Nhạc sĩ Tố Hải và hai “kỷ vật” Trường Sơn

ANTĐ - Bạn yêu nhạc nhớ đến ông bởi bài hát “Sông Đắk Rông mùa xuân về” nhưng ít ai biết rằng, đằng sau bài hát  đó là cả một câu chuyện gắn bó với cuộc đời và gia đình Tố Hải. Cùng với sự ra đời của bài hát ấy, ông còn có một “tác phẩm” quý giá khác…

Vợ chồng nhạc sĩ Tố Hải

Bài hát viết trong 7 năm

Nhạc sĩ Tố Hải kể rằng, ông có hai “kỷ vật” gắn với Trường Sơn. Thứ nhất là ca  khúc “Sông Đắk Rông mùa xuân về”. Bài hát ấy, ông coi như một sự trả nợ Trường Sơn. Thời gian thai nghén để hoàn thành bài hát chiếm độ dài kỷ lục - 7 năm.  Năm 1968, Tố Hải khi ấy là một người lính của Đoàn Văn công Khu 5, sau chiến dịch Mậu Thân, Quân khu thông báo là sẽ về đồng bằng. Xúc cảm trước việc phải chia tay Trường Sơn, ông đã viết một bài hát có những câu “Chim Kơ tia bay tới / Nghiêng cánh chào Đắk Rông”. Bài hát viết xong ông cất vào ba lô mang theo ra Bắc học. Đó chính là những câu mở đầu  ca khúc “Sông Đắk Rông mùa xuân về”. 

Đến năm 1975, khi đang ở miền Bắc, trong khí thế tiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh, có lệnh tập trung anh em văn công ở Nhổn - Từ Liêm - Hà Nội. Một người bạn đã bảo ông, “sao giờ này còn ngồi đây, Trường Sơn đang sôi động lắm”. Lời nói khiến trong ông như có một luồng điện chạy qua, đặc biệt là khi nghe tin chiến dịch Buôn Ma Thuột mở màn. Ông đã mượn hình tượng dòng Đắk Rông cuộn chảy dữ dội giữa đại ngàn Trường Sơn để biểu lộ cảm xúc của mình,  thể hiện khí thế tiến quân hừng hực của những chiến sĩ giải phóng. Lời 2 của bài hát viết dang dở từ năm 1968 đã được hoàn thành rất nhanh chóng. Trong từng ca từ có tiếng cuộn chảy, có tiếng sôi réo, có tiếng hoan ca của niềm vui chiến thắng. Viết xong bài hát, Tố Hải gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau đó, bài hát đã được ca sĩ Kiều Hưng trình bày và phát trên sóng của đài. Có thể nói đó cũng là ca khúc thành công nhất của ông sau này, được đông đảo khán giả yêu thích. 

Báu vật trong ba lô

Khi còn ở Đoàn Văn công giải phóng Khu 5, có lần nhạc sĩ Tố Hải cùng anh em trong Đoàn về Bình Định tuyển diễn viên. Ở Hoài Nhơn có cô Hoàng Thị Kim Tuyến là con gái nhạc sĩ Hoàng Lê đã được tuyển vào Đoàn. Sau này bà trở thành vợ ông. Ông bà cưới nhau tháng 5-1966 ngay tại Trường Sơn, vùng giáp ranh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Sau khi cưới một năm, bà Tuyến sinh được cậu con trai, đặt tên là Tố Nguyên.

 

Xung quanh chuyện sinh nở, nuôi con của ông bà cũng vô cùng khó khăn và nhiều kỷ niệm. Thời chiến, ở trong rừng, sắp đến ngày bà ở cữ, hai vợ chồng phải vượt rừng, đeo ba lô từ Đoàn Văn công Khu 5 ở Quảng Nam đến bệnh viện C17 - Quân khu 5 đóng ở Quảng Ngãi để sinh nở. Sau khi đưa bà đến bệnh viện, trên đường trở lại đơn vị, Tố Hải bị lọt vào ổ phục kích của địch. Ông giương súng bắn và lựa thời cơ rút chạy. Chạy thoát thân thì mất phương hướng, không biết đơn vị ở đâu nữa. Anh em ở đơn vị cứ tưởng ông đã hi sinh, họ đã lập bàn thờ cho ông. Một tháng sau ông mới tìm được về Đoàn Văn công Khu 5 trong sự ngạc nhiên vô cùng của anh em đồng đội. 

