Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: "Điên, nhạy cảm nhưng vẫn phải tỉnh táo"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuốn sách "Người trong muôn nghề: Ngành Sáng tạo & Nghệ thuật có gì?", nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã có bài viết chia sẻ về nghề nhạc sĩ sau hơn 20 năm gắn bó với âm nhạc. Theo đó, anh khuyên cách bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời, nếu chọn theo con đường viết nhạc thì cần phải "điên, nhạy cảm nhưng vẫn tỉnh táo" và "hãy yêu đi".

Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, là nhạc sĩ sáng tác cần biết chấp nhận ở mức độ tương đối. Nhạc sĩ sáng tác ra nhưng chưa chắc đã là người quyết định 100% thành công của một tác phẩm. Có nhiều bài hát, anh cực kỳ tâm đắc nhưng khi ra mắt lại không được đón nhận bằng những bài hát anh không để ý đến. Chẳng hạn, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh không thích bài hát "Dẫu có lỗi lầm" lắm, nhưng đó lại là một trong bài hát làm nên tên tuổi của Hồ Hoài Anh. Nhạc sĩ cũng không quá thích bài "Tết xuân" nhưng đến nay, mọi người vẫn yêu thích bài nhạc đó.

Phần bài viết về nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong cuốn sách "Người trong muôn nghề: Ngành sáng tạo & Nghệ thuật có gì?"

Phần bài viết về nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong cuốn sách "Người trong muôn nghề: Ngành sáng tạo & Nghệ thuật có gì?"

Lý do Hồ Hoài Anh khuyên những ai đặt chân vào con đường sáng tác âm nhạc không nên quá cầu toàn là vì, đôi khi công chúng quá dễ dãi, thiếu chiều sâu, dễ nghe dễ quên. Người ta có quá nhiều thứ để nghe, thành ra nếu âm nhạc của bạn không có gì đặc biệt sẽ sớm bị rơi vào quên lãng.

Hơn nữa, việc giáo dục âm nhạc ở các trường phổ thông ở Việt Nam chưa được đầu tư một cách đúng đắn, dẫn đến hệ quả là khả năng cảm thụ nghệ thuật của người Việt còn thô sơ. Có nhiều sản phẩm âm nhạc đột phá, mới mẻ nhưng lại quá kén người nghe, không được công chúng đón nhận đúng với chất lượng của nó.

"Chúng ta vẫn chưa thể so sánh với các nước phát triển, khi con em của họ từ nhỏ đã biết thưởng thức một bức tranh đẹp, một bài nhạc hay, đã biết đến những họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Ở Việt Nam, người ta vẫn đánh giá con người dựa trên sự giàu có: Tiền bạc, xe hơi, nhà lầu... thay vì đánh giá học thức, cách sống, đời sống tinh thần hay sự hạnh phúc. Đương nhiên, mọi chuyện có thể thay đổi theo hướng tốt lên nhưng đó là cả một lộ trình trong tương lai dài", nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đánh giá.

Bên cạnh những chia sẻ về sáng tác âm nhạc để không đi vào lối mòn, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đưa ra những tố chất của một nhạc sĩ. Đó là điên, nhạy cảm nhưng vẫn đủ tỉnh táo. Chẳng hạn, ngoài thời gian sáng tác, anh cho phép bản thân có thời gian nghỉ ngơi để đầu óc thoải mái, thong thả quan sát cuộc sống. Nhiều khi lang thang ngoài đường, chợt nghĩ ra một giai điệu, ý tứ nào đó, anh lưu lại ngay bằng điện thoại rồi về nhà hoàn thiện sau.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

"Ngoài điên, nhạy cảm, các bạn cũng cần liên tục cập nhật các xu hướng mới, biết cách xây dựng hình ảnh cá nhân, biết làm truyền thông cho những sản phẩm âm nhạc của mình. Thời nay, khó để thành công nếu bạn chỉ biết duy nhất việc sáng tác. Có một bài hát hay, bạn còn cần biết cách dẫn dắt để bài hát đó len lỏi vào cuộc sống", Hồ Hoài Anh nói.

