Nhận diện, đấu tranh đối tượng người nước ngoài "núp bóng" đầu tư thực hiện hành vi phạm tội

ANTD.VN - Chiều 24-12, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75, Trung tướng Đoàn Duy Khương – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội thay mặt CATP đã tham luận nội dung: “Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng nước ngoài “núp bóng” đầu tư "chui" trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Trung tướng Đoàn Duy Khương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP. Hà Nội tham luận tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75

Giám đốc Công an TP. Hà Nội thông tin: trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay Hà Nội có 4.751 dự án FDI, với vốn đầu tư đăng ký 40.7 tỷ USD.

Bên cạnh những hiệu quả tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài với nền kinh tế Thủ đô, Công an TP. Hà Nội cũng đã phát hiện, xử lý một số vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động đầu tư “chui”, “núp bóng” của người nước ngoài.

“Tuy chưa diễn ra phổ biến, song nếu không được phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, sẽ là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để các thế lực thù địch lợi dụng đầu tư kinh tế thâm nhập nội bộ, thu thập bí mật nhà nước, nhất là các lĩnh vực kinh tế trọng yếu, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng trong tình hình mới, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều loại tội phạm là người nước ngoài xâm phạm sở hữu, xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận.

Theo đồng chí Giám đốc Công an TP. Hà Nội, chỉ tính trong năm 2019, CATP đã chủ động phát hiện, khám phá thành công 1 chuyên án đấu tranh với hoạt động đầu tư “chui” (chuyển Viện KSND thành phố truy tố theo quy định của pháp luật); đồng thời đang xác minh nhóm người nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo nhằm thâu tóm, thao túng giá chứng khoán, tổ chức đánh bạc, cho vay trực tuyến…trên mạng Internet, qua các công ty "núp bóng" người Việt Nam làm đại diện pháp luật.

Một nhóm đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật, bị Công an Hà Nội xử lý

Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này, Công an TP. Hà Nội phát hiện 5  thủ đoạn "đầu tư" “núp bóng” của người nước ngoài trên địa bàn Hà Nội cụ thể như sau:

Một là, đầu tư vốn cho người Việt Nam đứng tên thành lập doanh nghiệp (như thuê người Việt Nam đứng tên đại diện pháp luật các công ty hoặc thông qua các hình thức kết hôn, nhận con nuôi) để tổ chức kinh doanh hoặc đầu tư dự án, mua bất động sản nhằm tránh bị kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Hai là, lợi dụng các kẽ hở quy định về giám sát nguồn vốn và mục đích đầu tư trong Luật đầu tư để mua lại vốn sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam được thành lập trước đó để "đầu tư", "núp bóng". Công an Hà Nội đang đấu tranh với nhóm đối tượng người nước ngoài đầu tư vốn cho người Việt Nam thành lập các công ty, sau đó mua lại một phần vốn của doanh nghiệp và tham gia điều hành, liên kết với các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác để tổ chức đánh bạc qua mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, điện thoại thông minh.

Ba là, thông qua người Việt Nam để thâu tóm phần vốn của các công ty chứng khoán Việt Nam. Chúng xác định đây là cách ngắn nhất để tiếp cận vào lĩnh vực dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam. Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và đang đấu tranh với nhóm đối tượng người nước ngoài thông qua người Việt Nam, liên kết với Công ty chứng khoán do người nước ngoài sở hữu để thâu tóm, thao túng giá chứng khoán, thu lời bất hợp pháp.

Thủ đoạn thứ tư, là thông qua các công ty của người Việt Nam để sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên mạng Internet để cho vay nặng lãi và chuyển tiền trái phép qua biên giới. Công an Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng người nước ngoài thông qua công ty do người Việt Nam làm đại diện pháp luật để tổ chức cho vay trực tuyến thông qua ứng dụng phần mềm "Mango Cash", máy chủ đặt ở nước ngoài với lãi suất lên đến 1000%/năm.

Năm là, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật Việt Nam để thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn đầu tư với mục đích xin tạm trú dài hạn để tổ chức hoạt động kinh doanh; Thông qua người Việt Nam tổ chức vận chuyển hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại, che giấu nguồn gốc hàng hóa từ các quốc gia đang chịu áp các chính sách thuế của Mỹ, Châu Âu…

Nêu và phân tích một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm hoạt động “núp bóng”, “đầu tư chui” của người nước ngoài, và từ thực tiễn công tác đấu tranh, Trung tướng Đoàn Duy Khương cũng đã nêu một số kinh nghiệm quan trọng.

Thứ nhất, cần nhận thức việc đầu tư chui, "núp bóng" của người nước ngoài tại Việt Nam là nguy cơ tiềm ẩn, nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm xâm phạm ANQG và TTATXH. Nhận diện rõ những phương thức thủ đoạn, cũng như các lĩnh vực mà các đối tượng nước ngoài thường lợi dụng để hoạt động; trên cơ sở đó tập trung điều tra cơ bản sâu, trọng điểm. (Tập trung vào các hoạt động mua bán cổ phần, góp vốn liên quan đến đầu tư chuyển nhượng dự án; hoạt động thành lập doanh nghiệp có 49% vốn của người nước ngoài, nhất là các dự án có vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh, hoạt động cho vay ngang hàng, trực tuyến... đồng thời chỉ đạo phân công, phân cấp cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả).

Thứ hai, xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời, thường xuyên giữa các cơ quan chức năng và các hiệp hội doanh nghiệp người nước ngoài trên địa bàn. Hiện nay, Công an Hà Nội thường xuyên trao đổi thông tin với 17 Hiệp hội, chi nhánh hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Thứ ba, chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn để nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, chiến sỹ (nhất là kiến thức về kinh tế đối ngoại, pháp luật quốc tế, ngoại ngữ...); đồng thời tăng cường sử dụng phương pháp chuyên gia vì đây là lĩnh vực mới, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hết sức tinh vi. “Nếu không có kiến thức, trình độ sẽ khó có thể phát hiện và triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận.