Nhạc sỹ, ca sĩ Trần Lập: Chấp nhận thử thách

ANTĐ - Một chiếc thang đã được nhạc sỹ, ca sĩ Trần Lập bắc cho người đọc nhìn sang bên kia của “Bức Tường” với những chuyện hậu trường rồi bước chân lên chút nữa, người đọc còn biết đến một Trần Lập với các sở thích như đi phượt, xăm mình, độ xe tại cuốn tự truyện “Trần Lập bên kia Bức Tường” vừa ra mắt. 

Bìa cuốn tự truyện của Trần Lập

Thử nghĩ ngược lại xem

- PV: Lý do lớn nhất để anh viết cuốn sách này là thông tin về Bức Tường bị chắp vá, không đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thế còn có những lý do nào khác nữa không? 

- Nhạc sỹ, ca sĩ Trần Lập: Thời nhỏ, tôi lớn lên từ những chia sẻ của người lớn, những cuốn sách của người lớn. Nay tôi đã trải qua nhiều thăng trầm và đã tích lũy được kha khá vốn sống cho nên chia sẻ cho mọi người là một niềm vui chân thành. Ngoài ra, phần nào đó để được mọi người quan tâm và chú ý hơn về một dòng nhạc còn nhiều khó khăn. 

- Đọc sách mới biết, Trần Lập từng có những giai đoạn vô cùng khó khăn và từng rơi vào tuyệt vọng?

- Mỗi con người mỗi số phận, mỗi sự thành công đều không giống nhau. Đó là lý do tôi không mang những ngày tháng vinh quang và chói sáng nhất của Bức Tường giai đoạn sau năm 2002 đến 2006 để khoe trong cuốn sách này. Tôi thấy những khó khăn, sai lầm và thất bại sẽ hữu ích hơn cho những bạn trẻ nhìn vào đó mà bước đi bằng đôi chân mình thay vì giẫm vào chính nó. 

- Trong sách, việc nhắc đến tính cách của thành viên ban nhạc Bức Tường như Nhất Hoàng thì khéo, Tuấn Hùng thì nói giống Nhất Hoàng, Hiệp thì luôn vắng mặt không biết ý kiến rõ ràng là gì… Anh không ngại các anh ấy phật ý à?

- Sao lại ngại chứ, sao không thử nghĩ ngược lại xem (cười). Chúng tôi chơi với nhau tới 18 năm và trải qua hàng trăm trận lớn bé, nói thế đã là gì so với tính cách của dân rock. Chưa ai phải dùng tới nắm đấm để nói chuyện với nhau như trên phim bao giờ. 

Thử thách là đỉnh cao cần chinh phục

- Trần Lập là người có hoàn cảnh khó khăn nhất trong ban nhạc Bức Tường nhưng lại đặt cược toàn bộ gia sản và niềm tin của mình vào việc thành lập ban nhạc. Khi ấy, có khi nào anh nghĩ tới việc Bức Tường rồi cũng có lúc nói lời tạm biệt khán giả?

- Chúng tôi là ban nhạc đi sau thế giới rất xa nên chẳng có chuyện hợp tan, tan hợp nào mà lại chưa từng biết. Ta mua xe, mua đồ không phải là không biết một lúc nào đó nó sẽ hỏng và không mua nữa. Ta sống mạnh mẽ và làm việc không thể chỉ nhìn vào việc một mai có thể chết mà ngồi đó chờ. Chỉ đơn giản suy nghĩ là vậy thôi bạn ạ!

- Rồi việc anh sáng tác rock, có thể nói, khó khăn chính là động lực lớn nhất khiến trong đầu Trần Lập nảy ra những giai điệu đẹp về rock?

- Đúng vậy nhưng không phải cho tất cả các trường hợp. Trong cuộc sống có vô vàn khía cạnh, nghệ thuật không chỉ xuất phát từ những sự gian nan. Mối giao cảm giữa người viết và người đọc là điều cần thiết để cuộc sống tích cực hơn thay vì chỉ nhìn nó với những điều đã cũ. Đó cũng là lý do tôi không cứng nhắc đưa ra các kết luận hoặc triết lý khiên cưỡng cá nhân vào những phần này.

- Ngay sau khi tái hợp, Bức tường đã xác định con đường đi là modern rock chứ không phải hard rock như Bức Tường của ngày xưa. Sự đổi hướng này đã được các thành viên của ban nhạc căn cứ vào những yếu tố nào?

- Thực ra, chúng tôi đã có khuynh hướng chơi phong cách mới từ trước khi chia tay khán giả năm 2006 nhưng hiện nay, tâm lý hoài cổ đã khiến một bộ phận khán giả không hài lòng. Chúng tôi nhìn thấy trước điều đó để rồi quyết làm chứ không chịu ngủ quên trên vinh quang cũ. Chấp nhận thử thách đó mới là phẩm chất quý của những người nghệ sĩ, là đỉnh cao mới cần chinh phục nhất chứ không phải là những cột mốc mà chúng tôi đã có quá nhiều trong 18 năm âm nhạc. 

- Viết kịch bản phim, viết sách, sáng tác nhạc, rồi sáng tạo phục vụ kinh doanh, Trần Lập quả là con người đa tài. Trong thời gian tới, anh có ý định sẽ lấn sân sang lĩnh vực nào nữa không?

- Tôi đã lấn sân nhà của ai bao giờ đâu (cười). Tôi đã từng tham gia việc này việc kia nhưng đó không phải là những nghề mới. Đó chỉ là những hoạt động để góp phần giải phóng năng lượng khi mà sự quan sát, tích lũy, bày tỏ luôn tạo ra động lực sáng tạo. Nó giúp tôi thấy mình có ích và thực sự được sống cống hiến. Âm nhạc đã nuôi tôi trưởng thành và là sự nghiệp rõ ràng nhưng nó chưa phải là tất cả. Tất cả sẽ là những gì mà phía cuối của con đường, phía cuối của cuộc đời mới đúc kết được. 

Cuốn sách của anh như một thước phim quay chậm về một Trần Lập thời thơ bé với tính cách nhút nhát nhưng dần trở thành một chàng trai rắn rỏi, mạnh mẽ. Sự trưởng thành này ngoài việc tập luyện võ thuật thì âm nhạc có góp mặt ở đây không?

- Tôi đồng ý rằng, bản chất dũng mãnh của thể thao, tính khéo léo, tính quyết đoán, tính đồng đội, tính bứt phá đóng góp không nhỏ tạo nên tính cách một con người chịu rèn luyện. Điều đó một phần tác động tới tôi nhưng về sau này khi chín chắn, tôi mới nhận thấy phần nào. Âm nhạc mới là mạch sống tinh thần lớn nhất đã kéo tôi lên từ những đáy sâu tôi từng trải nghiệm.