Nhận diện, đánh chặn các tuyến, địa bàn "nóng" hàng giả, hàng cấm

ANTD.VN - Càng những tháng cuối năm, hàng giả, hàng lậu, hàng cấm và các hành vi gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp ở nhiều tuyến, nhiều địa bàn. Đáng chú ý, ngay cả đường hàng không cũng có dấu hiệu đáng lo ngại bởi tội phạm buôn lậu bắt đầu “nhắm” đến.

Lực lượng công an, QLTT Hà Nội kiểm tra 1 cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và thành phố Hà Nội, các tháng đầu năm 2019, Công an Hà Nội phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố) đã chủ động điều tra cơ bản, xác định kỹ các tuyến, địa bàn trọng điểm, cũng như những mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả của tội phạm, từ đó quyết liệt triển khai phương án phòng ngừa, đấu tranh, bắt giữ.

Những phương thức buôn lậu

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT), qua công tác trinh sát, hàng ngoại nhập lậu tại địa bàn Hà Nội xuất phát từ những nguồn sau: hàng từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam tập trung tại các khu vực sát biên giới (Vạn Gia, Phòng Thành, Lũng Nưu - Trung Quốc) thẩm lậu qua các cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới như: Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn); Ka Long, Bắc Luân, Bắc Phong Sinh (Móng Cái); Tà Lùng (Cao Bằng). Từ vùng biên, hàng lậu tìm cách vượt qua 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để chuyển về Hà Nội, hoặc tiếp tục chuyển đi các tỉnh miền Trung, miền Nam. “Hoạt động này chủ yếu diễn ra trên tuyến đường bộ và đường sắt. Trước khi đưa về Hà Nội, hàng được tập kết tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, rồi xé nhỏ để vận chuyển bằng xe tải” - trinh sát Đội 7, Phòng CSKT cho biết.

Bên cạnh đó, tuyến hàng không cũng bị các đối tượng lợi dụng để vận chuyển các mặt hàng cao cấp đắt tiền, được chuyển về từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc). Thậm chí, có cả phi công, tiếp viên, hành khách bị lôi kéo tham gia vận chuyển hàng lậu. Vẫn theo đánh giá của đại diện Phòng CSKT , một “kênh” vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại chiếm số lượng lớn là hàng nhập khẩu thông qua đường biển, vận chuyển bằng container từ Hải Phòng về các cảng cạn ICD Phú Thụy, Mỹ Đình...

Đây là phương thức buôn lậu, gian lận thương mại phổ biến và ưa chuộng hơn so với hình thức buôn lậu tiểu ngạch qua biên giới trước đây. Tại địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng nhận diện được những tụ điểm thường bị lợi dụng để “đón” hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, như Ninh Hiệp, ga Hà Nội, ga Yên Viên, các kho bến bãi phía Nam dọc theo sông Hồng, các làng nghề ở phía Tây thành phố.

“Nóng” những mặt hàng nào?

Từ thực tiễn công tác đấu tranh, lực lượng công an, quản lý thị trường (QLTT) của Hà Nội nhận thấy trong số hình thức buôn lậu có một số chủng loại hàng mới. Đó là tội phạm buôn bán sừng, ngà voi, sản phẩm từ động vật hoang dã. Phức tạp hơn là xuất hiện tình hình buôn lậu các loại máy móc thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài. Theo quy định, máy móc cũ đã qua sử dụng vào Việt Nam phải có thời gian sử dụng tối đa không được quá 10 năm. Do vậy các đối tượng nhập máy móc cũ từ thập niên 60, 70 rồi in thay đổi nhãn mác, nâng đời sản xuất thành sản phẩm của năm 2010 trở lại, từ đó nhập lậu vào Việt Nam. 

Ở diễn biến khác, là tình hình buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền như đồng hồ, quần áo, túi xách... Tội phạm lợi dụng chính sách hoàn thuế của Nhà nước để thu lời, xảy ra chủ yếu ở khu vực cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài. Cùng với hoạt động buôn lậu, theo đánh giá của lực lượng chức năng Hà Nội, thời gian qua, các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngoài việc làm giả các mặt hàng có thương hiệu lớn, các đối tượng còn làm giả các mặt hàng do trong nước sản xuất, hoặc làm giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài về tiêu thụ. “Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, sản phẩm giả cơ bản giống hoàn toàn sản phẩm thật, rất khó phân biệt nếu không có hàng thật để đối chiếu” - chỉ huy Đội 7 nhìn nhận.

Thời gian qua, lực lượng chức năng Hà Nội xử lý mạnh các hoạt động kinh doanh “khí cười” 

Tập trung đánh chặn, xử lý các tuyến, địa bàn phức tạp

Trong 9 tháng đầu năm 2019, CATP Hà Nội đã phát hiện, khám phá 1.991 vụ với 1.994 đối tượng liên quan đến hàng cấm, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; ra quyết định khởi tố 60 vụ với 54 bị can; xử lý hành chính 1.809 vụ với 1.815 đối tượng, đang giải quyết 122 vụ với 125 đối tượng; tổng thu nộp ngân sách gần 764 tỷ đồng và tạm giữ hàng hóa trị giá trên 73 tỷ đồng.

