Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời ở tuổi 91

ANTĐ - Sau ba ngày nhập viện vì suy hô hấp, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đã trút hơi thở cuối cùng vào 10h15 sáng nay (29-6) tại bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), hưởng thọ 91 tuổi.

Mấy ngày gần đây, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu thấy không được khỏe kèm sốt nhẹ. Ông bị xuất huyết và ngất xỉu tại nhà. Gia đình đã đưa ông nhập viện vào ngày 26-6 sau lời khuyên của bác sỹ tới thăm khám tại nhà. 

Biết tin nhạc sỹ bị ốm, các thí sinh và êkíp thực hiện chương trình “Tiếng hát mãi xanh 2015”, cuộc thi có sự hiện diện của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong vai trò giám khảo đã tới thăm ông. Nhạc sỹ vẫn tỉnh táo tiếp chuyện, thậm chí ông còn hóm hỉnh đùa vui cùng mọi người. Thế nhưng, đến tối ngày 28-6, ông đã rơi vào hôn mê sâu và không qua khỏi.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời ở tuổi 91 ảnh 1
Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu bắt đầu hoạt động âm nhạc từ rất sớm

Hiện, linh cữu nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu được quản tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM. 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (sinh 1924) tại Đà Nẵng, là người con thứ 11 trong một gia đình, cha làm thợ may. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm 40, trong nhóm Tân nhạc. SauTrầu cau, sáng tác của ông được biết rộng rãi là bài Ðoàn Giải phóng quân viết cuối năm 1945. Ðây là một ca khúc có giá trị trong giai đoạn đầu khởi nghĩa, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng, có ấn tượng rất sâu đậm trong mọi tầng lớp nhân dân.

Trong kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp, ông gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu V, viết một số ca khúc, như Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch, Quê tôi ở miền Nam, Mùa đông binh sĩ, Bài ca Thanh niên tuyên truyền xung phong...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời ở tuổi 91 ảnh 2
Âm nhạc của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu có giai điệu chau truốt, trữ tình


Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc Vũ, Hội Văn nghệ VN. Năm 1957, khi thành lập Hội nhạc sĩ VN, ông được cử vào Ban chấp hành là Uỷ viên Thường vụ và công tác tại Hội. Tháng 12-1964, ông vào chiến trường Trung Trung Bộ, ở trong Ban Văn nghệ khu. Bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang đã là giai điệu thôi thúc những người lính khu V ngày ấy. Sau khi thống nhất đất nước, ông chuyển về Hội âm nhạc TP.HCM làm việc và sáng tác.

Âm nhạc của ông có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc nhưCuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm (Thơ Bùi Công Minh). Ông có nhiều thành công khi viết về đề tài tình yêu đôi lứa trong tình cảm chung của dân tộc: Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơ-nia (thơ Ngọc ánh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thuý Bắc), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh).

Ông còn là tác giả những bài hát cho lứa tuổi thiếu nhi được yêu thích như: Nhớ ơn Bác, Ðội kèn tí hon, Những em bé ngoan... Phan Huỳnh Ðiểu là một trong những tác giả tân nhạc đầu tiên và bút pháp vẫn sung sức cho đến tận ngày hôm nay. Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vì những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam.