Nhạc trực tuyến Việt bị đặt "vòng kim cô"

ANTĐ - Việc thu phí bản quyền trên các trang nghe nhạc trực tuyến được triển khai đến nay gần 1 tháng nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trang web nào thu phí sẽ bị sụt giảm số lượng người truy cập, nhưng trên thực tế, nhạc lậu cũng không phải cơ hội kinh doanh béo bở cho các trang web nghe nhạc.

Nhạc trực tuyến - Chiếc bánh to và... mỏng dính

Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, nhưng kể từ khi thực hiện việc thu phí bản quyền tại Việt Nam ngày 1-11 đến nay, các trang web lớn như Zing Mp3, Nhaccuatui, music.go.vn… đã thực hiện rất nghiêm túc. Thậm chí, ngày 15-11 vừa qua, web nghe nhạc của Mạng Việt Nam go.vn còn đưa ra thông báo gỡ bỏ tính năng upload nhạc từ người dùng, chỉ dùng nguồn nhạc có bản quyền để chuẩn hóa chất lượng âm thanh.

Đây là lần đầu tiên một trang web đưa ra tuyên bố đoạn tuyệt hoàn toàn với âm nhạc không có bản quyền. Thực chất, việc gỡ bỏ nhạc lậu do người dùng tải lên là một hành động mà tất cả các website sẽ phải làm, nếu như muốn mở ra một thị trường lớn mạnh. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng dám tiên phong phá bỏ một tiền lệ cố hữu lâu năm như vậy vì một khó khăn đặt ra vẫn là những ý kiến trái chiều từ người dùng.

Theo ông Phùng Tiến Công, PTGĐ công ty MV Corp: "Tôi rất ngạc nhiên là các trang web nghe nhạc đều hợp tác rất nhiệt tình, thậm chí họ đã chuẩn bị sẵn các phương án thu phí từ lâu rồi. Nhưng rốt cuộc không ai dám làm trước". Bởi hiện tại, trong một môi trường âm nhạc miễn phí, thì điều hiển nhiên xảy ra là: những trang web nào thu tiền sẽ lập tức bị sụt giảm số lượng!.

Tuy nhiên, xét trên thực tế, nhạc lậu không phải là cơ hội kinh doanh béo bở cho các trang web âm nhạc. Ngay cả tên tuổi lớn như Nhaccuatui.com, công ty đang nắm giữ 27% thị phần nhạc trực tuyến cũng phải thừa nhận đang bị lỗ.

Tình hình còn tệ hơn đối với các công ty cung cấp dịch vụ làm nhạc chuông, nhạc chờ khi bị các nhà mạng di động thu phí dịch vụ tới 75% khiến các công ty  phải dùng nhạc chui để kiếm lợi nhuận.

Trong một môi trường miễn phí, nhạc trực tuyến gặp nhiều khó khăn nếu thu phí

Hiện tại thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam chỉ có khoảng 2-3 tên tuổi lớn nắm đến hơn 90% thị phần. Thế nhưng tiền quảng cáo chỉ giúp những trang mạng này duy trì hoạt động và lợi nhuận không đáng kể. Nguyên nhân là do các khoản thu từ quảng cáo không bù lại được chi phí duy trì hoạt động của công ty.

Ông Phùng Tiến Công, phó TGĐ của MV Corp, đơn vị đang được ủy quyền nắm giữ 45.000 ca khúc Việt Nam, ví thị trường âm nhạc Việt Nam hiện tại với một chiếc bánh quế mỏng dính, các ông lớn cho dù có chiếm phần lớn chiếc bánh thì vẫn cứ “đói” như thường. Lối thoát duy nhất cho các trang nhạc trực tuyến là thu phí.

Phải biết thương nhau

Nhận xét về lộ trình đi đến việc thu phí nhạc bản quyền, ông Phùng Tiến Công cho rằng khó khăn nhất là làm sao để các bên đồng ý ngồi lại với nhau bàn bạc. 

Hầu hết trong số 150 website vi phạm bản quyền âm nhạc trong năm 2011 đã dừng việc phát tán nhạc. Như vậy, nguy cơ về việc cạnh tranh không lành mạnh đã giảm hẳn. Tương lai làng nhạc số đã bớt phần mù mịt.

Việt Nam với hơn 80 triệu người là một mảnh đất đầy hứa hẹn cho các nghệ sĩ, nhà sản xuất, công ty kinh doanh nhạc trực tuyến khai thác. Điều cần thiết hiện tại là sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối thủ cạnh tranh, vì một thị trường chung màu mỡ.

Theo ông Phan Anh Tuấn, giám đốc Mạng Việt Nam go.vn: “Gomusic quyết định sẽ bỏ tính năng upload nhạc, cho dù một số người dùng có thể không hài lòng. Nhưng quyền lợi của những người dùng khác sẽ đảm bảo hơn khi được phục vụ hoàn toàn bằng nhạc có chất lượng âm thanh cao. Hi vọng các trang nhạc trực tuyến khác cũng sẽ hưởng ứng hành động chúng tôi”.

“Muốn kinh doanh, phải biết thương nhau một tí”, ông Phùng Tiến Công nói.