Quyết liệt đánh chặn pháo lậu (1)

Nhận diện “chỗ nấp” của pháo lậu

ANTĐ - Xác định, kiểm soát chặt những tuyến, địa bàn “trọng điểm” về hoạt động vận chuyển pháo; tăng cường tuần tra, kiểm tra hành chính trên các trục quốc lộ, các phương tiện xe khách, xe tải, taxi, “xe  ôm”; rà soát, ngăn chặn những làng nghề, kho hàng, bến bãi có biểu hiện tiếp tay cho pháo lậu… Hàng loạt những biện pháp quyết liệt đã và đang được các đơn vị thuộc CATP Hà Nội, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai.

Việc nhận, chuyển hàng hóa tại bến xe 53 đường Nguyễn Khoái hết sức dễ dãi

20.000 đồng, hàng gì cũng chuyển!

Theo trinh sát Đội Chống buôn lậu – Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội, thời điểm hiện tại so với một vài năm trước, những vụ vi phạm về pháo bị phát hiện bớt “nóng” hơn, cả về số lượng và tính chất. Tuy nhiên, những tiềm ẩn, nguy cơ không giảm. Đặc biệt, ý thức của nhiều tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa “thẩm lậu” pháo vẫn chưa tốt.

Hà Nội được xem là một trong những địa bàn mà các đối tượng buôn lậu pháo thường lợi dụng để trung chuyển. Từ các cửa khẩu biên giới, pháo được vận chuyển về xuôi bằng xe khách, tàu hỏa, phương tiện cá nhân, thậm chí “đi” cả bằng đường biển, các tuyến Thái Bình, Nam Định. Công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, từ chặn đánh ngay ở cửa khẩu đến kiểm soát phương tiện giao thông trên đường, sẽ là không xuể và khó triệt để, khi mà ý thức của nhiều chủ phương tiện, nhiều cơ quan chức năng đang có quá nhiều “lỗ hổng” như hiện nay. Vụ bắt giữ gần 40kg pháo nổ tại bến xe tải số 53 Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mới đây là một điển hình. Sau một thời gian theo dõi hoạt động của các đối tượng, ngày 15-11, tổ công tác Đội Chống hàng giả và gian lận thương mại của Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV phối hợp cùng Đội QLTT số 4 kiểm tra, thu giữ bịch hàng bên trong đựng 14 bánh pháo, trọng lượng gần 40kg trên xe tải mang BKS 17K – 2185. Nhãn mác số pháo này in chữ Trung Quốc, nếu không bị chặn bắt, số pháo sẽ được vận chuyển về Thái Bình. 

Trách nhiệm của chủ xe 17K – 2185 và đội nhân viên bốc xếp đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ; nhưng vấn đề quan trọng khi truy chủ hàng, những người liên quan mới “ngớ” ra, không biết là ai. Bên ngoài bao tải dứa chỉ ghi dòng chữ: “Anh Long, số 25 Lý Thường Kiệt, sđt 099681….”.

Cuối  tháng 11, PV Báo ANTĐ đã tìm đến bến xe 53 đường Nguyễn Khoái, chứng kiến cảnh tiếp nhận, vận chuyển hàng khá tấp nập và dễ dãi. Gặp chủ xe BKS: 17K-2185 và mấy nhân viên  bốc xếp, tất cả chối đây đẩy, coi như không biết gì về bịch pháo bị phát hiện trên xe. “Khách đóng gói hàng, mang ra đến đây là bọn em nhận vận chuyển. Tiền cước tính theo kg, thấp nhất 20.000 đồng”, một nhân viên xe cho biết. “Thế có biết khách gửi hàng gì bên trong không?”. “Làm sao biết được anh, họ gói kín thế kia, mình không được mở”. “Thế nhỡ họ gửi thuốc nổ thì sao?”. Cậu nhân viên im lặng. Làm việc với vị đại diện quản lý bến xe 53 đường Nguyễn Khoái ngay sau đó, chúng tôi cũng ghi nhận sự lỏng lẻo, thiếu quan tâm đến công tác ngăn chặn, phòng ngừa khách gửi hàng cấm, hàng nguy hiểm. Trên diện tích khoảng 8.800 m2, Công ty CP vật liệu xây dựng và XNK Hồng Hà – đơn vị chủ quản bến xe 53 Nguyễn Khoái – trưng dụng khoảng 2.000 m2 để làm bến cho hơn 10 đầu xe tải, chuyên tuyến Thái Bình, Quảng Ninh, Yên Bái, Nam Định, Hải Dương. “Chúng tôi có nhân viên bảo vệ, nhưng nhiệm vụ chính là đảm bảo ANTT. Còn hàng hóa, thuộc về trách nhiệm của người gửi và nhà xe. Họ ký cam kết cả rồi”, vị đại diện đơn vị quản lý bến xe nói.

Kho tàng, bến bãi: lo không kém

Pháo lậu về đến Hà Nội, hoặc sẽ được chuyển ngay đi các tỉnh, thành phố giáp ranh, hoặc được giấu trong các kho tàng, bến bãi. Những “địa chỉ” này nhiều năm nay không chỉ tiếp tay cho pháo lậu, mà cả hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, đặc biệt vào những dịp cuối năm. Đã có nhiều vụ vi phạm về pháo, về hàng hóa bị phát hiện trong các kho tàng, bến bãi, tuy nhiên, chưa một chủ kho, bến nào bị xem xét xử lý hành chính chứ chưa nói đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Giống như các đơn vị quản lý bến xe, các chủ kho tàng luôn có “quan điểm” là trách nhiệm trước pháp luật đối với hàng hóa vi phạm bị phát hiện thuộc về chủ hàng hoặc người thuê kho. “Quan điểm” này được cụ thể hóa bằng hợp đồng kinh tế, và cơ quan chức năng thường cho rằng, đó là khó khăn trong công tác truy cứu, xử lý trách nhiệm.

Đặt vấn đề với một cán bộ có trách nhiệm quản lý kho hàng ở một nhà ga tại Hà Nội, liên quan đến việc kiểm soát hàng hóa, vị này thừa nhận: rất khó! Khó bởi khi nhận hàng, nhân viên của nhà ga không thể mở hàng để kiểm tra, bởi số lượng hàng nhiều và sẽ phiền phức, ảnh hưởng quá trình bốc xếp lên tàu. Khó bởi nhà ga không có máy soi như sân bay. Có thể khẳng định, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt hiện nay đang tồn tại nhiều nguy cơ khiến đối tượng buôn lậu pháo có thể lợi dụng. Hàng trăm, thậm chí cả nghìn tấn hàng mỗi tháng trên các chuyến tàu, không quá khó để pháo thẩm lậu, nhất là công tác phòng ngừa còn bị động, yếu kém như hiện nay. Chỉ một cái tên, một số điện thoại ghi trên kiện hàng, sẽ khó để tìm hoặc truy trách nhiệm chủ hàng, nếu phát hiện đó là pháo. Tại các nhà ga ở Hà Nội, vị cán bộ có trách nhiệm mà chúng tôi tiếp xúc thừa nhận, việc kiểm hàng xuất đi đã khó; hàng về còn khó hơn. Còn đối với hành khách đơn lẻ, nếu không có nguồn tin trinh sát của lực lượng chức năng, việc kiểm soát để phát hiện, bắt quả tang “ôm” pháo lậu, là điều không tưởng…

Những nguy cơ này hiện hữu nhiều năm. Nhiều lực lượng chức năng biết, nhưng để đưa ra giải pháp ngăn chặn, hình như, tất cả đều lúng túng…

(Còn nữa)