Nhà vệ sinh trường học - nỗi ám ảnh tuổi học trò (2): Trường nội thành cũng "khóc"

ANTD.VN - Dù được trang bị hiện đại hơn nhiều trường học ở xã, huyện nhưng khu vệ sinh trong trường nội thành cũng vẫn là nơi mà học sinh muốn tránh xa. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ chất lượng khu vệ sinh xuống cấp nhanh chóng vì quá tải và thiếu nguồn nước cung cấp làm sạch. 

Hà Nội tập trung đầu tư cải thiện hệ thống nhà vệ sinh và nguồn nước trong trường học

Sợ nhất là lớp sát khu vệ sinh

Đầu năm học, một trong những điều không vui nhất với học sinh, giáo viên là bị phân công vào phòng học nằm gần khu vệ sinh. Điều này là không thể tránh khỏi bởi theo thiết kế xây dựng trường học cao tầng, mỗi tầng phòng học phải bố trí một khu vệ sinh cho học sinh nên sẽ có lớp học phải nằm sát khu vực này.

“Năm học nào tôi cũng nhận được phản ánh nhiều nhất của phụ huynh là con em họ phàn nàn về mùi khai bốc ra từ khu vệ sinh, đặc biệt là vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhu cầu đi vệ sinh nhiều, các phòng vệ sinh đều quá tải dù lao công đã tăng cường dọn dẹp nhưng vẫn không tránh khỏi mùi khai nồng nặc xông vào lớp học. Cả học sinh lẫn giáo viên đều khổ khi học ở những lớp học sát khu vệ sinh như vậy”, cô Nguyễn Thúy Minh, giáo viên một trường tiểu học quận Đống Đa chia sẻ.

Thực tế, khu vệ sinh ở trong các trường học nội đô thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Vào giờ ra chơi, với khoảng 1.000 học sinh có mặt ở trường, mỗi lớp trung bình có vài học sinh đi vệ sinh thôi cũng đủ khiến nhà vệ sinh phải tải khoảng vài trăm lượt sử dụng. Trong khi đó, điều kiện điện, nước nhà vệ sinh lại thường xuyên thiếu thốn, bất tiện.

Em Nguyễn Tiến Dũng, học sinh một trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết, khu vực đi tiểu của nhà vệ sinh nam phải dùng xô để hứng nước dội sau khi đi vệ sinh. Tuy nhiên, do vòi nước chảy nhỏ, nhiều học sinh không đủ kiên nhẫn chờ để dội nước dẫn tới khu vệ sinh thường xuyên có mùi không dễ chịu.

Tình trạng cấp thoát nước trong các khu vệ sinh sau một thời gian sử dụng nhiều nơi đã bị hư hỏng. Có trường chỉ 4 năm sau khi nhận bàn giao, khu vệ sinh của học sinh đã bị hỏng đường thoát nước.

“Sàn nhà vệ sinh ngập nước khiến nhiều em đứng từ ngoài cửa đi vệ sinh cả lên tường, lên cửa. Thầy cô bắt được thì học sinh kêu là nhà vệ sinh quá bẩn, nước lênh láng, không thể bước vào trong nên đành giải quyết kiểu “bất đắc dĩ” như vậy ”, cô Nguyễn Thúy Minh kể lại.

Bẩn vì quá tải và thiếu ý thức

Phải thừa nhận nhiều trường học ở Hà Nội đã xây dựng lâu năm ở vào thời điểm số lượng học sinh chưa đông nên số nhà vệ sinh chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức thấp. Khi số học sinh tăng mạnh, trường chỉ cố gắng để có thêm chỗ học đã đủ mệt thì việc bố trí đủ nhà vệ sinh là điều bất khả thi.

Theo quy định của Bộ Y tế về vệ sinh trường học, bình quân từ 100-200 học sinh trong một ca học phải có 1 hố tiêu. Với các trường tổ chức bán trú, nội trú đảm bảo bình quân 25 học sinh có 1 hố tiêu.

Trên thực tế, điều này còn quá xa vời với các trường học ở nội thành. Nhiều trường nội thành có bán trú ở Hà Nội, nhất là trường tiểu học đều có số lượng học sinh trong lớp lên tới 50-60 học sinh thì quá tải nhà vệ sinh là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là ý thức sử dụng khu vệ sinh công cộng của học sinh phần nhiều còn kém. Trường hợp học sinh “quên” không giật, dội nước sau khi đi vệ sinh dường như khá phổ biến. Việc vứt bỏ giấy, rác đúng chỗ cũng không được tuân thủ khiến nhiều nhà vệ sinh như một bãi rác bốc mùi sau mỗi giờ ra chơi.

Em Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận, nhiều bạn rất thiếu ý thức khi sử dụng nhà vệ sinh trong trường vì cho là đã có bộ phận lao công lo quét dọn. Tuy nhiên, một lao công không thể quản tất cả các khu vệ sinh trong trường để lúc nào cũng sáng bóng, sạch sẽ. “Em và các bạn đã có dịp tham quan trường song ngữ Wellspring. Riêng khu vệ sinh ở đây thực sự rất sạch. Thế mới biết, không phải trường nào khu vệ sinh cũng là “ác mộng” của học sinh”, em Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Cô Trần Thị Hải Yến, Giám đốc Điều hành trường THCS Alpha cho biết: “Việc giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh rất quan trọng. Trường có đầu tư đến đâu về cơ sở vật chất nhưng với hàng trăm người sử dụng thì cũng sẽ hỏng hóc, xuống cấp nếu không có ý thức. Hiện trường này vẫn thỏa thuận với phụ huynh, trường hợp phát hiện học sinh mắc lỗi, không giữ gìn vệ sinh chung thì phải phạt, trong đó có hình thức tự dọn dẹp nhà vệ sinh”. 

Có thể thấy, cùng với việc đầu tư, nâng cấp khu vệ sinh trường học thì rõ ràng học sinh cần được nhắc nhở nhiều hơn về việc giữ gìn vệ sinh trường lớp nói chung. Việc Hà Nội có đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho khu vệ sinh trường học trong năm học tới mới chỉ khắc phục tình trạng xuống cấp, hỏng hóc nhưng sẽ không thể duy trì lâu dài nếu học sinh không được phụ huynh, thầy cô có biện pháp nhắc nhở, chịu trách nhiệm về vệ sinh môi trường trong trường học.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, cá nhân ông đã nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc học sinh phải nhịn đi vệ sinh ở trường, do khu vệ sinh trường học không đảm bảo. Để khắc phục vấn đề này, dự án cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học đã được khởi động với việc đặt hàng hệ thống toilet riêng cho học sinh.

Cùng với đó, hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư, nhằm đảm bảo đủ nước uống hàng ngày cho các em. Thời gian tới, dứt khoát trường học của Hà Nội phải có nước sạch, có khu vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.