Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi: Vẫn miệt mài ở tuổi bách niên

ANTĐ - Hình ảnh nhà cách mạng lão thành, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi ngồi xe lăn, cặm cụi ghì tay trên bàn viết khiến tôi lặng người. Bước sang tuổi 101, cụ vẫn minh mẫn, thông tuệ lạ thường. Trong phòng khách của căn hộ ở chung cư Trung Hòa, Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), cụ đưa tôi trở lại những kỷ niệm không bao giờ quên.

Ba lần chịu cảnh lao tù

Lớp hậu sinh chúng tôi kính phục nhà văn, nhà viết kịch Học Phi với sự nghiệp sáng tác đồ sộ, nhưng không mấy ai biết cụ đã từng trải qua ba lần chịu cảnh lao tù, nếu không đọc Học Phi tự truyện hoặc không nghe cụ kể lại.

 Lần thứ nhất, cụ bị vào tù cuối năm 1929 ở thị xã Hưng Yên vì tội hoạt động yêu nước chống Pháp theo tôn chỉ cứu nước của Nguyễn Thái Học. Vào tù, cụ mới được giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Ra tù khoảng giữa năm 1930, cụ gặp được cán bộ của Đảng nên đã tự nguyện chuyển sang hoạt động bí mật cho đảng. Cụ trở thành đảng viên cộng sản năm 1932. Năm 1934, cụ bị địch bắt, chịu cảnh lao tù lần thứ hai tại Hỏa Lò. Biến nhà tù thành trường học, chi bộ Hỏa Lò đã mở các lớp huấn luyện chủ nghĩa cộng sản do các cây lý luận kỳ cựu là Đặng Việt Châu, Trần Đức Sắc (tức nhà sử học Văn Tân) giảng. Cụ Học Phi khi đó, vừa làm biên tập Tạp chí Lao tù, vừa học cả tiếng Pháp, chữ Nho. Tháng 9-1936, cụ  mới được  chúng “ ân xá”, bị quản thúc ở quê. 

Đầu năm 1937, cụ bắt được liên lạc với đồng chí Đinh Xuân Nhạ và hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ cùng với các đồng chí cốt cán của mặt trận: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh,Trần Huy Liệu, Ngô Lê Động, Đặng Thai Mai… Nhờ có sự nhiệt thành ủng hộ, cổ vũ của đồng chí Trần Huy Liệu bản thảo Hai làn sóng ngược của cụ đã được đăng trên báo Tiếng trẻ, sau đó, đăng lại trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm. Những hoạt động công khai sôi nổi của Đảng tổ chức cuộc mít tinh 1-5-1938, trên nghị trường, trong Hội truyền bá quốc ngữ… cụ đều xông pha hoạt động. Và rồi cụ lại bị vào tù lần thứ ba (cuối năm 1939) ở thị xã Hưng Yên vì tội viết bài tố cáo bọn quan lại cướp ruộng đất của nông dân.  

Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. ở Hà Nội, tòa soạn các báo công khai của Đảng bị địch bắt đóng cửa, các đồng chí chưa kịp rút vào bí mật bị bắt. Các cụ Học Phi, Ngô Lê Động, Khuất Duy Tiến… đều bị đưa về an trí ở quê. Ở Hưng Yên, cụ đã xin làm phóng viên cho các báo hàng ngày ở Hà Nội, viết cả  bài cho Volontes Indochinoise, rồi còn được đăng truyện dài Đắm tàu cho tờ Trung bắc chủ nhật. 

Xuân 1943 là mùa xuân đầy hân hoan với cụ, khi thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được đồng chí Hoàng Quốc Việt chuyền tay về tới Hưng Yên. Cụ  kiên trì chép lại thư, rồi nhân dịp năm mới nảy ra sáng kiến cho thư vào phong bì, gửi đến những quần chúng và cơ sở tin cậy ở thị xã. Quả nhiên, cách làm ấy đã có hiệu quả. Những trí thức yêu nước mở thư Kính cáo đồng bào ra, bàng hoàng sung sướng trước cái tên Nguyễn Ái Quốc mà họ ngưỡng vọng. Đầu năm 1943, theo chỉ thị của đồng chí Hoàng Quốc Việt, cụ lên Hà Nội gặp gỡ văn nghệ sĩ trong nội thành, chuẩn bị cho việc thành lập Tổ chức văn hóa cứu quốc.

Người đầu tiên cụ tìm đến chính là Giáo sư Đặng Thai Mai đang ở phố Blockhaus Nord (nay là phố Phó Đức Chính) để đưa cho Giáo sư thư của đồng chí Trường Chinh gửi văn nghệ sĩ  và bàn bạc việc thành lập tổ chức riêng của văn nghệ sĩ trong Mặt trận Việt Minh. Sau đó, cụ gặp gỡ một số trí thức Hà Nội tại 11 Hàng Đường.

Văn hóa cứu quốc ra đời đã đáp ứng nguyện vọng của văn nghệ sĩ và khơi đúng mạch nguồn cội rễ từ truyền thống văn hóa dân tộc, tạo thành sức mạnh vô bờ trong cuộc cách mạng vì dân tộc, vì Tổ quốc với cẩm nang dân tộc - khoa học - đại chúng.