Năm 1970, Tố Hải và vợ được ra Bắc học. Ông cho cậu con trai vào chiếc ba lô có khoét thủng 2 lỗ dưới đáy để thằng bé có chỗ thò hai chân ra ngoài rồi hai vợ chồng thay nhau đeo khi di chuyển. Đi bộ luồn rừng ròng rã hai tháng trời thì ra đến Quảng Bình, từ đây mới có xe  ô tô đón ra Bắc. Đến Hà Nội, các bác sĩ bệnh viện E phải uốn lại chân cho Tố Nguyên vì chân cậu bé bị vòng kiềng do ngồi quá lâu trong ba lô của bố. Ở miền Bắc, Tố Hải học tại Trường Âm nhạc ở Ô Chợ Dừa (Nhạc viện Hà Nội bây giờ) còn vợ ông được học tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội ở Cầu Giấy. Để tạo điều kiện cho ông bà có thời gian học tập, cậu con trai Tố Nguyên được giao cho nhà trẻ Ban Thống nhất Trung ương chăm sóc giống như con em các chiến sĩ miền Nam lúc bấy giờ. 

Suýt mất “bản quyền” làm bố

Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, Tố Hải trở lại công tác tại Đoàn Văn công Khu 5, còn vợ ông vẫn tiếp tục học sư phạm. Một hôm, khi bà Kim Tuyến tìm đến thăm con thì thấy nhà trẻ nơi chăm sóc Tố Nguyên đã… giải tán, những đứa trẻ ở đây đều đã được bàn giao cho bố mẹ hoặc đưa về quê. Bà chưa đến kịp, thế là Tố Nguyên đã được đưa về... Bình Thuận như quê quán đăng ký trong giấy tờ. 

Bà hoảng hồn nghĩ, không khéo mất con nên vội vàng điện cho mẹ mình đang làm công tác phụ nữ ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ ra ngay Bình Thuận nhận cháu giúp. Mẹ bà Kim Tuyến vội ra Bình Thuận tìm cháu ngoại, nhưng khổ một nỗi, bà cháu không biết mặt nhau nên Ty Giáo dục Bình Thuận không cho nhận. Bà Kim Tuyến lại phải viết thư cho ông bác là cán bộ nhờ bảo lãnh mới giải quyết được. Cũng chính người bác này sau đó đã đưa Tố Nguyên ra Đà Nẵng học. Năm 1977, bà Kim Tuyến học xong sư phạm và về làm việc tại Ty Giáo dục tỉnh Phú Khánh. Sau này bà làm giáo viên tại Trường chuyên Lê Quý Đôn - thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 

Bây giờ thì vợ chồng nhạc sĩ Tố Hải đã nghỉ hưu và sống tại thành phố Nha Trang. Người con trai Tố Nguyên, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn đã về dạy cùng trường với mẹ mình từ năm 1992. Cả hai “kỷ vật” Trường Sơn của ông bà là bài hát “Sông Đắk Rông mùa xuân về” và cậu con trai suýt bị lạc giờ đây vẫn “sống khoẻ”. Ca khúc “Sông Đắk Rông mùa xuân về” sau gần 40 năm vẫn được công chúng yêu thích và hát ở khắp nơi trên cả nước. Còn Tố Nguyên, con trai ông bà cũng đã có một gia đình hạnh phúc và là một giáo viên dạy toán giỏi của Trường chuyên Lê Quý Đôn. Điều thú vị là cả hai “kỷ vật” đều được thai nghén từ Trường Sơn bằng tình yêu đất nước, yêu âm nhạc, và tình yêu mà ông bà dành cho nhau trong những ngày kháng chiến.