Nhà vệ sinh trường học - nỗi ám ảnh tuổi học trò (1): Trường chuẩn "trắng" nhà vệ sinh

ANTD.VN - Với quy mô phổ biến trên dưới 1.000 học sinh, thậm chí có trường lên tới con số trên 2.000 học sinh, khu vệ sinh ở các trường học tại Hà Nội chưa bao giờ đủ đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế (bình quân 100 học sinh một hố tiêu). Tình trạng thiếu nước sạch, quá tải nhà vệ sinh khiến học sinh luôn coi khu vực “giải quyết nỗi buồn” là "ác mộng" trường học.

Nhà vệ sinh trường Tiểu học Tự Lập không còn tường nguyên vẹn

Cô, trò đều ngán ngẩm

Trường Tiểu học Tự Lập, huyện Mê Linh đã được công nhận chuẩn quốc gia từ giai đoạn 1996-2000 khi huyện này còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi Mê Linh đã sáp nhập về Hà Nội được hơn 8 năm, giáo viên trong trường vẫn không có khu vệ sinh riêng.

Khu vệ sinh của cả thầy và trò chỉ là một khoảnh đất hoang đầy cỏ lác, được che chắn tạm bợ bởi những bức tường rêu phong, đổ nát. Mặc dù các bác lao công ở đây đã rất cố gắng nhưng với hệ thống cũ nát, không đủ nguồn nước, việc đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ khi học sinh tựu trường là điều bất khả thi.

Cô Vũ Thị Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tự Lập A cho biết, ngày 15-8, trường đã có tờ trình gửi các cấp quản lý để xin kinh phí tu sửa hệ thống cơ sở vật chất khi năm học mới đã cận kề. “Trường có 2 dãy nhà 12 phòng học và 8 phòng học xây từ trước năm 1990, thì đều xuống cấp rất nghiêm trọng. Phòng học nứt, thấm trần, 35 bộ cánh cửa đã tung hết. Hệ thống điện luôn trong tình trạng mất an toàn, mưa xuống là ngập nước, giáo viên, học sinh phải chuyển xuống phòng hội đồng. Lớp học bị rò nước nên cứ mưa là học sinh phải tát nước ra ngoài"- cô Vũ Thị Thủy cho biết.

Nhà vệ sinh trường Tiểu học Việt Long không thể sử dụng trong tình trạng này

Tình trạng xuống cấp kéo dài cùng sự thiếu thốn của hệ thống lớp học, phòng chức năng, khu vệ sinh... của các trường như Tự Lập A đã kéo dài từ nhiều năm nay. “Nhà trường rất mong thành phố quan tâm, hỗ trợ bởi việc đảm bảo môi trường học tập an toàn, vệ sinh cho học sinh là yêu cầu tối thiểu” - cô Thủy cho biết. Được biết, huyện Mê Linh đã thành lập các đoàn khảo sát và đưa điểm trường này vào dự án cải tạo. Tuy nhiên, trước mắt, trong năm học mới này, việc đầu tư, cải tạo một khu vệ sinh mới cho nhà trường chắc không thể kịp.

Có cũng không dùng nổi

Hiện tại, ở các vùng nông thôn, nhà vệ sinh trường học vẫn còn quá ít và quá bẩn, thậm chí không có. Nỗi khổ khó nói của giáo viên, học sinh trường Tiểu học Việt Long, một trong những trường khó khăn nhất nhì huyện huyện Sóc Sơn, chính là có nhà vệ sinh mà không dùng được. Cô Nguyễn Thị Vọng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được xây dựng từ những năm 1990 của thế kỷ trước và đã xuống cấp nghiêm trọng. Khu vệ sinh cũng nằm trong tình trạng chung.

Tận mắt “thâm nhập” khu vực này, phóng viên ghi nhận, khu vệ sinh của trường học này chỉ là 2 hố tiêu tắc nghẽn, đen ngòm. Lối ra vào cỏ mọc kín, gần như không có lối đi vì không ai đủ can đảm sử dụng. Khó có thể hình dung hơn 600 học sinh tiểu học cùng các thầy cô hàng ngày ở trường phải đối mặt với hệ thống vệ sinh tồi tàn đến vậy.

"Đường nước cấp yếu do dùng ống nhựa tự dẫn. Nền khu vệ sinh không đảm bảo, nước bị đọng do cống thoát bị tắc. Trường đã nhiều lần đề xuất được cấp kinh phí để cải tạo cơ sở vật chất bởi với khoản chi thường xuyên ngân sách cấp hàng năm không đủ cho những khoản lớn như vậy. Chúng tôi đã đề xuất thay toàn bộ hệ thống vệ sinh xổm thành bệt, giải quyết tình trạng nước đọng” - cô Nguyễn Thị Vọng cho biết.

 Không chỉ khu nhà vệ sinh, hệ thống cơ sở vật chất của trường Việt Long đã xuống cấp nghiêm trọng, đa số lớp học bị dột, thấm, nứt trần. Nhiều lớp học ẩm mốc, nước nhỏ giọt thành vũng, chảy từ trong lớp ra hành lang sau các trận mưa lớn mấy ngày nay. Bước vào trường, chúng tôi chưa nhìn thấy một chút khởi sắc nào để bước vào năm học mới.

Cô Nguyễn Thị Vọng cho biết, trường không đủ điều kiện để phục vụ học sinh học bán trú ăn nghỉ trưa tại trường. Cũng may là học sinh ở đây đều ở gần trường nên ngày nào cũng đi bộ hay đạp xe 4 lượt đến trường. Chứng kiến cơ sở vật chất cùng khu vệ sinh "không còn gì để nói" của ngôi trường này, chúng tôi nghĩ, quá khó để các em học sinh có thể thích nghi, gắn bó hay thân thiện với một môi trường sư phạm như vậy.

Được biết, việc rà soát lại toàn bộ các khu vệ sinh trường học trên địa bàn đã được huyện Sóc Sơn thực hiện với dự kiến cần đầu tư khoảng 13 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, có lẽ, nhiều trường không còn kịp “nâng đời” trước khi bước vào năm học mới 2016-2017.

Bài 2: Trường nội thành cũng “khóc” vì nhà vệ sinh