Một cảnh trong vở chèo “Ni cô Đàm Vân”, trình diễn nhân dịp tôn vinh nhà viết kịch Học Phi

Giữ nghiệp chữ suốt đời

Cụ Học Phi là một trong những người đầu tiên tham gia lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Con đường của một nhà văn yêu nước, dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, chống thực dân, phản động, góp tâm sức đem lại tự do, độc lập dân tộc, là con đường của một văn nghệ sĩ chân chính, suốt đời phục vụ nhân dân. Bao nhiêu người đã viết về cụ- những câu chuyện kỳ lạ, có thật giữa đời thường về một nhà văn, nhà viết kịch đã sống, trải nghiệm, sáng tác suốt gần một thế kỷ qua. Còn tôi, lại muốn tìm căn cốt trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của cụ.

Sau một vở diễn thành công, sau một giải thưởng vinh quang, là máu thịt mình dứt ra trên con chữ, là vật vã, trăn trở cho mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện. Trong gia sản đồ sộ cụ để cho đời, tôi chỉ ấn tượng sâu đậm nhất, say mê nhất vở Ni cô Đàm Vân. Hơn chục đoàn chèo dàn dựng vở này, tạo nên hiện tượng sân khấu đặc sắc những năm 80 của thế kỷ 20. Khi ấy nghệ thuật chèo đang ở trong cảnh khó có đất diễn mà các đoàn chèo vẫn mê dựng vở Ni cô Đàm Vân. Cụ nói như tâm sự rằng “đó là do mình đã trải nghiệm nhiều, nhân vật của mình không cứng như trước nữa”; nhưng tôi biết, sâu lắng bên trong, cái chất cộng sản, chất nhân văn, hào hoa, sau bao giông gió cuộc đời, đã hòa quyện, nhuần nhuyễn đến độ thăng hoa trong vở kịch. Tôi đã khóc khi xem vở chèo được đưa lên truyền hình. Tôi hỏi cụ: “Cái cảnh bịn rịn của anh Trọng và cô Bến trong vở chèo, sao cụ viết tài thế”. Cụ vui hẳn lên: “Ấy là vì vợ anh Trọng còn sống, còn cô Bến chỉ dám yêu thầm thôi”. Mới hay là con tạo xoay vần, mà trái tim người phụ nữ luôn biết hy sinh cho tình yêu, nên họ cao cả và thánh thiện. Đất nhãn lồng ngọt lành mà anh dũng, bất khuất được trao truyền từ đời tướng quân Phạm Phòng Ất, đến Tán Thuật, đã nuôi dưỡng nên những người dân bình dị mà can trường, đậm tình nghĩa như ni cô Đàm Vân. Từ vở đầu tiên Cà sa giết giặc công diễn tại Nhà hát Lớn sau cách mạng Tháng Tám đến vở Ni cô Đàm Vân, cụ vẫn lấy bối cảnh chùa chiền mà ca ngợi lòng yêu nước và sự hy sinh của nhân dân cho Đảng, nhưng nghệ thuật thì đã lên đỉnh cao của độ chín trong đời.

Cụ khiêm tốn nói với các nhà báo rằng “Đảng đưa tôi đến với văn học, rồi trở thành nhà văn, nhà viết kịch, để cho đời 9 tiểu thuyết, hơn 30 kịch bản”. Năm 1936, tác phẩm đầu tay của cụ - tiểu thuyết Hai làn sóng ngược ra mắt bạn đọc. Và năm 1944, cụ viết kịch bản đầu tiên là  Đào nương về ca nữ Đào Thị Huệ (năm 1980, cụ viết lại, đổi thành Người kỹ nữ ở Đông Quan). Trong tim óc, cụ thuộc về những người nghèo khổ. Cụ đã lấy hình ảnh đồng chí Ngô Huy Ngụ, cán bộ Tỉnh ủy Nam Định là nguyên mẫu hình tượng anh Trọng trong vở Ni cô Đàm Vân; rồi cô Yên, người hát ca trù tuyệt hay, đã từng tiếp tế cho cụ khi bị tù ở thị xã Hưng Yên, rồi bí mật tham gia Việt Minh cũng đi vào một truyện ngắn của cụ… Người cách mạng chiến đấu vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc, yêu thương con người… như mọi người trên thế gian này, năm 2012 cụ đã được  vinh dự trao tặng kỷ niệm chương 80 tuổi Đảng. Cụ đã dâng hiến những đứa con yêu và cả đời mình cho đất nước. Và hôm nay, neo ở bến trần gian với chữ nghĩa, cụ bảo tôi: phải viết chứ, không thì buồn lắm. Tôi cảm nhận trong âm sắc trầm xuống, bao nhiêu điều cụ nén lại  để sống có ích cho con cháu, cho văn bút mà suốt đời cụ đã vui buồn, hạnh phúc với duyên nghiệp văn chương và kịch bản.