Nham nhở con đường gốm sứ

(ANTĐ) -Sau hơn nửa năm hoàn tất, một số đoạn của bức tranh gốm sứ ven sông Hồng bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt bong tróc. Nhiều người không khỏi hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Tuy nhiên, người trong cuộc, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy lại khẳng định, không có gì phải lo lắng cả.

Nham nhở con đường gốm sứ

(ANTĐ) -Sau hơn nửa năm hoàn tất, một số đoạn của bức tranh gốm sứ ven sông Hồng bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt bong tróc. Nhiều người không khỏi hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Tuy nhiên, người trong cuộc, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy lại khẳng định, không có gì phải lo lắng cả.

Một số đoạn tranh bị nứt vỡ…

  Một số đoạn tranh bị nứt vỡ…

Khó lường trước mọi việc

Được khởi công từ năm 2008, bức tranh gốm sứ gồm 21 trường đoạn tôn vinh và tái hiện di sản nghệ thuật các thời kỳ từ lịch sử cho tới hiện đại. Với tổng chiều dài 4km, diện tích 70.000m2, Con đường gốm sứ đã phá vỡ kỷ lục của tác phẩm gốm sứ từng ra đời trước đó tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang-Trung Quốc để được Guinness công nhận là “Bức tranh ghép gốm sứ dài nhất thế giới”.

Tuy nhiên, hoàn thành chưa được bao lâu, trên bức tranh ấy đã xuất hiện một số vết nứt, ngắn thì độ một gang tay, có vết dài đến cả mét. Có đoạn, những mảnh gốm gắn với nhau, rộp lên, chạm nhẹ vào là bong tróc. Trong cả bức tranh lớn, xét về tổng thể, những chỗ nứt vỡ và bong tróc này hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ của bức tranh. Song, xét về lâu dài, nếu không được tu sửa và bảo dưỡng, những vết nứt này sẽ lan sang những phần còn lành lặn.

Trước hiện tượng nứt vỡ và bong tróc tại một số trường đoạn gốm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả con đường gốm sứ cũng là người chịu trách nhiệm chính trong thi công. Chị cho biết, ngay khi bắt tay vào thực hiện dự án nghệ thuật lớn này, cũng đã lường trước được những khó khăn sẽ phải đối mặt. Trước tiên là thời tiết. Vào mùa hè, nhiều ngày Hà Nội nóng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có thời điểm đo được tới trên 43 độ C.

Mùa đông, đỉnh điểm của đợt rét là 5 đến 7 độ C. Thêm nữa, trên bức tranh gốm, có những đoạn được ghép từ những mảnh gốm nhỏ với đủ kích cỡ, 3x3cm, 2x4cm, độ dày của các mảnh gốm từ 2mm đến 5mm. Độ dày của mạch vữa ghép giữa những mảnh gốm chỉ 2-3 mm. Và kiểu thời tiết thất thường chính là “thủ phạm” gây giãn nở không đồng đều giữa các chất liệu bê tông, tường và gốm.

Thêm một nguyên nhân khác được cho là “đồng phạm” gây ra những vết nứt vỡ là do tranh nằm kề bên một trong những trục đường giao thông đông đúc nhất Hà Nội. Tại những đoạn như nút cầu vượt Chương Dương, đoạn đường Trần Quang Khải hay đoạn qua chợ Long Biên, thường xuyên có những xe chở hàng với trọng tải lớn đi qua tạo ra những rung chấn ảnh hưởng tới bức tranh.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, có hay không việc “ép tiến độ” dẫn đến làm nhanh, làm ẩu trên con đường gồm sứ, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khẳng định, không hề có chuyện chạy theo tiến độ bởi, các họa sĩ cùng tham gia dự án đã chuẩn bị mọi điều kiện trong suốt 4 năm, đây được ví như món quà mừng Hà Nội 1000 tuổi, và vì thế được làm công phu, hoàn toàn không chạy đua vì một danh hiệu nào.  

Cần bảo dưỡng thường xuyên

...và trở thành nơi “trút bầu tâm sự”

...và trở thành nơi “trút bầu tâm sự”

Dự kiến, vào cuối tháng 6 này, con đường gốm sứ sẽ được UBND thành phố chính thức giao cho Ban quản lý chỉnh trang đô thị. Sau khi tiếp nhận, đây sẽ là đơn vị chính thực hiện duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ dưới sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội. Và để chuẩn bị cho việc tiếp nhận, mới đây BQL đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra hiện trạng.

Đánh giá về mức độ hư hại nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng BQL Chỉnh trang đô thị khẳng định, hiện tại không có gì đáng ngại, đó hoàn toàn chỉ là những vết nứt vỡ do sự chênh lệnh nhiệt độ gây ra. Ông Cường cho biết thêm, con đường gốm sứ hoàn toàn là một sản phẩm nghệ thuật, vì thế, rất cần sự bảo vệ, và chăm sóc thường xuyên. Mới đây UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành quy định nghiêm cấm các hành vi xâm hại, gây mất vệ sinh, làm ảnh hưởng đến con đường gốm sứ. Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội, Quận đoàn Hoàn Kiếm cũng đã tổ chức các đợt dọn vệ sinh con đường... 

Việc một vài đoạn trên bức tranh gốm dài nhất thế giới bị nứt vỡ, bong tróc do thời tiết, do những rung chấn của cả triệu lượt xe qua mỗi ngày là nguyên nhân bất khả kháng. Nhưng có một thực tế, con đường gốm sứ hiện nay đang bị đối xử rất thiếu văn hóa. Một vài đoạn trở thành nơi tập kết rác. Đoạn khác, là nơi tập kết hàng hóa của chợ đầu mối Long Biên.

Một số người dân sống quanh đó còn đốt vàng mã, đốt rác ngay dưới chân bức tranh. Đã từng có thời điểm, dư luận bức xúc trước những hình ảnh nhiều người thản nhiên “trút bầu tâm sự” lên tranh gốm, biến nơi đây thành nhà vệ sinh lộ thiên. Tuyên truyền mãi, kêu gọi ý thức mãi, song đâu vẫn đóng đấy.

Quỳnh Vân