Nhà văn Tô Hoài: “Phải nhân lên những điều tốt đẹp”

ANTĐ - Vẫn còn nhớ, cái hôm tôi được gặp nhà văn Tô Hoài là một buổi chiều, cuối tháng 9-2012. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp ông không phải để phỏng vấn hay xin ý kiến về những chuyện liên quan đến văn chương, mà để gửi ông nhuận bút cho những bài viết về Hà Nội của ông đăng trên chuyên mục “Văn hóa ứng xử người Hà Nội”.

Tác phẩm“Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả

1. Người ra mở cửa đón tôi là vợ ông, bà bảo, ông mới về Đoàn Nhữ Hài ở được mấy hôm, thường thì ông ở Nghĩa Đô. Gần đây, phần do tuổi tác, phần ông cũng phải sống chung với bệnh gout, rồi cả bệnh tiểu đường khiến  đầu gối ông luôn đau nhức, mắt cũng mờ đi. Việc viết lách vì thế trở nên cực kỳ khó khăn.

Tôi vẫn còn nhớ, hôm đó ông mặc một chiếc áo màu mỡ gà, ngồi dựa vào thành ghế, dáng thư thái. Ông vui vẻ hỏi tôi từ chuyện cơ quan, chuyện bếp núc nghề báo, chuyện nhà cửa rồi khi biết tôi cùng đồng hương Từ Liêm với ông, giọng ông xem ra phấn chấn hẳn lên, rồi cứ thế ông kể về mảnh đất Từ Liêm xưa tuyệt thế nào. Ông “điểm mặt” hết thảy những di tích ngàn tuổi ven hồ Tây, chuyện cũ có, mới có, làng có, phố cũng có. Có những lúc thẩn thơ ngồi nghĩ, tôi thấy mình phải cảm ơn cuộc đời này, cảm ơn cái nghề mà tôi và nhiều đồng nghiệp đã, đang dấn thân, chính nghề nghiệp đã cho tôi được tiếp xúc, được quan sát, đôi khi may mắn được chia sẻ với những con người tài năng vẹn toàn như Tô Hoài. Tôi cứ nhớ mãi nụ cười của ông. Nụ cười cùng cái nheo mắt vừa lão luyện tinh anh vừa chân thành thẳng thắn, vừa hài hước duyên dáng lại vừa như xóa đi được cái khoảng cách giữa ông và người đối diện. Trong làng văn, ngoài Tô Hoài ra, còn có cố nhà thơ Lê Đạt cũng có nụ cười thân thiện như thế.

2. Tô Hoài nói chuyện nhỏ nhẹ, nhưng giọng ông vang. Nhắc đến Tô Hoài, rất nhiều người nhớ đến con dế mèn láu lỉnh trong “Dế mèn phiêu lưu ký”, con dế mèn đã “chu du” tới 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và cuộc hành trình đến với trẻ thơ toàn thế giới. Cuộc chu du đó sẽ không dừng ở con số 40 tròn trĩnh kia. Với văn chương đương đại, Tô Hoài còn khẳng định tài năng ở rất nhiều tác phẩm khác. Cái dạo “Ba người khác” của ông ra mắt, tôi rùng mình khi đọc từng dòng, từng chữ của ông, hiện thực xã hội đầy rẫy nghiệt ngã. Hóa ra, phía sau hào quang bao giờ cũng rất lạnh lẽo. Lần gặp đó, tôi có hỏi ông, sẽ còn có “Ba người khác” nào nữa không. Ông lại nheo mắt cười nụ cười vô lo, thủng thẳng đáp: “Ừ thì có đấy!  Gần đây, tôi nghĩ nhiều về thời điểm trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thời tôi được sống và hành động. Tôi muốn viết về những gì mình đã thấy”. Không hiểu dự định đó của ông đã hoàn thành chưa. Rồi ông lại bảo, ông không còn điều gì tiếc nuối, việc gì định làm thì đã làm cả rồi, bây giờ chỉ ước sao mắt bình thường trở lại ông còn viết được nhiều điều nữa.

3. Là một nhà văn lớn, người đã có đóng góp quan trọng cho việc định hình văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng 8, nhưng Tô Hoài chỉ đơn giản nghĩ, việc viết lách của ông không to tát, chẳng ghê gớm gì. Nó cũng chỉ là một nghề như bao nghề khác. Điều cốt yếu của nhà văn theo quan niệm của ông là phải tinh thông và chăm chỉ tích lũy vốn kiến thức cho mình. Có lẽ cái sự chăm chỉ, tinh thông ấy đã tạo thành thói quen, bắt đầu từ việc chịu khó quan sát những gì đang diễn ra quanh mình từ lúc ông mới chỉ 10 tuổi, để rồi “Chuyện cũ Hà Nội”, một tập ký sự đặc sắc về đề tài Hà Nội ra đời. Rất nhiều người đánh giá, tập sách này như một  “Vũ Trung tùy bút” hiện đại. Với những câu chuyện giản dị, chi tiết nhẹ nhàng, câu văn ngắn, Tô Hoài đã đóng vai trò chứng nhân, kể đủ thứ chuyện về thành phố này, phác họa rõ nét cái thần thái của một thành phố nghìn tuổi, đô thị hóa gấp gáp, nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa hèn. Nói theo chữ của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì ở đó: “Có một Hà Nội nhố nhăng như thế thì cũng có một Hà Nội lầm than”.

