Nhà văn Sao Mai và 3 người vợ trung thành

ANTĐ - Trong làng văn chương nước nhà, phải nói cố nhà văn  Sao Mai đáng được gắn “Sao” tình ái số 1. Chuyện nhà văn nọ, hay nhà thơ kia có hai vợ, vài cô nhân tình, chỉ là chuyện nhỏ, bởi lẽ, ít ai dám công khai. Chưa có nhà văn nào dám sống cùng một lúc với 3 bà, trong cùng một nhà, trong cùng một quê, trong cùng một tỉnh như Sao Mai.

Chuyện kể ra đã hơn nửa thế kỷ, nhiều người bán tín, bán nghi, ngỡ như giai thoại truyền miệng dân gian. Nhưng khi lần mò về Phú Thọ, rồi về tận gia đình nhà văn Sao Mai, tôi mới tỏ, thì ra không phải tin đồn.

Khi tôi đến, bà Lý, vợ thứ 3 của nhà văn, ở ngay thành phố Việt Trì, ra mở cửa, nheo mắt nhìn với sự hồ nghi, rồi hỏi cho rõ chuyện chuyển nhượng đất cát hay văn chương. Có lẽ vì nom tôi nửa tỉnh nửa quê, lại tuềnh toàng nên khó xác định vào loại nào, bà tuyên bố nếu hỏi mua nhà đất thì đứng ngoài cũng được, còn nếu chuyện văn chương thì mời vào. Khi tôi nói có anh Xuân Thu của Hội Văn nghệ Phú Thọ chỉ cho đến, bà mở toang cổng sắt mời vào nhà. Sau này tôi mới hay, bà Lý có tới mấy cái nhà và vài mảnh đất. Ngôi nhà xưa, chỉ 18 mét vuông, bà ăn ở với nhà văn Sao Mai tới 15 năm, lại ở nơi khác, cách đó vài trăm mét. Tuy nhiên bà vẫn kể rằng, ngôi nhà bốn tầng mà chúng tôi đang ngồi, nhà văn Sao Mai cũng đã từng ở, trước khi về quê dưỡng bệnh. Nói rồi bà lôi ra một cuốn album ảnh, tìm cho được vài tấm hình có chụp nhà văn Sao Mai ở ngôi nhà khang trang này một thời. Thực ra là bà muốn chứng minh, cho dù lúc cơ hàn hay phong lưu, bà luôn luôn yêu thương, tận tình với chồng. 

Hơn thế, bà còn thêm một lần nhấn mạnh rằng, bà yêu tài văn thơ và phong cách sống của một thần tượng như nhà văn Sao Mai, chứ của nả có gì, ngoài cái mác Phó chủ tịch Hội, nhưng lại nghèo rớt mùng tơi. Ấy thế rồi, bà kể một thôi một hồi về cái đận sống với bà sau 15 năm, nhà văn Sao Mai viết được những gì. Thơ ra sao, văn thế nào, mấy cuốn và mấy giải thưởng, bà nhớ vanh vách, vì chính bà còn nhiều đêm đọc bản thảo và chép lại không ít những trang viết trong cơn ốm đau của nhà văn Sao Mai, tại nhà bà. Nhiều người kêu bà đã rước “của nợ” về cho khổ cả đời, vì khi đó bà kém nhà văn tới hơn 30 tuổi. Nhưng bà chỉ cười, mặc kệ thiên hạ chê bai.

Khi hỏi về chuyện hai bà vợ trước của nhà văn Sao Mai, bà Lý cười hiền lành giải thích, đó là cái duyên của nhà văn, cũng là cái số đa đoan của chồng mình. Thì ra, bà biết rất rõ những năm tháng đầy cam go của nhà văn Sao Mai, cái đận 40 năm trước đó… Nghe bà Lý tâm sự tôi chợt nhớ câu chuyện một ông hai bà lếch thếch kéo nhau đi làm kinh tế mới trên báo chí, như chuyện cổ tích vậy. Ngỡ đâu là chuyện thơ mộng, một anh chàng nhà văn đẹp trai, mái tóc bồng bềnh, với hai cô gái thành phố dưới xuôi lên, xinh đẹp như hương như hoa, vậy mà đi làm ruộng, làm nương. Thật hoang đường! Có mà dắt díu nhau về sớm. Ấy vậy, nhà văn Sao Mai đã trở thành một nông dân chính cống. Cũng cầy ải như một người nông dân bản Mường. Còn hai bà trở thành các mế, các mạ áo vắn, khăn thêu, lam lũ trên nương rẫy, khai phá đất mới. Báo chí mấy chục năm trước viết về nhà văn Sao Mai với hình ảnh hai bà đốt đuốc cho chồng viết văn sao mà đẹp và liêu trai đến thế. Rồi lại có người kể bà cả rèn luyện bà hai chừa rượu thế nào, phải chăm sóc nhà văn thuốc thang như thế nào; nhất là giáp hạt phải ăn cháo cám nhường cơm cho chồng để ra được cái hơi văn rừng núi thế nào. Tất cả phải quên đi cái đói rét mà chỉ hướng tới một đường văn của chồng, cho sáng láng, cho hả cái phơi phới của vùng sơn cước..

Tôi đang đắm chìm trong những ký ức một thuở hàn vi của nhà văn Sao Mai, đúng như cái căn, cái số mà bà Lý nói đến. Bà cũng vậy, nhắc đến hai bà chị một thời cùng chung tay gánh vác sự nghiệp của chồng, bà cũng cho là căn số của mình đã được ông trời ban cho. Đến trước bàn thờ nhà văn Sao Mai, tôi cùng bà thắp nén nhang để tưởng nhớ, đã 8 năm ông đi xa. Bà ba Lý, tôi gọi bà như vậy, vì tôi biết cho đến nay bà vẫn là phần còn lại của nửa đoạn cuối đường văn mà nhà văn Sao Mai đã nương tựa để vượt lên những khốn khó của tuổi già và bệnh tật. Còn hơn thế, bà ba Lý hồi này làm được nhiều thơ, và hay đem thơ của mình đi ngâm ở Hội Cựu chiến binh của tỉnh. Bà kể đó là nhờ đường văn của nhà văn Sao Mai để lại cho bà. Nổi hứng bà chợt đứng dậy đọc cho tôi nghe mấy câu thơ mới sáng tác: “Vào bộ đội năm ấy tuổi trăng tròn-Em chưa được làm duyên con gái-Mái tóc dài theo Trường Sơn một dải-Cũng ba lô, cũng một khẩu súng trường...”.

Nhìn đôi mắt bà long lanh, tôi vui lây miền tươi sắc một thời của bà đang trở về trong tâm tưởng, vào một sáng Việt Trì đầy nắng.