Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi còn nhiều điều để trút vào âm nhạc

ANTĐ - Sau hàng loạt những chương trình ca nhạc với giá vé “khủng”, mới đây Phú Quang lại tiếp tục trình làng một CD với tên gọi “Mới thôi… mà đã một đời”. Ngay từ chiếc hộp đựng CD cũng được thiết kế khá kỳ công và mỗi hộp như thế được bán với giá 800 nghìn đồng. Đặc biệt, CD có những bản thu ca khúc của cố NSND Lê Dung được Phú Quang nâng niu và cất giữ mấy chục năm qua.

“Cứ lương thiện đi, không ân hận đâu”

- PV: CD được bán với giá rất cao, 800 nghìn đồng, trong khi nó đa phần là những bản nhạc không mới. Liệu có… ?

- Nhạc sĩ Phú Quang: Âm nhạc không có cũ có mới, chỉ có hay và dở. Cái sự  mới và lạ chỉ có ý nghĩa khi có thêm yếu tố hay. Còn nếu không hay, mới đến đâu, lạ đến đâu cũng không đáng một đồng xu nào.

- Giữa lúc kinh tế đang khó khăn thế này, bỏ tiền ra làm album rồi đêm nhạc, anh có run không?

- (Cười) Không đến nỗi run lắm đâu. Vì tôi luôn được khán giả thương.

- Điều đó có nghĩa những đêm nhạc mà anh tổ chức không bao giờ lỗ cả?

- Chuyện lỗ lãi à? Ờ thì chuyện này phải bí mật. Nhưng bạn thấy đấy, mọi đêm nhạc của tôi đều rất đông khán giả. Nếu không có khán giả, tôi sẽ tự động rút lui và biến mất khỏi cuộc đời này. Đừng nói là một năm 2 lần, mà 20 năm cũng chẳng có lần xuất hiện nào nữa. Sau những đêm nhạc Phú Quang được tổ chức, tôi biết khán giả vẫn yêu mến mình, thương mình nhiều. Tôi vốn là người nhạy cảm. Đâu phải có người nói thẳng vào mặt mới biết mình được yêu hay ghét đâu. 

- Bên cạnh tài năng âm nhạc, xem ra Phú Quang còn có tài tổ chức biểu diễn, anh có nghĩ như thế là mình toàn tài không? 

- Rất nhiều người không thành công trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn là vì họ nghĩ họ có tài và đương nhiên sẽ thành công. Còn với tôi, tôi  không coi trọng chuyện tài hay không tài mà coi trọng việc mình làm việc đó có lương thiện hay không lương thiện. Muốn tổ chức hay hãy làm việc thật lương thiện.  Đừng bịp bợm, lừa dối, dọa nạt. Nếu sống lương thiện, người ta sẽ đối xử với mình lương thiện. Có một số người hỏi tôi, “cậu tổ chức thế nào mà thành công thế?” Tôi bảo: nếu anh còn hỏi tôi thế anh còn thất bại. Khi nào anh hỏi tôi mày làm thế nào mà hay thế,  thì lúc đó các anh không bao giờ thất bại”. Cũng có người hỏi sao làm khéo thế. Sao lại khéo trong nghệ thuật được. Có thể lừa một vài người chứ  sao mà lừa được công chúng. Vì thế, cứ lương thiện đi, không ân hận đâu. 

-  Đối với âm nhạc, Phú Quang còn gì để ân hận?

- Còn chứ, tôi còn nhiều nhiều để trút vào âm nhạc lắm. Hơn nửa đời người trò chuyện với âm nhạc rồi mà nói cũng đã hết đâu. Còn sống thêm 50 năm nữa có lẽ với tôi cũng chưa đủ.

“Bán” Hà Nội với giá đắt

-Trong đêm nhạc “Dương cầm lạnh” tới đây, người quen- NSND Lê Khanh lại được mời với vai trò MC, sao anh không mời một gương mặt mới, một gương mặt rất trẻ chẳng hạn?

- Tôi quý mến Lê Khanh thì tôi mời. Với tôi ngoài sự yêu mến, Lê Khanh còn là người đáng kính trọng và rất tài năng, chứ không phải vì cái mác Nghệ sĩ nhân dân.

-  Nghe nói, bài hát “Đâu phải bởi mùa thu” anh sáng tác dành tặng cho Lê Khanh? 

- Thực ra không phải là sáng tác tặng Lê Khanh. Khi đó, đoàn làm phim “Có một tình yêu như thế” mời tôi viết nhạc cho phim. Ban đầu tôi từ chối vì không thể viết nổi. Sau rồi được xem một đoạn Lê Khanh đóng, có cảnh cô ấy đi qua đồi bạch đàn. Thế là tự dưng tôi bật lên được những lời: “Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo, đôi môi em gọi bao khát khao…”. Hồi đó, Lê Khanh mỏng mảnh lắm, không như bây giờ, đẫy đà rồi. Tất nhiên có nhiều chi tiết trong bài hát là tôi bịa. Phải coi cô đó như người yêu mình thì mới có cảm xúc viết được. Nghệ thuật được quyền hư cấu, kiểu như “Vờ như mùa đông đã về” ấy mà. Chứ có phải thật đâu!

- Có người bảo, rằng anh lúc nào cũng yêu Hà Nội, nhưng toàn “bán” Hà Nội với giá rất đắt. Anh nghĩ sao, có bức xúc không?

- (Cười) Cũng có người bảo, “bán” Hà Nội không ai bán đắt như Phú Quang. Nhiều người thích mua thì tôi bán là đúng rồi. Bán mà không ai thèm mua mới xấu hổ chứ. Tôi không bức xúc đâu. Vì các cụ xưa vẫn bảo: “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn, béo chê béo trục béo tròn, gầy chê xương sống xương sườn nhô ra”. 

-  Phú Quang là người bình thản trước những tiếng bấc tiếng chì?

- Từ khi ngoài 50 tuổi, tôi không quá coi trọng những lời đàm tiếu. Người ta khen bạn tài năng, bạn cũng không vì thế mà tài năng hơn. Ngược lại người ta chê bạn vớ vẩn, bạn cũng không vì thế mà vớ vẩn đi. 

- Còn khi Phú Quang dưới 50 tuổi thì sao, 30 tuổi chẳng hạn?

 - Thì cũng cay cú chứ! 

- Để nói một từ ngắn gọn nhất về anh, anh sẽ nói thế nào?

- Bố tôi bảo, đặt tên tôi là Phú Quang tức là vừa giàu vừa sáng. Nhưng hóa ra dịch nhầm hay sao ấy, đời tôi vừa nghèo vừa tối. Phú Quang cùng lắm có nhiều ánh sáng.  Nhưng ánh sáng giờ là thứ khó bán nhất 

trên đời.

- Anh nói thế có cay nghiệt với mình quá không?

- Không phải vì chuyện tôi khổ hơn người khác đâu.  Tôi chỉ ví dụ đơn giản thế này thôi, bạn mua một món đồ bình thường giá một đồng. Nhưng nếu là tôi mà được sở hữu món đồ đó, tôi phải mua với giá đắt gấp 10 lần. Nhưng mà thôi, cái đó là số phận. Chấp nhận chứ biết sao giờ? Tôi chả bao giờ hài lòng về bản thân mình. Vì thế tôi rất ngạc nhiên vì sao có người cứ vỗ ngực bồm bộp bảo tôi tài năng lắm, tôi đẹp giai lắm, tôi phải ngồi chiếu trên. Khoe thế quá thô bỉ.

-  Hỏi thật anh nhé, cho đến giờ anh đã quên được những đòn đau của cuộc đời không? 

- Tôi không có thì giờ dành cho kẻ xấu. Thời gian của tôi bây giờ chỉ đủ để dành cho người tốt với tôi chứ. Thầy tướng bảo số tôi  sống lâu, có khi phải 100 tuổi mới chịu… chết. Nhưng có 100 tuổi thì tôi vẫn mong mình sống lâu hơn nữa.

-  Anh đã có quá nhiều tác phẩm, nhiều đêm nhạc để tri ân Hà Nội rồi, liệu trong anh có vùng đất nào khác ngoài Hà Nội không?

- Tôi là người Hà Nội. Nhạc của tôi cũng chỉ có Hà Nội trong đó. Tác phẩm của tôi có nhiều bài không hề có một từ nào dính dáng đến Hà Nội, nhưng khi nghe, vẫn toát lên chất Hà Nội. Ví như bài “Thương lắm tóc dài ơi”, triền sông thì đâu chẳng có, nhưng vẫn đậm chất Hà Nội đấy thôi. 

- Cảm ơn nhạc sĩ!