Nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên: Âm nhạc cho tôi một thế giới bình yên

ANTĐ - Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig Van Beethoven đã nói: “Âm nhạc làm trái tim của người nam sôi sục và khóe mắt của người nữ đẫm lệ!”. Và nó thật đúng với anh, nhạc sỹ Đặng Tuệ Nguyên - người luôn tìm kiếm ngôn ngữ âm nhạc mới trên chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. Để từ đấy ngôn ngữ của tâm hồn, của trái tim và nhịp đập cuộc sống được vang lên, tất cả những điều đó đã khẳng định sự kỳ diệu trong âm nhạc của Đặng Tuệ Nguyên.

-  Âm nhạc xuất hiện trong cuộc sống của anh từ lúc nào vậy? 

- Tuổi thơ tôi gắn liền với hai tiếng “âm nhạc”. 4 tuổi, tôi đã học nhạc cụ Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cả gia đình tôi hoạt động nghệ thuật, bố tôi là nhạc sỹ Lương Nguyên, mẹ là nghệ sỹ sáo Minh Nga. Đó cũng chính là cái nôi âm nhạc đầu đời của tôi, sự định hướng của gia đình ảnh hưởng rõ rệt lên con đường âm nhạc của tôi. 

- Vậy đến khi nào anh mới thấy bản thân mình thực sự “cảm” nhạc?

- Lúc còn nhỏ việc học nhạc với tôi không khác nào sự tra tấn. (Cười) Việc học tập và rèn luyện để đi theo con đường chuyện nghiệp rất vất vả, cho tới tận thời điểm học lên Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tôi mới thực sự thích, lúc đấy ước chừng tầm 14, 15 tuổi. Khi ấy con đường âm nhạc đúng nghĩa mới được định hình một chút, rồi đam mê nối dài đam mê! 

- Tuổi thơ đã đi qua, giờ nhìn lại, anh cũng may mắn khi có môi trường tốt để rèn luyện, hẳn quãng thời gian đó giúp ích nhiều cho anh trong sự phát triển âm nhạc?

- Tôi biết nói gì đây ngoài chữ rất nhiều! Lúc đầu gia đình giúp đỡ, bố mẹ quan tâm tạo điều kiện; ngày tôi còn bé bố còn nghỉ làm và ông đã nhốt ở nhà để tập đàn, lúc nào ông cũng nói với tôi rằng đến nghệ sỹ Đặng Thái Sơn còn tập đàn đến 8 tiếng/ngày, nên phải cố gắng thật nhiều. Quãng thời gian đó định hình cho tôi những gì cơ bản nhất, đến khi yêu thích thì bắt đầu tìm tòi, sự đam mê thật sự khiến tôi phát triển nhanh hơn.

-  Có điều lạ là  khi “tìm kiếm” tên anh trên Google mà kết quả cho tôi chỉ nhỉnh hơn con số 0 một chút?

- (Cười) Thứ nhất tôi không phải là nhạc sỹ theo dòng nhạc thị trường, hay hoạt động trong giới giải trí nên sẽ ít được biết đến. Nhưng tôi lại nghĩ thế thì hay hơn, cuộc sống nội tâm và âm thầm làm nghệ thuật hợp với con người tôi. Tôi không hợp lắm với việc xuất hiện thường xuyên kể cả khi có rất nhiều cơ hội.  

- Anh đã từng lọt vào Top 10 Nhạc sỹ trẻ châu Á?

- Đó là tác phẩm đầu tay tôi sáng tác, như kiểu một thuở sơ khai, chập chững viết, trước đó cũng viết rất nhiều nhưng chưa chính thức, đó là bản hòa tấu            “Impromtu” (Khúc tùy hứng) viết cho đàn Cello và Piano. Ngày đó tôi còn đang học nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, mọi người nghe thấy thích bảo tôi nên giới thiệu ra Hội Nhạc sỹ Việt Nam, rồi tác phẩm được gửi đi tham gia Festival các nhạc sỹ trẻ châu Á tại Seoul, Hàn Quốc. 

- Anh học được  gì từ những nhạc sỹ trẻ quốc tế?

- Tôi học được ở họ sự chuyên nghiệp.

- Mỗi khi sáng tác, anh thiên về điều gì: kỹ thuật hay cảm xúc?

- Tôi thích câu nói của nhạc sỹ người Pháp Pierre Boulez: “Với âm nhạc đương đại thì đa phần các nhạc sỹ trên thế giới việc kết hợp giữa nội tâm, con tim và lý trí của người sáng tạo chỉ được một nửa thôi!”. Một là rất giỏi về kỹ năng viết hoặc rất giỏi trong việc thể hiện tình cảm. Nếu sở hữu 1 trong 2 yếu tố cũng đã là một nhạc sỹ giỏi rồi, còn nếu hội tụ cả 2 yếu tố trên sẽ là một thiên tài, rất hiếm. Và xuyên suốt trong các tác phẩm tôi thiên về nội tâm, tình cảm trong âm nhạc. Âm nhạc lúc nào cũng cần cảm xúc, âm nhạc làm tan biến nỗi cô đơn, vơi đi ưu phiền… Hãy để những giai điệu cảm xúc dắt ta đi lang thang khắp nơi trong cái vô hạn của không gian và thời gian. 

