Nhạc sĩ Văn Cao: "Biết làm sao bây giờ?"

ANTĐ - Ngày ấy, hễ có dịp là tôi ghé thăm và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Cao. Người anh lớn rất thích gặp gỡ với lớp đàn em để trao đổi, góp ý về văn, thơ, nhạc họa... Ông hiền lành, thẳng thắn với những nhận xét chẳng hề đao to búa lớn. Sau mỗi lần được ông tiếp chuyện, ra về, người được hầu chuyện ông đều vui vẻ, phấn khởi làm việc và hy vọng.

Chân dung nhạc sĩ Văn Cao do họa sĩ Thế Đức vẽ năm 1982

Có một lần nói chuyện về ca khúc Việt Nam hiện nay, tôi có nói: “Ca khúc của ta bây giờ gượng ép và thô thiển quá, không đi vào lòng người, không có giá trị lâu dài, hát một thời gian xong là chìm vào quên lãng. Ít bài, người viết bằng cảm xúc thật của mình”. Ông im lặng một lúc rồi mỉm cười, chậm rãi nói: “Biết làm sao? Chú bảo bọn anh phải viết gì bây giờ? Bây giờ thì còn viết gì được nữa? Anh viết “Tiến về Hà Nội” từ năm 1949-1950 mà tháng 10-1954 mới giải phóng Thủ đô, dạo ấy cũng từng bị phê bình là lạc quan tếu!”.

Sau một lúc im lặng, để phá đi cái không khí nặng nề, tôi lên tiếng trước: “Nói riêng về ca khúc Việt Nam, theo anh, trước Văn Cao thì có ai?”. Sau một lúc suy nghĩ, anh nói: “Đặng Thế Phong em ạ”. Tôi vui vì suy nghĩ của tôi trước đó cũng giống anh. Anh nói tiếp: “Đúng chỉ có Đặng Thế Phong là hơn cả”. Thấy anh đang vui vẻ, tôi liền hỏi tiếp câu thứ hai: “Thưa anh, thế còn sau anh?”. Không phải suy nghĩ lâu, anh trả lời tôi: “Có lẽ chỉ có Trịnh Công Sơn thôi”. Tôi hơi bàng hoàng, vì trước Trịnh Công Sơn còn có nhiều bậc đàn anh nổi tiếng với những ca khúc bất hủ, để đời. 

Nghĩ về Văn Cao, nhạc sĩ Phạm Duy nói: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều...”. Phạm Duy còn viết: “Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Văn Cao luôn là một người khai phá và là cha đẻ của thể loại trường ca”.

Nhận xét này quả không sai. Đã gần 2 thập niên Văn Cao về cõi thiên thai, nhưng mỗi lần nhắc tới ông là nhắc nhớ tới một thiên tài âm nhạc của dân tộc Việt.