Nhạc sỹ Thuận Yến - nốt nhạc vút lên giữa đạn bom

ANTĐ - Như những người con của quê hương thời kỳ những năm 40 của thế kỷ trước, tuổi thơ của nhạc sỹ Thuận Yến phải chứng kiến  thực dân Pháp đô hộ với bộn bề súng đạn gươm đao. 

Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái Thanh Lam

Xã Duy Trinh (Duy Xuyên - Quảng Nam) quê ông nằm trong vùng địch tạm chiếm. Một lần giặc càn qua làng, ông cùng người chú của mình chạy qua con suối sang bên kia cánh đồng thì bị một tên lính lê dương đuổi theo bắt lại. Ông chú bị chúng đánh trật hai đầu gối còn Thuận Yến cũng bị đá đít. Sau buổi đó ông bỏ làng tìm vào vùng tự do theo cách mạng.

 Đến đất Bình Định, Thuận Yến được một cán bộ người dân tộc giới thiệu vào làm ở Ban đại diện văn hoá Liên khu 5. Tại đây Thuận Yến giữ chân liên lạc chuyển thư báo, trông coi kho sách. Trong một lần sắp xếp lại kho sách ông tình cờ phát hiện những cuốn sách ký âm bèn tò mò lấy ra xem, và từ đó niềm đam mê âm nhạc dần được nhen nhóm trong người thanh niên 17 tuổi. Sống trong môi trường nghệ thuật với những văn nghệ sỹ như Phan Thao, Tế Hanh, Nguyễn Thành Long, Phan Huỳnh Điểu, Bích Sơn... nên Thuận Yến hấp thụ rất nhanh những kiến thức âm nhạc. Lúc công việc rảnh rỗi ông lại ngồi xem các nghệ sỹ đóng kịch, hát bài chòi. Một người bạn có cây đàn ghi ta đã dạy cho ông những nốt nhạc đầu tiên. Mọi người sớm nhận ra cậu liên lạc có giọng hát tốt, ca bài chòi rất hay. Và thế là trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954, cùng hai đồng chí nữa, ông được lãnh đạo Khu uỷ Khu 5 điều biệt phái sang phục vụ quân đội tham gia mở mặt trận lên bắc Tây Nguyên phối hợp với các chiến trường không cho địch dồn quân lên Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của Thuận Yến và những đồng chí cùng nhóm là ca hát cho bộ đội, dân công nghe. 

Trong quá trình ca hát phục vụ mặt trận, nhìn những đoàn dân công đi từ Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định) lên Tây Nguyên gánh gồng vừa đi vừa hát, trong ông bỗng nảy ra những nốt nhạc đầu tiên: “Hò lên đi dân công ta ơi, ớ hò dô ta / Đường dù xa dân công ta không lùi bước / Quyết một lòng diệt hết lũ quân tham tàn”. Bài “Hò dân công” ra đời cùng với “Thi đua sản xuất” ông viết cổ động phong trào tăng gia sản xuất lấy lương thực phục vụ chiến trường với những lời ca thật mộc mạc “Mùa sản xuất lúa khoai ta thi đua trồng / Sản xuất nhiều diệt quân xâm lăng tàn hoang... Mùa sản xuất gắng công trồng thêm hoa màu / Cung cấp ra tiền phương cho quân đội ta...”  là hai sáng tác đầu đời của Thuận Yến được viết năm 1953 mang tên Đoàn Hữu Công, là tên khai sinh của nhạc sỹ. Sau đợt phục vụ mặt trận Tây Nguyên, cậu chiến sĩ liên lạc đã trưởng thành từ trong thực tiễn và được điều chuyển về Đoàn văn công Liên khu 5. Tại đây ông có điều kiện học tập và trưởng thành trên con đường âm nhạc.

Năm 1961, Thuận Yến được Tổng cục Chính trị cho ra Bắc học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Để đủ điều kiện nhập học, đơn vị hướng dẫn ông khai năm sinh bớt xuống 3 năm cho đúng khung giới hạn 25 tuổi. Vì thế, trong lý lịch cũng như những giấy tờ của nhạc sỹ Thuận Yến đều ghi sinh năm 1935 nhưng thực ra ông sinh năm 1932, tức là tuổi Nhâm Thân. 

Cho đến nay, sự nghiệp sáng tác của Thuận Yến đã có hơn 500 ca khúc. Gần chục năm nay, do điều kiện sức khỏe ông đã dừng sáng tác. Tập sách “Tuyển tập ca khúc Thuận Yến” do Nhà xuất bản âm nhạc Hà Nội xuất bản năm 2003 gồm 117 ca khúc của Thuận Yến như “điểm danh” cuộc đời sáng tác của ông. Thuận Yến được khán thính giả cả nước nhớ tới với nhiều ca khúc trữ tình về Bác Hồ trong đó có 3 ca khúc ghi dấu trong lòng bạn yêu nhạc cả nước là “Bác Hồ, một tình yêu bao la”, “Người về thăm quê” và “Miền Trung nhớ Bác”. Mảng đề tài về tình yêu cũng khiến cái tên Thuận Yến gắn với nhiều ca khúc như “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Chia tay hoàng hôn”, “Đi trong hương tràm”, “Tình yêu không lời”, “Khát vọng”…

Bên cạnh đó, một mảng sáng tác quan trọng nữa trong sự nghiệp âm nhạc của ông là về người chiến sĩ. Trong một lần trò chuyện khi ông còn khỏe, Thuận Yến cho biết số ca khúc viết về người chiến sỹ của ông khoảng 150 bài, trong đó, rất nhiều bài đã trở nên quen thuộc với cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và khán thính giả cả nước như “Mỗi bước ta đi”, “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Con gái mẹ đã thành chiến sỹ”, “Màu hoa đỏ”... 

Từ cậu chiến sỹ liên lạc, nhờ có năng khiếu bẩm sinh kết hợp với thực tế chiến đấu, lăn lộn với phong trào văn nghệ, với cuộc sống người lính đã làm nên một tài năng âm nhạc sau này. Đến nay, khi đã ở tuổi tám mươi, có thể nói Thuận Yến đã hoàn thành sứ mệnh của người nghệ sỹ, ông đã có nhiều thành công trong nghề nghiệp, được tôn vinh với những ca khúc sống mãi trong lòng bạn yêu nhạc.