Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ khuyến cáo, người lao động nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, không nên vì cái lợi trước mắt mà làm thiệt hại đến lợi ích lâu dài.
Người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần

Người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần

Tăng mạnh do ảnh hưởng Covid-19

Đối với đa số lao động, sau khi nghỉ công tác, lương hưu là khoản thu nhập rất quan trọng. Thậm chí, với nhiều người, đây là khoản thu nhập duy nhất để có thể trang trải cuộc sống hàng ngày. Mặc dù quan trọng vậy, nhưng không ít người thay vì lựa chọn nhận khoản lương hưu hàng tháng khi nghỉ hưu, lại quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần. Thực trạng này tồn tại đã lâu và chưa có phương án giải quyết triệt để.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 600.000 - 700.000 lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều hơn số người mới tham gia. Và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như: Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng…

Để tối ưu hóa quyền lợi của người tham gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.

Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước: độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019. Tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới.

Thiệt thòi nhiều quyền lợi

Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014. Không những thế, sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu tham gia lại, người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã tham gia trước đó; trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ bảo hiểm xã hội trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ bảo hiểm y tế) và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nếu nhận bảo hiểm xã hội lần, người lao động sẽ mất các quyền lợi này.

Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng. Người nhận bảo hiểm xã hội một lần không được các quyền lợi này.

Bày tỏ quan ngại trước tình trạng gia tăng số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian gần đây, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ chia sẻ, là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực sự cảm thấy rất tiếc khi người lao động lựa chọn phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần thay vì lựa chọn bảo lưu thời gian đã đóng và đợi có điều kiện tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, tích lũy để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội. Nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế theo chế độ hưu trí, người lao động khi về già còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Nên bảo lưu để tối ưu quyền lợi

Nhận định tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng khẳng định, tỷ lệ người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao đang đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống nhận bảo hiểm xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ nhận bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng báo động, đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn quá khó khăn. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ việc hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay của nước ta chưa thật sự hấp dẫn, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống.

Để hạn chế tình trạng người lao động rời bỏ lưới an sinh, ông Lê Đình Quảng khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội; đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông để người lao động biết được lợi ích ưu việt của việc tham gia bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu khi về già. Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt góp phần tăng thêm cơ hội cho những người lao động sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về phía cơ quan quản lý, để tối ưu hóa quyền lợi của người tham gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.