Nhận diện áp lực lạm phát năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Áp lực lạm phát tăng trong năm 2022 là có thực, nhưng không quá lo ngại, dự báo vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ với mức dự báo cao nhất của các chuyên gia là 3,7%.

Áp lực lạm phát không quá lớn

Trong năm 2021, lạm phát cơ bản bình quân năm đã tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Lạm phát cơ bản tháng 12/2021 tăng 0,16% so với tháng 11/2021, tăng 0,67% so với tháng 12/2020.

Theo Cục Quản lý giá, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, lạm phát năm 2021 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2021 tăng 1,84% là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nhận định về nguy cơ lạm phát năm 2022, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) Nguyễn Bá Minh cho rằng, qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra, là hoàn toàn khả thi.

Nguyên nhân khách quan là tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc, làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế khó tăng mạnh.

Bên cạnh đó, trên thế giới thời gian qua hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, tạo áp lực đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng theo đánh giá áp lực không quá lớn, bởi vì sức cầu trong nước vẫn còn yếu.

Đối với một số mặt hàng thiết yếu, dự báo, giá xăng dầu cũng sẽ ổn định từ 65 đến 80 USD/thùng vì nếu giá dầu tăng mạnh thì Mỹ sẽ tăng nguồn cung dầu đá phiến và chiếm thị phần dầu của các nước OPEC và OPEC +, lúc đó OPEC và OPEC+ sẽ tăng nguồn cung và giá dầu sẽ giảm.

Các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát năm 2022 là không quá lớn

Các chuyên gia cho rằng áp lực lạm phát năm 2022 là không quá lớn

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) cũng cho rằng CPI năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức thấp, vì mặc dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng. Nếu GDP trong năm 2022 chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8-9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020-2022 chỉ ở mức 4-5%, thấp hơn khá nhiều so với mức 6% của giai đoạn 2011-2020.

Đà tăng của giá xăng dầu, các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và các chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa.

“Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022, nếu có, sẽ đến từ việc giá thịt lợn hiện nay đang ở mức thấp và có thể tăng trong tương lai. Thêm vào đó, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng như điện, nước, và giá dịch vụ. Về tổng thể, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 không lớn và chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng chậm”, TS Nguyễn Đức Độ nói.

Nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Tuy vậy, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn sẽ không dễ dàng, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, dưới tác động của các gói hỗ trợ và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

Ông dự báo CPI năm 2022 sẽ ở mức 3,4-3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, do Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát; không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỉ giá hối đoái và chính sách tín dụng vì cung tiền vẫn được kiểm soát. Điều này có thể chuyển sang năm 2022.

Ngoài ra, lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao.

Bên cạnh đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên.