Nhảm nhí “thành ngữ sành điệu”

ANTĐ - Vài năm trở lại đây, giới trẻ hay nói những câu như: “Thoải con gà mái”- (thoải mái) hoặc “Chán như con gián” hay “Tự nhiên như cô tiên”. Nếu bạn lần đầu nghe thấy ai đó nói hẳn bạn sẽ phải bật cười vì thứ ngôn ngữ ngộ nghĩnh này. Gần đây, NXB Mỹ thuật và Công ty Nhã Nam đã tập hợp thứ ngôn ngữ vỉa hè này để cho ra đời một cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” với lời khuyến cáo “Không đọc trong khi ăn uống”.

Một vài hình ảnh trong cuốn sách

Tự hào vì “vô tiền khoáng hậu”

Có vẻ như, tác giả của cuốn sách rất tâm đắc với sáng kiến này của mình nên trong lời đề tựa đã tâm sự rằng: “Sách này thật là: Độc nhất vô nhị. Không phải, thế này mới là oách xà loách: Vô tiền khoáng hậu… Bạn không tin ư bạn cứ vào Thư viện Quốc gia mà xem nếu bạn ở Hà Nội, còn như bạn ở Sài Gòn, bạn vào Thư viện Tổng hợp thành phố mà xem. Tra nữa, tra mãi đi, xem trong lịch sử xuất bản của nước ta có kiếm được cuốn nào như cuốn này? Không thể có, dù chỉ na ná. Ý tôi là chỉ cần bén gót”.

Cái sự “độc nhất vô nhị” thể hiện qua hơn 100 trang sách tương đương với hơn 100 bức tranh vẽ nhằm minh họa những câu nói mà nhóm tác giả cho là “thành ngữ sành điệu” kiểu như: Tiền không thiếu, chủ yếu là thái độ, Đẹp trai nhưng hai phai, Đã ngu lại còn tỏ ra nguy hiểm, hay Đã xấu mà lại còn xa - Đã si đa lại còn xông pha hiến máu…

Khi được hỏi về mục đích của cuốn sách họa sĩ Thành Phong cho rằng, chủ yếu để vui thôi. Song, nhiều độc giả khẳng định, cái sự vui ấy đã đi quá đà, sang cợt nhả ví như: Bộ đội phải chơi trội, Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ, Không mày đố thầy dạy ai, Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn, Yêu nhau trong sáng - phang nhau trong tối… Không chỉ dừng ở đó, cuốn sách còn to gan lôi cả Anh hùng dân tộc ra để đùa với bức hình “Được voi còn đòi Hai Bà Trưng”. Sách được phát hành và bán rộng rãi tại nhiều nhà sách với giá bìa là 45.000 đồng. Không ít độc giả khi cầm sách trên tay đã tự hỏi: “Không hiểu vai trò hậu kiểm ở đâu? Người đọc thu được gì từ những cuốn sách như thế này”?

Thế nào thì được gọi là thành ngữ?

Theo Thạc sĩ Đỗ Anh Vũ - Viện Ngôn ngữ học Việt Nam quan niệm về thành ngữ theo một tinh thần truyền thống và chính thống có nhiều điểm khắt khe. Những thành ngữ được coi là chuẩn mực thường bao giờ cũng có tính ẩn dụ, hình tượng. Chẳng hạn như “Cõng rắn cắn gà nhà” không thể hiểu là có ai đó/hoặc con gì đó cõng con rắn về nhà để cắn con gà. Tất nhiên cũng có câu thành ngữ hiểu chủ yếu theo nghĩa đen, chẳng hạn câu “Lừ đừ như ông từ vào đền”.

Còn những câu mà nhóm biên soạn tập hợp trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” và gọi nó là “thành ngữ sành điệu” thì thực sự chúng không đủ phẩm chất. Lý do thứ nhất, hầu như không có câu nào đạt được một tính hình tượng để hiểu theo tính ẩn dụ như các câu thành ngữ chính thống: Gần mực thì đen gần đèn thì rạng, Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Chó chê mèo lắm lông, Ăn ốc đổ vỏ… Lý do thứ hai, sự tính biến thể của những câu “thành ngữ sành điệu” này là rất cao, chúng không đạt được một tính ổn định như những câu thành ngữ truyền thống. Lý do thứ ba, nhiều câu “thành ngữ sành điệu” này không hề quan tâm đến liên kết ngữ nghĩa, chỉ cốt sao tạo được đồng âm để nghe cho vui tai, đặc điểm này không hề có trong thành ngữ truyền thống. Công bằng mà nói, một số câu trong số thành ngữ sành điệu này có thể vượt lên và đi vào kho tàng thành ngữ chung, nhưng điều đó còn cần có sự thử thách và sàng lọc của thời gian.

Trong việc sử dụng ngôn ngữ của con người, có một xu hướng (đặc điểm) là luôn muốn làm mới, sáng tạo để chống lại cái sáo mòn, nhàm chán và đơn điệu. Những cách nói như cuốn sách trên không đi ra ngoài xu thế ấy. Nhưng đại đa số những câu nói cửa miệng trên chỉ tồn tại giới hạn trong một bộ phận cộng đồng, cụ thể là giới trẻ, tuổi teen, học sinh, sinh viên và cùng lắm là một số ít bộ phận những người đã đi làm. Phạm vi của những câu trên thực chất cũng chỉ dùng hạn chế trong môi trường giao tiếp phi quy thức, phi chuẩn mực (chuyện phiếm, quán xá…) chứ không thể dùng ở mọi lúc mọi nơi hay với mọi đối tượng được. Chẳng hạn người trẻ sẽ khó có thể dùng những câu như trên với các bậc như cha mẹ, thầy cô, chú bác, ông bà…

Ngôn ngữ là một sinh thể đặc biệt có khả năng tự sàng lọc và chỉnh trị cùng với thời gian. Nó sẽ giữ lại những cái có giá trị và đào thải đi những cặn bã, phù phiếm, nhạt nhẽo.