Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội: Đại công trường tận thu

ANTĐ - Sau mỗi lần lực lượng chức năng ra quân, “đội quân” khai thác cát trái phép trên các dòng sông Hồng và sông Đuống trên địa bàn Hà Nội im ắng một thời gian, rồi tái hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó tinh vi…

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội: Đại công trường tận thu ảnh 1Hoạt động hút, đẩy cát của những con tàu có công suất lớn vào khu vực các công trình sát Ecopark, gần bờ sông thôn Thống Nhất, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm khiến người dân lao vào cảnh khốn đốn

“Luật” trên sông

Sau nhiều ngày theo chân vạn chài đi dọc sông Hồng và sông Đuống, phóng viên Báo  ANTĐ đã mục sở thị hoạt động khai thác khoáng sản (cát) diễn ra nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Ngoài những phương tiện của các cá nhân, doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác bãi nổi, hay nằm trong dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, có không ít tàu hút, tàu cuốc trà trộn để khai thác cát trái phép. 

Để thâm nhập, nắm bắt hoạt động của “cát tặc”, nhóm phóng viên (PV) đã đi theo nhiều loại tàu khác nhau dọc từ đoạn sông Hồng thuộc địa bàn các xã Kim Lan, Văn Đức, Bát Tràng và sông Đuống (từ đoạn thuộc địa bàn xã Phù Đổng), đều thuộc huyện Gia Lâm và chập tại khu vực ngã ba sông (Cửa Dâu, điểm chia sông Hồng và sông Đuống) lên Ba Vì. Ngày đầu tiên, việc quan sát, ghi hình tương đối thuận lợi, nhưng sang ngày thứ hai, khi vừa tới đoạn gần cầu Nhật Tân (hướng ngược sông về Chèm), bỗng xuất hiện 1 chiếc xuồng máy đeo bám, quan sát khá kỹ chiếc thuyền của PV, rồi tăng ga chuyển hướng vào bờ (đoạn thuộc địa bàn Phú Thượng, quận Tây Hồ).

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội: Đại công trường tận thu ảnh 2

Những con tàu hút hoạt động cả ngày lẫn đêm tại khu vực sông Đuống, đoạn giữa xã Phù Đổng và xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

Chia sẻ thắc mắc của chúng tôi, anh Nguyễn Văn H. (người lái thuyền, quê Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) nói, người không biết cứ nghĩ trên sông ai làm gì thì làm, nhưng không phải như vậy. Hàng ngày, hàng giờ có bao con thuyền xuôi ngược trên sông đều bị “hoa tiêu” của dân “cát tặc” nắm bắt khá chặt chẽ. “Hoa tiêu” được sử dụng chuyên cảnh giới, thông báo tình hình, thấy “động” sẽ báo cho “cát tặc” rút lui hoặc dừng hút cát.

“Ngay những người chuyên đánh cá như chúng tôi, bình thường đi thế này thì không sao. Nhưng chỉ cần bỏ đồ ra hành nghề ở khúc sông khác là các thuyền cá ở khu vực đó xúm lại ngay. Trên sông cũng có bến bãi, cũng xếp “lốt” theo thứ tự. Chính vì thế, chỉ cần 1 tàu lạ đi qua là sẽ bị nhận dạng ngay”, anh H. chia sẻ. Được anh H. “lên lớp”, chúng tôi quyết định thay đổi phương án, đi theo những chiếc thuyền nhỏ chỉ sử dụng cho 1 - 2 người của dân vạn chài sát bờ sông. Nếu người yếu tim chắc không đi nổi. Vì thuyền nhỏ, mỗi lần đi qua tàu lớn, hoặc thuyền máy chạy qua là lại chòng chành chao đảo như muốn hất văng chúng tôi xuống nước. Tuy nhiên, sử dụng thuyền này, dù tầm quan sát bị hạn chế nhưng tránh được những săm soi của “hoa tiêu” và “cát tặc”.

Nỗi khổ của người dân sống bên bờ sông

Theo ghi nhận của PV, cùng với những hệ lụy gây ra đối với các khu vực sông bị khai thác cát trái phép, những người dân sinh sống 2 bên bờ sông cũng hết sức bức xúc, khổ sở. Tiếng máy nổ cả ngày lẫn đêm khiến trẻ em không thể tập trung học bài, người già nhiều đêm thức trắng. Thêm vào đó, việc nuôi trồng thủy sản, hoa màu cũng bị ảnh hưởng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, trú ở xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, nói: “Suốt ngày xình xịch hút cát, chúng tôi đến khổ, phần vì lo sạt lở, phần vì phải hứng chịu những âm thanh chát chúa của tàu hút, tàu cuốc”. Chị Trần Minh Đào (hàng xóm của bà Hòa) chỉ tay về phía bờ sông cách nơi ở của gia đình chưa đầy 100m, bức xúc: “Đấy các anh nhìn xem, họ múc đến mức sạt lở vào đến tận đây rồi. Nhiều nhà xung quanh đây còn lo bị sụt lún, đổ sập, mà có làm gì được đâu”.

Theo tìm hiểu của PV, ngay tại thôn Thống Nhất, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, cũng có những đường ống dẫn cát được các tàu sử dụng máy công suất lớn bơm, đẩy cát của một số công ty, doanh nghiệp được Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm phục vụ cho việc san lấp những công trình dự án nằm bên cạnh khu vực Ecopark (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). 

Thượng tá Lê Văn Nghiêm, Đội trưởng Đội CSKT, CAH Gia Lâm cho biết, tại điểm này có tới 2-3 công ty thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty này không trực tiếp san lấp những công trình cạnh Ecopark mà những tàu hút đẩy hoặc mua cát lại là của công ty khác. Nhận được phản ánh của người dân nơi đây về việc khai thác cát, lực lượng CAH Gia Lâm cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhưng cũng gặp không ít khó khăn khi không có dụng cụ chuyên dụng nên không xác định được mốc giới nếu như những tàu có dự án nạo vét, khai thác, tận thu không đúng vị trí.

Còn tại sông Đuống, đoạn trải dài theo địa bàn các xã Phù Đổng, Kim Sơn đối diện với xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), tình trạng khai thác cát cũng “nóng” không kém. Theo anh Nguyễn Văn Sơn (xã Phù Đổng), ở đây, mỗi ngày có 4-5 đợt, chia thành 2 tốp tàu thi nhau hút cát. Họ sẵn sàng bán sang tay nếu không chở về bãi tập kết vật liệu xây dựng giáp ranh giữa huyện Gia Lâm và huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. “Chúng tôi kiến nghị rồi nhưng chẳng thấy ai hỏi han gì. Việc khai thác cát diễn ra ngang nhiên, vì nghe đâu họ được cấp phép nên được làm”, anh Sơn bức xúc và chán nản: “Kêu mãi không được, người dân chúng tôi chỉ biết động viên nhau bằng câu cửa miệng - sống chung với lũ”.

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội: Đại công trường tận thu ảnh 3Chiếc tàu hút cát tại khu vực sông, đoạn thuộc địa bàn phường Thụy Phương, giáp cảng Liên Mạc, Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Được biết, khu vực sông Đuống có gần chục tàu cuốc khai thác cát hoạt động cả ngày lẫn đêm được cho là của Công ty TNHH My Hương. “Công ty này được Cục Đường thủy nội địa cấp phép và được UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, dù có công ty giám sát nhưng cũng không biết thế nào”, một chỉ huy Đội CSKT, CAH Gia Lâm nhận định. 

(Còn nữa)