Nhà văn Phong Điệp: Thay đổi "Ga ký ức" ở phút thứ 89

ANTĐ - Trong khuôn khổ Hội sách Mùa thu, nhà văn Phong Điệp đang “đắt sô” với các cuộc giao lưu, tọa đàm. Sáng nay (31-10), chị có mặt tại cuộc tọa đàm “Cuộc gặp gỡ ở sân ga ký ức: Giữa sân ga đời, chúng ta có tìm thấy bến đỗ ước vọng của phận mình” do NXB Trẻ tổ chức. Chiều, chị cùng với nhà văn Y Ban, nhà văn Nguyễn Bích Lan giao lưu với bạn đọc với chủ đề “Các nhà văn nữ đương đại Việt Nam: Sống và viết”. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phong Điệp.
Nhà văn Phong Điệp: Thay đổi "Ga ký ức" ở phút thứ 89 ảnh 1

Nhà văn Phong Điệp (trái) trong buổi giới thiệu “Ga ký ức” ở Pháp

- PV: Ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 10 hóa ra lại là một ngày bận rộn của Phong Điệp nhỉ?

- Nhà văn Phong Điệp: Đúng vậy. Tôi yêu sự bận rộn. Sự bận rộn khiến tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, thời gian sống của mình không bị uổng phí.

- Tôi muốn hỏi chị về tiểu thuyết “Ga ký ức”. Cuốn sách này chị đã viết trong khoảng thời gian khá dài, hơn 1.000 ngày? 

- Tôi đã đặt bút viết “Ga ký ức” từ gần 4 năm trước. Thực ra, những thôi thúc về việc viết cuốn sách này đã âm ỉ trong tôi từ rất lâu. Đến mức chừng nào tôi chưa viết ra thì đầu óc chưa thể thanh thản. Nghề viết có những bí ẩn khó lý giải như vậy đấy. Nhưng không phải cứ muốn là viết ra được. Tôi cần phải tích lũy vốn sống, cảm xúc, trải nghiệm… đủ chín để có thể tự tin viết ra cuốn sách của mình. 

- Tôi biết, chị thường viết “Ga ký ức” vào những giờ cuối chiều, khi đó công việc cơ quan đã xong và giờ đón con chưa đến?

- Quả thực, lúc nào tôi cũng thèm thời gian. Thèm đến mức tiết kiệm cả những lời hẹn hò cà phê, những cuộc giao đãi, hội họp… Tôi tiết kiệm đến cả 15 - 20 phút chờ đến giờ đón con. Khi viết “Ga ký ức”, tôi đang làm Báo Văn nghệ Trẻ, mỗi tuần lo một số báo 24 trang. Báo đưa đi nhà in, thường là tôi có thể tự thưởng cho mình 1- 2 ngày nghỉ xả hơi để lo tiếp số báo tuần sau, nhưng tôi cứ cắm mặt vào máy tính mà viết. Phòng làm việc ngồi chung cả mấy anh chị em, tôi “chống ồn” bằng cách cắm tai nghe vào tai để tập trung viết.

Nếu không thì tôi biết lấy thời gian ở đâu ra? Cuối mỗi ngày, tôi thấy mình như chiếc điện thoại cạn pin, không thể ngồi vào bàn mà viết gì được nữa. Việc viết chỉ có thể tranh thủ những thời gian rảnh rỗi giữa những công việc hàng ngày mà thôi. Vì vậy mất hơn 3 năm “Ga ký ức” mới hoàn thành. Tôi nghĩ, viết chậm giúp tôi có điều kiện viết kỹ càng hơn, bản thảo ưng ý hơn, để khi chuyển tới nhà xuất bản, tôi không còn điều gì phải lăn tăn nữa. 

Nhà văn Phong Điệp: Thay đổi "Ga ký ức" ở phút thứ 89 ảnh 2

- Đọc “Ga ký ức”  và gần đây là tiểu thuyết “Vực gió”, nhiều người sẽ nhận ra sự không ngừng làm mới trong lối viết của nhà văn Phong Điệp, đó là cách để giữ chân độc giả?

- Trước khi đặt ra mong muốn “giữ chân độc giả” tôi đã đóng vai làm độc giả của chính mình. Vừa viết, tôi vừa thử lùi xa ra khỏi tác phẩm để nhìn nhận, đánh giá nó. Mỗi lần như thế tôi lại điều chỉnh tiết tấu, nhịp điệu, bố cục… tác phẩm của mình với mong muốn đưa ra một cách thể hiện hiệu quả nhất, hấp dẫn nhất. Tôi xin tiết lộ một bí mật, ở “Ga ký ức”, vào “phút thứ 89” tôi còn quyết định thay đổi bố cục của câu chuyện. 

- Với chị, mỗi tiểu thuyết có phải là một lần thử thách chính bản thân mình?

- Chính xác là như vậy đấy. Mỗi lần viết một tác phẩm mới  là một sự thử thách. Chinh phục được thử thách ấy là một cảm xúc tuyệt vời, để rồi tôi lại bị thôi thúc đặt ra những thử thách mới đòi hỏi mình phải vượt qua.

- Sự thử thách đó, cộng với thời gian của một người vợ, người mẹ có khiến khi nào chị buông rơi một tiểu thuyết đang viết?

- Có khi tôi buộc phải tạm dừng một cuốn sách vì công việc quá bận rộn, vì con cái còn nhỏ cần tôi chăm sóc, trong khi một ngày chỉ có 24 giờ. Nhưng tôi sẽ tiếp tục nó vào lúc thích hợp.

- Có khi nào chị quá mê viết mà quên chồng con? 

- Tôi luôn xác định gia đình là ưu tiên số một. Nếu chỉ biết đến văn chương, tốt nhất là tôi nên sống một mình.

- Chị áp dụng cách nào để cân bằng giữa cuộc sống, công việc và viết văn?

- Tôi cố gắng thu xếp mọi công việc một cách hợp lý, khoa học nhất. Lúc nào làm việc gì và khi kế hoạch đã đặt ra sẽ cố gắng thực hiện bằng được, không để phải hoảng hốt “ôi, hình như mình chưa đón con về”! (cười). 

- Chán viết, tâm lý ấy đã khi nào xuất hiện trong chị? Và chị giải quyết điều đó như thế nào?

- Tôi từng có tâm lý ấy. Tôi nghĩ rằng, khi cuộc sống nhàm tẻ, đơn điệu người viết dễ có tâm lý chán nản, vì thấy mình cạn vốn, cũng dần nhạt nhẽo, lặp lại. Cách tốt nhất là phải tự “nạp nhiên liệu” cho mình bằng việc đi. Có điều kiện là tôi lại vác ba lô lên đường. Tôi có thể tiết kiệm thời gian tụ tập với bạn bè nhưng lại sẵn sàng tiêu xài thời gian cho những chuyến đi. Những vùng đất mới, những thân phận tôi gặp trên mỗi chuyến đi chính là năng lượng và sự hối thúc để tôi viết tiếp.

- Nhiều người viết khi có cảm xúc. Với chị thì sao?

- Cảm xúc là yếu tố cần cho người sáng tác. Nhưng chỉ trông chờ vào cảm xúc, người viết có nguy cơ giống người ngồi dưới gốc cây đợi sung rụng xuống cho mình ăn.

- Xin cảm ơn chị!