4. Thấy tôi cứ hỏi tỉ mỉ về Hà Nội, bất chợt ông hỏi: “Này thế hóa ra cháu đang phỏng vấn à?”. Tôi vâng rồi cười, ông còn cười lớn hơn rồi vui vẻ: “Biết ngay mà!”. Rồi ông lấy ví dụ về sự thay đổi của Hà Nội chỉ qua Tết Trung thu. Trung thu xưa, trẻ con xâu hạt bưởi, múa sư tử, khắp phố nào đèn cù, đèn kéo quân, đèn ông sao. Giờ, trẻ con chơi toàn đồ chơi hiện đại nào máy bay, rồi súng ống… Người lớn thì coi đây là cái cớ để biếu xén, dễ bề mưu cầu lợi ích cá nhân. Giọng ông trầm xuống khi kể chuyện, rằng gần đây ông sợ ra đường, xem ti vi rồi đọc báo thấy nhiều vụ án kinh khủng quá. Tại sao lại cứ để những thứ bệ rạc đó lấn át nhỉ? Câu hỏi của ông chẳng phải là để hỏi mà như than thở về nhân tình thế thái. Rồi Tô Hoài lại chợt quả quyết: “Nhất thiết phải nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội chứ. Nhưng làm thế có khó quá không nhỉ?”. Có lẽ câu chuyện của ông và tôi chiều ấy còn kéo dài hơn nữa nếu như ông không bận tiếp một biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng, bởi chỉ mấy hôm nữa là đến Lễ kỷ niệm tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” tròn 70 tuổi. Chẳng hiểu sao khi gặp Tô Hoài, tôi lại cứ nghĩ rằng, thực ra ông rất giống chú dế mèn trong chính tác phẩm của ông, láu lỉnh và khôn ngoan. Đọc Tô Hoài, biết Tô Hoài, cuộc đời và tác phẩm của ông là minh chứng rõ nhất cho dòng chảy bền vững và quý giá của nghệ thuật và văn chương. Ra đi thanh thản ở tuổi 95, ông đã sống trọn vẹn một kiếp người, chuyện vui của ông nhiều người biết, chuyện buồn có hay không chưa bao giờ thấy ông nói ra. Một nhà văn có số phận như ông, kể cũng là xưa nay hiếm.

Nhà văn Ma Văn Kháng: Tôi là học trò của nhà văn Tô Hoài

Thế hệ nhà văn chúng tôi may mắn và vinh dự được sống cùng thời với nhà văn Tô Hoài, cùng đi trong đội ngũ do ông dẫn đầu, được hưởng nhiều phúc lộc lớn lao từ cuộc đời và văn chương của ông. Ông là nhà văn lớn. Ông là người thầy lớn. Tôi là người học trò được ông vỡ lòng những điều quan trọng nhất của nghề văn ngay từ khi khởi nghiệp. 

PGS.TS, họa sỹ Ngô Mạnh Lân, Nguyên Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam: Nhà văn Tô Hoài đã giúp tôi bước vào thế giới hoạt hình

Tôi có hân hạnh được vẽ minh họa tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài từ những năm 1958-1959 bằng tiếng Nga. Tác phẩm ấy giúp cho tôi hiểu, thêm yêu quý thế giới động vật, côn trùng và giúp tôi đi vào thế giới hoạt hình đầy ngộ nghĩnh một cách rất nhuần nhị và tự nhiên. Tôi rất biết ơn nhà văn Tô Hoài. Cũng từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, tôi tiếp tục bắt tay vào sản xuất nhiều bộ phim hoạt hình và minh họa nhiều tác phẩm văn học của ông. Khi nghe tin nhà văn Tô Hoài qua đời, trong lòng tôi cảm thấy buồn và tiếc thương.  
NSND Chu Thúy Quỳnh: Ông để lại những tác phẩm truyền đời

Tôi có nhiều lần được gặp gỡ nhà văn Tô Hoài. Ở ông luôn có sự hài hước, hóm hỉnh và uyên bác. Từ thời còn trẻ, những tác phẩm văn học của ông đã lôi cuốn và hấp dẫn tôi để khi lên chức mẹ, chức bà, tôi vẫn tìm mua tặng các con, các cháu. Những tác phẩm ấy có ý nghĩa giáo dục lớn lao đối với thế hệ trẻ. Vì thế, sự ra đi của nhà văn Tô Hoài là một mất mát lớn và tổn thất nặng nề cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Với cá nhân tôi, sự ra đi của một nhà văn tôi quý trọng và dành nhiều tình cảm để lại trong lòng tôi sự tiếc thương vô hạn. Xin gửi lời chia buồn đến gia đình nhà văn Tô Hoài, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam.

Xuất bản toàn bộ tác phẩm của nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài: “Phải nhân lên những điều tốt đẹp” ảnh 2
Cuốn sách “Chuyện cũ Hà Nội” đã được tái bản lần 2

Nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ của nền văn học Việt Nam ra đi để lại niềm tiếc thương và khoảng trống rất lớn trên văn đàn Việt. Là một nhà văn lớn thuộc thế hệ Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài dành cả cuộc đời cho sự nghiệp văn chương, tính đến nay những tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, ký, tiểu thuyết, kịch bản phim của ông... đã có đến gần 100 tác phẩm. Trước sự ra đi của ông, Phương Nam Book, đơn vị đã ký kết hợp đồng độc quyền xuất bản và phát hành toàn bộ tác phẩm của nhà văn Tô Hoài (trừ “Dế mèn phiêu lưu ký”) sẽ chuẩn bị việc ra mắt toàn bộ tác phẩm đó vào dịp giỗ đầu ông năm 2015 và sẽ phối hợp cùng Viện Văn học, Hội Nhà văn tổ chức cuộc hội thảo về cuộc đời, sự nghiệp và tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. 

Nhà văn Bằng Việt - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, lễ viếng nhà văn Tô Hoài bắt đầu 9h sáng chủ nhật, 13-7, tại nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Lễ truy điệu và an táng diễn ra cùng ngày tại nghĩa trang Thanh Tước.