động… nên có thể từ những mâu thuẫn rất nhỏ, số đối tượng này sẵn sàng tụ tập, mang theo dao lê, mã tấu để đâm chém nhau gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước những phức tạp được dự báo, cơ quan chức năng đã tiến hành đấu tranh, trấn áp mạnh các băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc đã phát hiện và triệt phá 1.809 băng nhóm tội phạm, bắt và xử lý 5.820 đối tượng, trong đó tại 18 địa bàn trọng điểm đã đấu tranh triệt phá 1.130 băng nhóm (chiếm 62,4% trong toàn quốc), bắt giữ xử lý 3.310 đối tượng các loại (chiếm 56,9% trong toàn quốc). Riêng Hà Nội đấu tranh triệt xóa 570 băng nhóm, bắt 1712 đối tượng; Hải Phòng đấu tranh triệt xóa 73 băng nhóm, bắt 124 đối tượng; Tp Hồ Chí Minh đấu tranh triệt xóa 31 băng nhóm, bắt 77 đối tượng; Bình Dương đấu tranh triệt xóa 70 băng nhóm, bắt 275 đối tượng; Đồng Nai đấu tranh triệt xóa 46 băng nhóm, bắt 117 đối tượng; Quảng Ninh đấu tranh triệt xoá 61 băng nhóm, 196 đối tượng...

Theo Thượng tá Lê Minh Giám - Phó Trưởng phòng 5 (C45): Để có thể ngăn chặn tiến tới đẩy lùi hoạt động của các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, biện pháp trước mắt cần phải trấn áp mạnh các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các địa phương cần rà soát, quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sự, những thanh thiếu niên hư hỏng, ăn chơi. Ở những nơi đã hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm cần thành lập ban chuyên án triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm trước khi chúng có hành vi phạm tội. Về lâu dài cần phải xây dựng một chiến lược tổng thể, gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội, từng bước hoàn thiện các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội. Loại bỏ những nguyên nhân khách quan và chủ quan hình thành các băng nhóm tội phạm nguy hiểm.

Theo báo cáo của Công an các địa phương, toàn quốc hiện còn 318 băng nhóm với 2.334 đối tượng nghi vấn phạm tội. Tại 18 địa phương trọng điểm trên toàn quốc hiện còn 175 băng nhóm, chiếm tỷ lệ 55% về số băng nhóm trong toàn quốc với 1.177 đối tượng, chiếm tỷ lệ 50,4% số đối tượng nghi vấn phạm tội trong toàn quốc.