Nhầm lẫn tai hại nhất khi sử dụng thuốc

ANTĐ - Nhiều trường hợp ốm nặng, thậm chí tử vong do dùng sai thuốc thực tế có thể phòng tránh được. Chúng ta hãy tự bảo vệ chính mình, trước tiên là tránh những sai lầm phổ biến nhất mà theo các chuyên gia chúng có thể dẫn đến chết người hoặc bị tổn thương nghiêm trọng.

Nhầm hai loại thuốc có tên tương tự

Lỗi này chiếm 25% trong các sự cố dùng sai thuốc ở Mỹ. Nguyên nhân ở bất kỳ khâu nào, từ chữ viết tay của bác sĩ khó đọc, nhập tên thuốc vào máy tính không chính xác đến việc rút sai hộp thuốc từ kệ xuống. Vì thế, khi nhận được một đơn thuốc mới , hãy hỏi bác sĩ rõ ràng về tên và liều lượng. Khi mua tại các hiệu thuốc, kiểm tra nhãn để chắc chắn về tên thuốc, liều lượng giống trên toa.

Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ trái ngược nhau 

Loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, vấn đề này có thể tăng lên khi dùng hai hoặc nhiều loại thuốc cùng lúc. Khi tương tác thuốc xảy ra, kết quả phổ biến nhất và cũng nguy hiểm nhất là huyết áp và chóng mặt, có khi huyết áp của người bệnh tăng đột biến nguy hiểm hoặc thuốc có cùng tác dụng phụ gây chóng mặt có thể dẫn đến té ngã, gãy xương, thậm chí tồi tệ hơn.

Dùng quá liều mà không biết

Ai đó có thể dùng một loại thuốc giảm đau, một loại an thần và vì mất ngủ nên uống thêm viên thuốc ngủ, nhưng họ không biết tất cả đều là thuốc an thần, khi kết hợp các hiệu ứng này vào sẽ rất độc hại. Nguy cơ rủi ro cao nhất là khi dùng các loại thuốc có liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương. Vì thế, hãy chú ý đến những khuyến cáo trên bao bì của thuốc không kê đơn, cẩn thận với các tác dụng phụ là buồn ngủ, chóng mặt… vì điều này có nghĩa là thuốc có tác dụng an thần trên hệ thống thần kinh trung ương.

Sai liều lượng

Thuốc được quy định bằng các đơn vị đo lường khác nhau. Nếu chỉ nhầm lẫn một dấu phẩy (,) không đúng chỗ thì có thể là thảm họa, ví dụ, thuốc được kê 1,0 mg trở thành 10 mg, gấp 10 lần dẫn đến quá liều gây tử vong. Nguy hiểm nhất là ai đó là tính sai đơn vị miligram với microgam, kết quả là một liều cao hơn 1.000 lần. Những người dùng Insulin điều trị bệnh tiểu đường cũng chú ý khi đọc đơn thuốc vì đơn vị đo viết tắt là U nên có thể bị “dịch” sang số khác khi viết vội. Sai lầm phổ biến khác là số lần dùng, lẽ ra mỗi ngày dùng mỗi lần thì có người nhầm ngày uống đến 4 lần.

Uống rượu khi đang dùng thuốc

 Do không để ý, nhiều người vẫn uống rượu khi đang dùng một số loại thuốc thông thường. Rượu kết hợp với các thuốc giảm đau, thuốc an thần có thể trở thành chất độc chết người, làm giảm nhịp tim đủ để đưa vào tình trạng hôn mê. Rượu cũng có thể tương tác nguy hiểm với thuốc ho và thuốc cảm nếu bản thân thuốc cũng có hàm lượng rượu nhất định dẫn đến ngộ độc rượu. 

Thực phẩm và thuốc cũng kỵ nhau

Nước ép cam, bưởi hay được nhắc đến trong tình huống này. Chẳng hạn với thuốc chống động kinh và statin được sử dụng để giảm cholesterol, loại nước trái cây này kìm hãm một enzyme quan trọng giúp chuyển hóa thuốc, vì thế thuốc cứ uống vào nhưng gan quá tải không thể chuyển hóa được, dẫn đến quá liều, thậm chí có khả năng tử vong. Trường hợp hay được nhắc đến khác là bổ sung sắt không nên uống cà phê vì cà phê không làm cho cơ thể hấp thụ sắt được.

Không tính đến chức năng gan, thận

Người có chức năng gan, thận suy yếu thường khó loại bỏ được chất thải, độc tố ra ngoài, vì vậy thuốc có thể tích tụ trong cơ thể với liều lượng cao hơn so với dự định. Sai lầm này hay xảy ra khi bác sỹ không giảm liều lượng thuốc khi bệnh nhân bắt đầu bị suy thận, yếu chức năng gan, hậu quả có thể tổn thương nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.