Nhận biết tình trạng tắc tuyến nước bọt mang tai

ANTD.VN - Hỏi: Thỉnh thoảng tôi đang ăn bỗng nhiên đau ở mang tai, có một khối phồng lên, nếu lấy tay day vuốt thì thấy nước bọt ứ chảy vào miệng và khối phồng xẹp lại. Cơn đau có khi chỉ là tức nhẹ, có khi cảm giác nhói. Vì không gây phiền lắm nên tôi để thế đã nhiều năm. Xin hỏi bác sỹ đây có phải là bệnh và có nên đi khám? Ngô Đặng Nhân (Hà Nội)

Trả lời: Tình trạng bán tắc ống tuyến nước bọt mang tai của bác có thể do sỏi gây ra, có thể do hậu quả của viêm tuyến nước bọt trước đây. Sỏi tuyến nước bọt là bệnh thường gặp trong các bệnh tuyến nước bọt. Hay gặp sỏi tuyến nước bọt dưới hàm hơn là sỏi tuyến mang tai. Có một số quan điểm hình thành sỏi như sau: Sự thay đổi thành phần và hoạt tính lý hoá của nước bọt dẫn đến sự lắng đọng các muối vô cơ hình thành sỏi; Chức năng nhu động của ống tuyến giảm ở những vị trí gấp khúc tạo sự ứ đọng nước bọt và muối vô cơ, dần dần hình thành sỏi; Hình thành sỏi tuyến nước bọt liên quan đến quá trình viêm nhiễm trước đó của tuyến; Những hạt dị vật trôi ngược vào ống tuyến tạo thành hạt nhân cho quá trình hình thành sỏi tuyến. 

Biểu hiện lâm sàng của sỏi tuyến nước bọt tùy thuộc chủ yếu vào vị trí của viên sỏi trong tuyến. Lúc đầu, sỏi tuyến có thể thầm lặng trong thời gian khá lâu. Dần dần, nó biểu lộ bằng những triệu chứng tắc nước bọt và nhiễm khuẩn. Hiện tượng của bác có thể gọi là thoát vị nước bọt do sỏi làm tắc, vì sỏi nhỏ nên không đau. Khi nước bọt thoát ra sẽ hết sưng tuyến. Khi đau có thể do sỏi di chuyển dọc trong tuyến hoặc do ống tuyến co thắt đẩy viên sỏi đi. Những cơn đau có thể kế tiếp nhau và có khi tự tống ra được qua lỗ ống một vài viên sỏi nhỏ. Có thể sỏi tuyến của bác nhỏ, không gây phiền phức như bác nói. Động tác xoa vuốt thường xuyên tuyến mang tai cũng hỗ trợ đẩy sỏi ra khỏi ống. Nếu hiện tượng đau khi ăn do tắc tuyến nước bọt, gây ứ nước bọt làm sưng phồng mang tai vẫn xảy ra thường xuyên, bác nên đi khám tại chuyên khoa răng hàm mặt.

BS Thanh Hà (Phòng khám đa khoa Thiên An)