- Và dường như anh luôn mê đắm trong dòng chảy của âm nhạc dân gian?

 - Âm nhạc dân gian luôn luôn là một dòng sông phủ toàn phù sa, khi nhìn vào đó sẽ có rất nhiều chất liệu để mình phát triển, sẽ mang đến tiếng nói của dân tộc, khi đó mình mới có thể đưa ra và hòa vào với thế giới - đó chính là bản sắc. 

- Điều gì tác động mạnh nhất vào tiềm thức anh ngày trở về?

- Đến Festival Âm nhạc châu Á tôi rơi vào một không gian mà tất cả mọi thứ đều chuyên nghiệp, nó giúp cho tôi sự định hướng, mở mang thêm rất nhiều, biết thế giới họ đang nghĩ gì và làm gì. Tôi được hòa nhập với cái thời kỳ mình đang sống. Đi ra thế giới mình mới… “À” lên một tiếng thế giới nó là như thế đấy! Trong lúc vẫn đang đi tìm con đường âm nhạc cho riêng mình thì bỗng dưng tôi có được hơi thở của thời đại. 

- Anh có gọi tên được con đường âm nhạc đấy không? 

- Tôi không phải là một nhà lý luận phê bình, nhưng theo quan điểm của riêng tôi, đó có thể gọi là hình thức “Đối thoại” trong âm nhạc, tạo nên một tiếng vang cùng nhau từ quá khứ đến hiện tại. 

- Đến giờ anh đã có bao nhiêu cuộc “đối thoại” trong âm nhạc như vậy?

- Tôi đã có những tác phẩm “Đối thoại” cho Piano và các hình thức diễn xướng dân gian, với một số vùng miền như là Hát Cọi; Hò Huế; “Vó ngựa đường xa” cho Piano và Bộ gõ dân tộc, “Thốt” cho Piano, Vocal Tuồng, Kèn bóp và Trống chiến; Opera Piano - Tuồng mang tên “Lửa thiêng”; Piano - Hầu văn mang tên “Bóng”… 

- Con đường âm nhạc anh chọn thực sự rất kén khán giả, sự va đập ngược trở lại bản thể có khiến anh day dứt?

- Khi tôi làm thì hoàn toàn không nghĩ đến điều ấy. Bởi vì xác định theo con đường này đương nhiên tôi biết sẽ rất ít khán giả rồi, nhưng trước tiên mình hãy coi đó là con đường nghệ thuật mình đã chọn, bám theo và hy sinh hết lòng vì nó, không làm cái gì khác bởi những thứ đó sẽ bào mòn con đường đã chọn.

- Anh đã bao giờ nghĩ về đích đến trên con đường mình đi? 

- Chưa bao giờ! Bởi khi đã nghĩ đến đích đến thì lúc đó chỉ có một cái đích duy nhất. Với tôi khi sáng tạo luôn đặt mục tiêu phải làm hết sức mình, làm sao cho thật tốt. Rất ngắn và có thời gian; không nghĩ đến điều gì quá lớn và không gì có thể tác động lên được tôi bởi không gian âm nhạc đã bao trùm tất cả, thế giới xung quanh tưởng chừng bị lu mờ.  

- Vậy anh thường sáng tác khi nào? 

- Đã xác định là một nhạc sỹ chuyên nghiệp thì hãy coi đó là một công việc hàng ngày. Bất kỳ lúc nào cũng có thể sáng tác được, tôi không thích quan niệm người nhạc sỹ luôn cần phải có cảm hứng… Tôi thấy ở đó sự không chuyên nghiệp, rất “amater”. Việc sáng tạo trong âm nhạc phải luôn trau dồi, cũng giống như việc tôi đã thử không đụng vào bút viết trong khoảng thời gian 5 tháng, sau đó cảm giác khởi động viết lại rất ì ạch, thật lâu và hay bị đứt đoạn. Chính vì vậy, luôn phải viết để trở thành bản năng - kỹ năng để có thể điều khiển cảm xúc, nắm được nó trong mọi thời khắc, không gian lẫn thời gian. 

- Âm nhạc đã tri ân cho anh những gì sau 28 năm gắn bó?

- Thật đơn giản, tôi thấy rằng mình hạnh phúc khi đam mê, đeo đuổi và gắn đời mình với âm nhạc! Cuộc sống, đời tư của tôi đa phần không bị tác động nhiều bởi tôi làm những việc mình thích, được sống trong thế giới của mình, do mình tạo nên. Âm nhạc tạo cho tôi một thế giới cân bằng, phẳng lặng, bình yên, không phải va đập với xã hội. Cái gì cũng có hai mặt, nhưng tôi không nghĩ về mặt trái của nó, vì tôi thấy mình được nhiều hơn, nếu có lấy đi cái gì tôi cũng chẳng cần, bởi tôi cảm thấy hài lòng... 

- Cảm ơn và chúc anh thành công hơn nữa!