Những kết quả bước đầu này phản ánh sự quyết liệt của các đơn vị, địa bàn, chủ công là lực lượng CSKT trong thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc, từ công tác tuyên truyền đến việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm. Đặc biệt, CATP đã tập trung chỉ đạo, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm... phức tạp nổi lên trên từng địa bàn như: tập trung phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về lĩnh vực môi trường trên địa bàn xã Ninh Hiệp - Gia Lâm; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại sân bay Nội Bài…

Tổ chức thực hiện tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, lập danh sách, giám sát chặt chẽ các đường dây, ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi tập kết hàng lậu, hàng cấm... từ đó đề ra kế hoạch đấu tranh, triệt xóa. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng như Thuế, QLTT, Hải quan, thanh tra chuyên ngành... định kỳ, đột xuất tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nhận diện, đánh chặn các tuyến, địa bàn "nóng" hàng giả, hàng cấm ảnh 3

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình:  Vì lợi nhuận họ có thể coi thường cả tính mạng người tiêu dùng

“Gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả là vấn đề mà người dân rất bức xúc, các ĐBQH cũng quan tâm và gần như kỳ họp nào của Quốc hội đều có nhắc tới. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần phản ánh tại nghị trường, chất vấn các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ về vấn đề này. Sở dĩ đây là một vấn nạn nhức nhối bởi hậu quả mà nó gây ra rất lớn. Trong sản xuất kinh doanh, tội phạm buôn lậu, các vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, gây thua thiệt trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Lớn hơn, nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng, cản trở sự phát triển kinh tế đất nước.

Về mặt xã hội và tác động đến người dân, rõ ràng hàng giả, gian lận thương mại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng bởi người dân phải bỏ tiền thật để mua hàng giả. Nghiêm trọng hơn, những mặt hàng lậu, hàng giả, không ai đảm bảo chất lượng nên nếu sử dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng. Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn, hạn chế, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu.

Thế nhưng hiện nay, tình trạng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, các cơ quan chức năng càng vào cuộc tích cực thì lại càng phát hiện ra nhiều vụ vi phạm hơn. Đặc biệt, càng vào thời điểm cuối năm, tội phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả càng tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa vọt lên, nhất là những mặt hàng thực phẩm, pháo nổ... Theo tôi, tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài, ngày càng phức tạp hơn và không có điểm kết. Vậy tại sao như vậy?

Tôi nghĩ có một số nguyên nhân chính sau:  Đầu tiên là bản thân các đối tượng vi phạm, vì lợi nhuận lớn mà họ bất chấp pháp luật, coi nhẹ cả quyền lợi, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Thứ hai, ý thức, nhận thức của người dân về vấn đề gian lận thương mại, hàng nhái, hàng giả chưa cao, hoặc có chú ý đến vấn đề này thì cũng không dễ để nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả bởi thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi. Thứ ba, công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử phạt các vi phạm này còn gặp nhiều khó khăn, kết quả còn hạn chế.

Về giải pháp, tôi cho rằng điều quan trọng là phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực này đến từng người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, khuyến khích các mô hình vận động hộ kinh doanh, người dân, các hợp tác xã… ký cam kết với chính quyền không mua bán, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả. Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân vi phạm”.

Tiến Hưng (Ghi)

Một số vụ việc điển hình đã phát hiện, xử lý trong 9 tháng đầu năm 2019

* Phòng CSKT, CATP Hà Nội phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an kiểm tra tại sảnh A1, Nhà ga T2, sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện, bắt giữ Đặng Đức Thịnh (SN 1989, quê quán Quảng Ninh) và Nguyễn Tuấn (SN 1960, nhà ở Gia Lâm, Hà Nội) vận chuyển 856 chiếc điện thoại di động các loại trị giá hơn 2 tỷ đồng nhưng không làm thủ tục khai báo hàng hóa nhập khẩu. CQĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Đặng Đức Thịnh, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thị Thu Hiền (cán bộ Đội thủ tục hành lý nhập, Chi cục Hải quan Nội Bài) về hành vi buôn lậu.

* Phòng CSKT phối hợp với Đội Thủ tục hành lý, Cục Hải quan TP Hà Nội kiểm tra hành lý của hành khách Melvin Vanzyl (quốc tịch Nam Phi) có chứa 13 mẫu vật sừng tê giác nặng 14,62kg. CQĐT sau đó đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Melvin Vanzyl về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật quý hiếm.

* Phòng CSKT phối hợp với CAH Phú Xuyên kiểm tra xe ô tô do Trần Văn Luyện (SN 1983, trú ở Châu Can, Phú Xuyên) vận chuyển giày thể thao Thượng Đình giả. Khám xét nơi sản xuất và kho chứa hàng thu được 2.770 đôi giầy Thượng Đình, 2.400 đôi giầy Vans off the wall... CQĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Luyện về hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả.

* Phòng CSKT khám phá chuyên án, bắt giữ  xe ô tô của Công ty CP thương mại quốc tế Tiến Thành, do Lưu Hán Thành (SN 1977, trú tại quận 11, TP.HCM) và Nguyễn Văn Thuận làm chủ đang vận chuyển các máy cơ khí đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. CQĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Thuận về hành vi buôn lậu.