Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Khúc phiêu ly đã xuôi dòng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Mảnh ghép” đầu tiên trong bộ tứ nhạc sĩ sông Hồng - nhạc sĩ Phó Đức Phương - đã qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Ông rời xa cõi tạm vào một ngày trời trở lạnh và mưa tầm tã. Sự ra đi dù đã được báo trước nhưng vẫn khiến những người ở lại không khỏi bàng hoàng xót xa…

Cho tới khi từ giã cuộc đời, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn tin rằng mình sẽ khỏi bệnh. Đó là lý do ông ra đi mà không để lại lời trăn trối hay dặn dò gì cho người thân ở lại. Tài ba là vậy, nhưng ẩn sau vẻ ngoài gai góc, xù xì khiến nhiều người e dè vì sợ khó gần lại là một Phó Đức Phương luôn hồn nhiên, vô tư ngay cả khi đối mặt với tử thần. Có lẽ chính bởi sự hồn nhiên lạc quan ấy mà Phó Đức Phương khiến ai nấy đều tin rằng, ông nhất định sẽ khỏe lại, sẽ chiến thắng bệnh tật.

1. Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện bị ung thư tụy cách đây gần 7 tháng. Lần đó, ông đến Đài Truyền hình Việt Nam để tham dự một chương trình âm nhạc nói về “Bộ tứ sông Hồng”. Trong lúc ngồi chờ đến giờ ghi hình, ông quay sang bình thản tâm sự với vị khách mời bên cạnh: “Này bạn của tớ, tớ đang bị nghi ung thư. Mấy ông bác sĩ hẹn 11h qua để sinh thiết, nhưng mà tớ nghĩ là ung thư thật”.

Thế rồi khép lời chia sẻ ngắn gọn đó, ông quay trở lại nói chuyện về âm nhạc, tuyệt nhiên không nhắc gì đến nỗi lo bệnh tật. Ghi hình xong, ông chào mọi người rồi đi thẳng vào bệnh viện. Sau này một người bạn của ông kể lại, khi nghe bác sĩ thông báo về bệnh tình, ông không sốc cũng chẳng hoang mang, trong đầu chỉ vẩn vơ suy nghĩ: “Lại vất vả đây”.

Sự “vất vả” được ông ví như cậu học sinh nghèo vượt khó, lại phải lội ngược dòng để chiến thắng nghịch cảnh. Mà cả đời ông không biết bao lần lội ngược dòng để vượt qua đủ mọi sóng gió thác ghềnh khác rồi, có gì đâu phải sợ. Lý giải cho sự lạc quan đón nhận hung tin, ông bảo có lẽ mình “chưa đủ tuổi nhớn” để hiểu hết mức độ nghiêm trọng của tình thế. Có điều, ông cũng nhận thấy lần “vượt khó” này là một thách thức ghê gớm với một người đã bước vào tuổi 77, dù ông rất có niềm tin vào y học hiện đại.

Thời gian nhập viện điều trị suốt nhiều tháng vừa qua, ngay cả lúc mệt nhất nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng chưa một lần kêu ca hay than phiền với bất cứ ai, kể cả với các con của mình. Như tiết lộ từ chị Phó Khánh Chi - con gái thứ hai của nhạc sĩ - thì mỗi khi ai đó vào thăm hay gọi điện, ông luôn tếu táo trấn an: “Tớ rất khỏe. Tớ ổn. Chẳng bao lâu nữa tớ sẽ trở lại!”. Lần nào cũng vậy, ông đều nói với đôi mắt sáng rực và nụ cười tràn trề nhựa sống. Ông thậm chí còn chỉ ra 3 lý do khiến mình “chưa thể đi được”. Một là vì ông “đã đi hỏi hết cả rồi, hỏi cả âm lẫn dương và các “ngài” bảo phải sống”. Hai là vì ông quyết sống. Ba là vì các bác sĩ bảo ông sẽ sống.

Dịp tháng 7 vừa qua, các con của nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng nhiều nghệ sĩ yêu mến vị nhạc sĩ tài hoa đã gấp gáp tổ chức một đêm nhạc riêng về ông có tên gọi “Khúc hát phiêu ly”. Dù không nói ra nỗi lo lắng của mình, song có lẽ ai nấy đều hiểu tình thế sức khỏe “ngàn cân treo sợi tóc” mà ông đang gặp phải. Vậy nên nếu không làm bây giờ thì biết đến bao giờ ông mới có một đêm liveshow thực thụ của riêng mình. Đây cũng được xem là món quà tinh thần tiếp thêm sức mạnh để ông vượt qua cơn bạo bệnh. Lần đó, ông chỉ có thể xem livestream đêm diễn từ trên giường bệnh, song không quên gửi lời cảm ơn tới mọi người, đồng thời bày tỏ quyết tâm “chắc chắn, rất chắc chắn tôi sẽ trở lại”…

