- Biến đau thương thành hành động, Công an Hà Nội bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hà Nội bố trí nhiều tổ y tế phục vụ Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Người dân gửi lời chia buồn, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên Sổ tang điện tử VNeID
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm hiểu biết sâu rộng về tri thức, trong đó, ông hiểu sâu và tường tận về các loại hình văn hóa, các loại hình văn học nghệ thuật và đặc điểm của từng lĩnh vực từ văn chương, thơ ca, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật.
Từ những năm cuối của thế kỷ 20, khi dự những hội nghị quan trọng của Hà Nội và Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những bài phát biểu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa nói chung cũng như văn học nghệ thuật nói riêng. Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ của cả nước. Ông đã đặt ra vấn đề về lý luận và thực tiễn đối với văn hóa văn học nghệ thuật và nhấn mạng vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, văn học nghệ thuật ngày hôm nay, tiếp nối truyền thống của hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Tiếp thu tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây nền văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh việc phải đưa văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế.... đến độ gần như là chiến lược phát triển về văn hóa.
Riêng đối với văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư không chỉ ghi nhận những thành quả của nền văn học nghệ thuật Việt Nam từ trước đến nay, mà còn luôn nhắc đến những điểm hạn chế mà văn học nghệ thuật phải khắc phục, vượt qua. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 25/11/2021 và sau đó là bài phát biểu rất quan trọng trong lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam vào ngày 25/7/23, Tổng Bí thư bày tỏ sự trăn trở là làm sao để có được những tác phẩm VHNT xứng tầm, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, rung động lòng người và sống lâu trong nhân dân. Đó không chỉ là trăn trở, là lời nhắc nhở, là câu hỏi mà là một nhiệm vụ và khi muốn xây dựng 1 nền văn học nghệ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc rất cần phải có những tác phẩm và những tác phẩm đó là nằm trên vai những văn nghệ sỹ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự chương trình "Xuân quê hương" năm 2019 |
Bên cạnh đó, đối với phương hướng chỉ đạo về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những tư tưởng rất sáng suốt và có tính chiến lược lâu dài. Đó là phát huy nền văn hóa, xây dựng nền văn hóa một cách toàn diện và đồng bộ. Bên cạnh đó cần phát huy được vai trò chủ thể của văn hóa là nhân dân và đề cao vai trò của những văn nghệ sỹ, trí thức là những người sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật đó. Tổng Bí thư cũng nhắc nhở, hiện chúng ta còn yếu về cán bộ quản lý, ở những người làm công tác trực tiếp để vận hành văn hóa.
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra sâu sắc nhất là, chúng ta phát triển văn hóa với mục đích tối thượng là vì con người. Nếu chúng ta phát triển văn hóa mà không hướng tới con người, không xây dựng chuẩn mực con người mới thì lúc đó văn hóa của chúng ta không có động lực để phát triển.
“Vậy là chúng tôi đã thấm nhuần tư tưởng đó là phát triển văn hóa phải gắn với con người. Trong đội ngũ để phát triển, nhiều lần Tổng Bí thư đã nói là phải quan tâm đến thế hệ trẻ. Đó là những người có tâm hồn nhưng phải có nhân cách và phải xác định đúng vị trí đứng của mình trong xã hội và cách nhìn đúng đắn với xã hội. Chúng tôi vô cùng thấm thía những ý đó. Đó chính là đường lối tư tưởng chỉ đạo của bác đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật của chúng ta. Văn hóa phát triển con người và trong con người ngoài tài năng ra cần có nhân cách, có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn… đó là bài học lớn”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận thấy ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sự tinh tế trong ứng xử, đó chính là biểu hiện cao nhất của văn hóa. Trong tất cả các cuộc gặp gỡ, cho dù đó là hội nghị, cho dù đó là cuộc gặp gỡ đầu năm hay trong một lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư đều có thái độ vô cùng chân thành ấm áp, làm cho khoảng cách giữa ông với văn nghệ sỹ, trí thức hầu như bị xóa nhòa. Trong lòng văn nghệ sỹ, trí thức chúng tôi, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ngoài mất đi một vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, của nhân dân còn mất đi một người anh cả của nền văn hóa của Việt Nam.
Trước tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cùng tư tưởng của ông đã trở thành những cẩm nang về văn hóa đối với văn nghệ sỹ và chỉ cần đọc những bài viết, những chỉ đạo của Tổng bí thư, ta thấy một phần trong cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dành cho văn hóa.