Nhà văn Vũ Bão: “Làm mưa, làm bão, làm… giời”

ANTĐ - Nhà văn Vũ Bão đi Quảng Ninh  dự lễ “hợp long” cây cầu thế kỷ, trên đường về, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 11h15 ngày 30-4-2006 (ngày mồng 3, tháng 4, âm lịch) đúng trên mảnh đất đã sinh ra ông. Giờ khi nhắc đến Vũ Bão, người ta nhớ nhất cách nói chuyện hóm hỉnh, cách pha trò có duyên và tiếng cười luôn nổ giòn như pháo...

Người ngay sợ...  kẻ gian

Tên khai sinh Phạm Thế Hệ, nhưng lại ký bút danh là Vũ Bão. Khi ông Hệ lấy bút danh này, cũng lắm chuyện đáng nói. Đầu tiên là sự không bằng lòng của ông bố.  Sau khi biết “ông con” có truyện đăng báo, in sách, lấy bút danh Vũ Bão, ông cụ có vẻ bực mình. Một lần, ông cụ gọi Vũ Bão đến, bảo: “Ông nội đặt tên cho mày, sao mày lại chọn cái tên nhố nhăng như thế?”. Vũ Bão vội cãi, lấy họ Vũ là vì ông phục tài văn chương của Vũ Trọng Phụng. Lấy tên Bão, vì ông muốn dùng một từ “Nôm”. Nghe thấy thế, ông cụ càng tức: “Đúng là dốt cả Hán lẫn Nôm, bởi “bão” cũng vẫn là chữ Hán (“Thực vô cầu bão” -  Ăn chẳng cầu no).

Không cãi nổi ông bố, Vũ Bão định bỏ bút danh, thì đúng lúc cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của ông bị ba, bốn tờ báo lớn cùng “đánh” tơi bời... Lúc này Vũ Bão nghĩ thầm, nếu đổi bút danh chẳng hoá ra sợ? Chẳng hoá tự nhận là sai? Bởi thế, ông quyết giữ bằng được bút danh cũ, không đổi chác gì nữa.

Hồi mới in cuốn Sắp cưới, tên tuổi Vũ Bão nổi như cồn. Có một chuyện thật trớ trêu. Khi nữ nhà văn Mộng Sơn đi thực tế xuống Nhà máy Dệt 8/3, ông thư ký công đoàn nói với chị: “Anh Vũ Bão cũng làm việc ở đây, biết chị về công tác, chắc anh ấy vui lắm”. Khi gặp “Vũ Bão”, chị Mộng Sơn biết ngay là ông thư ký công đoàn nhầm, nhưng với cách ứng xử thanh lịch của người Hà Nội, chị Mộng Sơn vẫn thăm hỏi chuyện sáng tác của anh “Vũ Bão” kia, cho khỏi ngượng. Ở Hội Văn nghệ Hà Nội (nay là Hội Nhà văn Hà Nội) tôi có nhiều kỷ niệm với Vũ Bão. Tôi nhớ nhà Vũ Bão ở Ngọc Hồi. Khi bà Phong (vợ ông Bão) sinh con trai thứ, ông Bão nhờ tôi đóng cho cái cũi bằng gỗ. Cũng là thứ gỗ tận dụng lấy từ các thanh giát giường cũ. Mấy chục năm sau, khi Thư (con ông Bão) đã có vợ, có con, ông Bão vẫn còn nhắc đến cái cũi. Mỗi khi tôi đến chơi, ông lại gọi Thư ra và bảo:  “Chú Châu đóng cho mày cái cũi đấy. Còn nhớ không?”. Cậu con trai chỉ biết gãi tai, cười trừ. Thậm chí gần đây (2012) khi tôi đến nhà chơi, bà Phong lại gọi đứa con gái của Thư ra và bảo: “Ngày xưa ông Châu đóng cũi cho bố mày đấy. Biết chưa?”.

Vũ Bão nổi tiếng vui tính, pha trò có duyên. Hễ ở đâu có tiếng cười nổ giòn như pháo, thì mọi người biết ngay nơi đó có ông Vũ Bão. Lại có một giai thoại về cái tên ông Vũ Bão thế này. Chả là ông Vũ Bá Bão ở Hải Phòng bỗng nổi lên như một cây truyện ngắn ấn tượng. Khi ký tên cho tác phẩm của mình, ông (Bá) Bão bỗng nhận ra bút danh của ông lại trùng với một nhà văn đã rất nổi tiếng. Bởi thế ông đành phải lấy bút danh bằng cách “đảo ngược” tên mình, tức là Bão Vũ. Biết chuyện, ông Vũ Bão tủm tỉm cười: “Thật đúng là... người ngay sợ kẻ gian”. Sau này, hai ông vì thế rất thân nhau.

Lấp đầy chữ cái

Vũ Bão là người chịu đi, chịu viết. Ông thường ví mình là “Nhà báo không thẻ”. Ngay cả khi sức khỏe giảm sút, chân đi tập tễnh do biến chứng, ông vẫn thường xuyên đi thực tế và viết rất đều đặn. Có một giai thoại kể rằng, Vũ Bão phấn đấu viết tên đầu sách của mình đủ 23 chữ cái. Và ông đã đạt được điều đó.  Tò mò kiểm chứng xem là thực hay chỉ là giai thoại, tôi đã cất công sưu tầm và tập hợp gần đủ đầu sách theo vần A,B,C. Đó là các cuốn : Vần A có Ai đưa tôi đến chốn này; vần B có Bố con là đàn bà; vần C có Cô búp bê tóc mây;  vần D có Dòng tin; vần Đ có Đầu quay về hướng đông; Đừng gọi tôi là em; vần H có Hiệp sĩ…

Trong số đầu sách xuất bản, có một cuốn in rất sớm (1956) mà nghe tên, khối người phải giật mình Làm giời. Lại ký bút danh Vũ Bão, nên có người đã hóm hỉnh “bình” về ông: “Làm mưa, làm bão, làm… giời!”. Sau này khi hai tác phẩm Bút bi hết mực và Ông khóc tôi cũng khóc ra đời, người ta lại nối thêm thành một câu lục bát: Làm mưa, làm bão, làm... giời/ Bút bi hết mực, ông-tôi cùng... cười.

Sau khi Vũ Bão mất, các nhà xuất bản còn sưu tầm và cho in 2 trong số di cảo của nhà văn. Đó là cuốn tiểu thuyết Utô pi - Một miếng để đời và cuốn hồi ký Rễ bèo chân sóng, như để “lấp đầy khoảng trống” trong số 23 chữ cái. Tôi đã sắp đủ tên đầu sách từ chữ A đến chữ X. Chỉ riêng hai chữ i (i ngắn và i dài) là chưa tìm được. 

Có thể sách ông đã in. Hoặc có thể còn trong số di cảo. Dù sao thì với số đầu sách ông đã “trình làng”(đầu sách nhiều hơn số chữ cái) cũng chứng tỏ sức làm việc không biết mệt mỏi của ông - Một nhà văn mà những tác phẩm luôn sống trong lòng công chúng.