Nhà văn Trần Thị Trường: Không có sự chiếu cố nào với danh xưng "nhà văn vẽ"

ANTD.VN -Từng dang dở niềm đam mê với hội họa vì bộn bề lo toan cho gia đình, nhà văn Trần Thị Trường sau chuỗi ngày bén duyên với văn chương, đã đột ngột trở lại với bảng vẽ. Triển lãm “Những cảm xúc bằng màu” được các thành viên hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá là cuộc chơi chuyên nghiệp, chẳng xuất hiện một chút nghiệp dư nào ở đây hay một sự chiếu cố với danh xưng “nhà văn vẽ”…

Lần trở lại với hội họa, đối tượng miêu tả của bà hầu hết là những đồ vật có mặt trong đời sống của chị, hoặc phong cảnh mà bà gặp hàng ngày. Các bức vẽ mang phong cách châu Âu và đầy tính chuyên nghiệp ấy không phải tự dưng nhà văn Trần Thị Trường có thể thực hiện thành công chỉ trong thời gian ngắn. Bởi đó là một quá trình lâu dài, dù đứt quãng nhưng nền tảng và sự tích lũy kiến thức về mỹ thuật đã giúp bà lĩnh hội và nắm bắt nhanh chóng tinh thần của hội họa.

Tác phẩm trưng bày trong triển lãm "Những cảm xúc bằng màu"

Nhà văn từng học hội họa từ năm 15, 16 tuổi với các họa sĩ như Phạm Viết Song, Quang Phòng và thỉnh thoảng có những buổi đến giảng của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Năm 1973, dù đã có gia đình và chồng cũng là một họa sĩ nhưng bà vẫn dự thi vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và trúng tuyển. Tuy nhiên, để chồng được toàn tâm cho công việc, bà đã tạm dừng việc học mỹ thuật và lui về bên gia đình, vừa chăm lo cho con cái vừa lo toan cuộc sống.

Chỉ đến khi rời Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và hoàn thiện nốt cuốn tiểu thuyết, Trần Thị Trường mới sực  nhớ ra, bấy lâu nay, bà đang cất giữ một niềm đam mê. Nghĩ sao làm vậy, nhà văn lên mạng tìm thầy dạy mỹ thuật và nghiêm túc đến lớp học vẽ như một học sinh vừa chân ướt chân ráo đặt chân tới lãnh địa của màu và hình.

Nhà văn Trần Thị Trường

Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ, một họa sĩ đã nói với bà, làm nghệ sĩ vất vả nhưng hạnh phúc. Quả thực, khi trở lại với hội họa, được đắm mình trong thế giới của màu sắc và đường nét, nhà văn đã được kích hoạt nhiều chiều cảm xúc của văn chương và hội họa. Đó là sự thăng hoa kép của nghệ thuật ngôn ngữ và tạo hình.

Chỉ trong 6 tháng, bà đã cho ra đời hơn 40 bức tranh tĩnh vật, được người yêu hội họa và giới chuyên môn đánh giá cao. Có bức vẽ xong đã có ngay nhà sưu tập tìm đến. Triển lãm mới diễn ra ở ngày thứ 3 nhưng đã có 17 bức tìm thấy chủ nhân.

Thành quả ngọt ngào này tạo động lực để nhà văn cho ra đời các triển lãm tiếp theo. Bà cho biết, “Bản concerto số 1 của tôi đã hay rồi thì bản concerto số 2, số 3 có hay như thế nữa hay không, có còn giữ được cảm xúc tốt như hiện nay hay không, tôi không dám chắc. Nghệ thuật là như thế, nghệ sĩ hoang mang, lo lắng bao nhiêu thì lại có bấy nhiêu tự tin, đó là con đường không có đích đến, càng đi càng mở rộng tầm mắt nhưng cũng sẽ đóng lại nếu người nghệ sĩ không biết khai mở”.

Một tác phẩm tại triển lãm

Triển lãm là nơi bộc bạch cảm xúc của bà với người xem thông qua các đồ vật. Mà các đồ vật này cũng rất đặc biệt, đó là chiếc ấm đun nước, ký ức Hà Nội thời bao cấp. Khi vẽ bức tĩnh vật ấy, bà đã chuyên chở ký ức của một thời kỳ, đánh thức những kỷ niệm đã đi qua. Hay chiếc đèn cổ, chiếc bình vàng, bình bạc của nhiều gia đình quý phái ngày xưa. Nhà văn Trần Thị Trường đã khôn ngoan khi lựa chọn  đồ vật để vẽ tĩnh vật. Vì theo bà, một tác phẩm hội họa đẹp phải hội tụ đủ 3 yếu tố là màu, hình và nội dung. 2 yếu tố đầu bà đã vững, còn ở yếu tố nội dung, nhờ sự khôn ngoan, bà đã tạo ra cuộc đối thoại giữa người xem và tác phẩm. Đó chính là ký ức được gợi lên nhờ vào màu và hình.

Nhà văn bày tỏ: “Tôi cho rằng, mọi đồ vật xung quanh tôi đều có linh hồn, tôi vẽ cái linh hồn của nó, và tôi thấy nó rất đẹp”.

Triển lãm “Những cảm xúc bằng màu” diễn ra đến hết ngày 31-12 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.