Cũng theo nhạc sĩ "Dẫu có lỗi lầm", nếu các bạn trẻ theo đuổi con đường này một cách nghiêm túc, hãy yên tâm, chỉ cần bạn có năng lực thật sự không sẽ bao giờ thiếu việc. Ngoài việc sáng tác ca khúc còn có rất nhiều nhu cầu sáng tác khác như: Nhạc quảng cáo, nhạc múa, nhạc nhảy, nhạc cho các cơ quan đoàn thể, cho các khối văn công chuyên nghiệp...

Hơn thế, về danh vọng, giàu sang, điều mà ai cũng mong muốn chạm tới, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đã thẳng thắn chỉ ra rằng, ở Việt Nam, thực sự chưa có nhạc sĩ nào giàu có cả. Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên trong từ "nhạc sĩ" lại có chữ "sĩ". Hầu như ông nhạc sĩ nào cũng nghĩ mình giàu, mặc dù chả có gì trong túi. Cá nhân anh chưa bao giờ nghĩ rằng mình giàu sang phú quý nhưng anh tự tin có thể sống tốt với nghề, vậy là đủ.

Nhớ lại khoảng thời gian vừa tốt nghiệp đại học, Hồ Hoài Anh được mẹ cho một căn phòng riêng ở nhà, đủ để làm một phòng thu vỏn vẹn 40m2. Anh mua máy tính, mua micro, mua một vài thiết bị khác, làm một home studio thu âm cho các ca sĩ. Cùng lúc, anh tham gia dựng bè, hát bè, sáng tác nhạc, hòa âm, thỉnh thoảng đi diễn. Cuộc sống lúc đó còn nhiều khó khăn nhưng anh tích cóp để cùng mẹ mua một căn nhà nho nhỏ để ở riêng.

Điều nhạc sĩ rút ra sau 20 năm gắn bó với âm nhạc là hãy cứ hết làm với đam mê, rồi một ngày đẹp trời, ánh đèn sẽ rọi tới.

"Tôi là một người như thế. Những ai từng học cùng tôi sẽ thấy tôi là người cực kỳ đam mê. Trong lúc bạn bè đi chơi, tôi ở nhà mò mẫm học nhạc, làm nhạc. Cứ đam mê rồi cuộc đời sẽ nở hoa. Tôi thấy câu này có lý đấy chứ! Tự nuôi dưỡng cảm xúc yêu thương, đam mê, quyết tâm rèn luyện, và cuối cùng cộng thêm chút may mắn, rồi một sớm mai nào đó, bạn sẽ có những giai điệu và ca từ không thể lãng quên. Đừng ngồi mãi một chỗ phân vân, tính toán mà chẳng dám bắt đầu. Âm nhạc nhân từ và bao dung lắm, rồi bạn sẽ được đón nhận, vỗ về", điều nhạc sĩ Hồ Hoài Anh tâm đắc

Cuốn sách "Người trong muôn nghề: Ngành sáng tạo & Nghệ thuật có gì?" tập hợp 25 bài viết chứa đựng những chia sẻ của các tác giả – những người trực tiếp hoạt động trong các vị trí liên quan đến sáng tạo - nghệ thuật. Họ ở đủ mọi độ tuổi, vị trí công việc, từ những người mới vào nghề tới những người dày dạn kinh nghiệm, từ người là con nhà nòi cho đến những người trái ngành như nghệ sĩ piano Trang Trịnh, Youtuber 1977 Vlog Trung Anh, đạo diễn Đạt Phi, giám tuyển mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn...

Cuốn sách đưa độc giả vào thế giới đa dạng của những công việc như ca hát, sáng tác/sản xuất âm nhạc, lồng tiếng, thiết kế, vẽ tranh, creative director, đạo diễn, văn chương... cho đến những công việc mới gần đây như: Game thủ chuyên nghiệp, Streamer, YouTuber, TikToker...

Cuốn sách do NXB Thế giới phối hợp cùng Spiderum - mạng xã hội chia sẻ kiến thức kết hợp cùng với TopCV - nền tảng công nghệ tuyển dụng phát hành.