2. Các nhạc sĩ nổi tiếng có tên trong “Bộ tứ sông Hồng”, dù mức độ khó tính đều như nhau, nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương được 3 người còn lại (gồm các nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường) đồng lòng gán cho biệt danh: “gàn”. Đỉnh cao của sự “gàn” ấy là việc ông bỏ ngang viết nhạc để trở thành người tiên phong ở Việt Nam đi lo “đòi” tiền bản quyền cho giới làm âm nhạc, lập ra Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Thời điểm ấy, nhiều người bảo ông “gàn dở”, thà cứ chuyên tâm vào sáng tác còn hơn tự dưng đi lo việc tác quyền liên quan đến đủ thứ tiền nong nhì nhằng. Về phần mình, sau này ngẫm lại, nhạc sĩ Phó Đức Phương trong một cuộc trò chuyện với Báo An ninh Thủ đô thẳng thắn giãi bày. Ông tự bảo: “Mình đúng là “gàn thật” chứ không phải là “gàn dở” đâu”. Nhẩm tính ra, suốt hơn chục năm đeo đuổi việc tác quyền, ông có thể đã mất đi vài chục bài hát có thể gọi là “để đời” cho mình, mất đi rất nhiều cơ hội để cho ra đời những sáng tác mới, nhưng không sao cả, bởi vì ông chỉ nghĩ đơn giản: “Đời người mà, biết thế nào là đến cùng đâu”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự, ông từng phải đấu tranh quyết liệt với chính cả người thân trong gia đình lẫn bạn bè tri kỷ chỉ vì mọi người lo cho ông nên dứt khoát phủ định chuyện ông đi làm tác quyền. Sau cùng, ông đổ tại: “Do cái số của mình nó thế thì làm thế nào?”. Rằng tử vi đã định ông đến đoạn đấy là phải dừng sáng tác để đi làm việc khác. Vậy là các cuộc tranh luận đành chấm dứt. Mãi sau, mọi người mới biết, ông viện cớ “trốn” vào đấy để khỏi ai miệt mài khuyên nhủ với ngăn cản ông đi làm tác quyền, chứ kỳ thực ông có biết tử vi của mình nó như thế nào đâu.

Nhà văn Trần Thị Trường, người cộng sự thân thiết với nhạc sĩ Phó Đức Phương trong suốt quãng thời gian ông còn làm ở VCPMC chia sẻ, ngày ông quyết tâm khai phá lĩnh vực bản quyền âm nhạc tại Việt Nam, ông thậm chí còn phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí sẵn sàng cầm cố nhà cửa để có tiền trả lương cho nhân viên, duy trì bộ máy hoạt động của trung tâm. Rồi từ một người chỉ chuyên tâm viết nhạc, ông bỏ ra rất nhiều thời gian lẫn tâm sức để học và đọc đủ mọi thứ từ Luật Sở hữu trí tuệ, các Thông tư, Nghị định, tìm hiểu về việc hạch toán sổ sách tài chính kế toán… Thậm chí, ông còn rủ mọi người đi học thêm tiếng Anh vì không muốn mỗi lần đi họp hành ở nước ngoài lại phải nhờ người khác nói hộ, dịch hộ, rồi đọc hộ báo cáo. Rồi mặc kệ mọi người ngăn “già rồi, học ngoại ngữ khó vào”, ông vẫn kẽo kẹt vác sách vở đi học thật.

3.Trong lần hiếm hoi nói về mình, nhạc sĩ Phó Đức Phương thừa nhận, ông thấy mình hiền lành, quá hiền lành, ít nói là đằng khác. Nhưng người xưa vẫn nói, người càng hiền lành thì càng hay cục tính. Ông thuộc tuýp người chẳng nói gì bao giờ, nhưng hễ lúc nào “bùng” lên là y như rằng sẽ “nổ”. Sau gần 20 năm xa âm nhạc để lao vào lĩnh vực tác quyền, ông mới chịu trở lại với việc sáng tác. Vị nhạc sĩ gạo cội bày tỏ, ông quyết định nghỉ hưu vì cảm thấy cần phải trở lại với trách nhiệm của một nhạc sĩ, và đã đến lúc trao lại trách nhiệm lo việc tác quyền cho thế hệ tiếp theo. Ngay khi nghỉ việc ở VCPMC, ông lập tức nhận được rất nhiều lời mời viết nhạc và đầy hào hứng khi tái xuất trong lĩnh vực sáng tác. Người thân, bạn bè thì ai nấy đều mừng vì rốt cuộc ông cũng chịu nghỉ ngơi.

Những ngày cuối cùng của cuộc đời, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn tràn đầy khát khao và niềm tin vào cuộc sống. Ông từng nói với con gái, nếu ông mất thì ông muốn giai điệu ca khúc “Cùng một con đò” sẽ vang lên trong lễ tang. Đây là ca khúc từng được chính ông thể hiện trên sân khấu đêm liveshow kỷ niệm chặng đường 50 năm sáng tác của mình diễn ra cách đây 4 năm.

Vĩnh biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương, vĩnh biệt một người nhạc sĩ bậc thầy về sự tài hoa và cả sự lạc quan, hồn nhiên theo suốt một kiếp người. Xin được mượn lời ca khúc “Tửu ca” - một trong những bài hát ấn tượng được ông ra mắt sau này - với những câu hát như sự thả lỏng, buông bỏ đầy nhẹ nhõm:

“Thôi trút đi gánh nặng đường xa, ngược xuôi bôn ba

Nay ta về nhà ta

Đường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe

Nhà ta mênh mông, trăng tràn bốn bề…”.