Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã "đội gạo lên chùa" ở tuổi 89

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của các tiểu thuyết như "Hồ Quý Ly", “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu Thượng ngàn” đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 14h55 chiều 12/6 tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.

Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Từ 1966, ông là phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Những năm cuối đời, ông sống ở Hà Nội.

Ông được coi như “hiện tượng văn học” trong những năm gần đây với 3 tiểu thuyết đình đám: "Hồ Quý Ly” (năm 2000), "Mẫu thượng ngàn” (năm 2006), "Đội gạo lên chùa” (năm 2011).

Cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Ông đã nhận 3 giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000, Giải thưởng Thăng Long của UBND TP, Hà Nội 2002, Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 cho tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”.

Tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn” nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa” đã dành vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011.

Nguyễn Xuân Khánh là một trong những nhà văn say nghề cho tới những năm cuối cuộc đời. Khi ngấp nghé 80 tuổi nhưng ông không ngừng viết. Ông kể ngày nào cũng ngồi vào bàn viết như thói quen. Sau khi xuất bản “Chuyện ngõ nghèo”, Nguyễn Xuân Khánh gần như ngừng viết, sức khỏe ngày một yếu.

Tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác văn chương của nhà văn được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất. Cuốn sách viết về Hà Nội những năm tháng khốn khó, người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh. Những tiếng ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể hai mươi mét vuông ở khắp nơi. Chuyện ngõ nghèo ra đời trong khung cảnh ấy.

Một anh thương binh nuôi lợn đến trình độ “nghệ sĩ”, đặt cho lợn những cái tên hào hùng: Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm… Một giáo viên dạy sinh vật cấp ba ấp ủ viết cả một Bách khoa lợn, và đưa ra những khái niệm mới mẻ chưa từng: Bái trư giáo, Trư luận, Trư học. Một nhà văn bán sách đi nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý.

Hài hước mà rờn rợn, câu chuyện là một cuộc giễu nhại lớn, ném ra một cật vấn đau đáu về chất lợn trong bản tính con người, và nỗi lo âu con người sẽ đi về đâu, nếu cái chất lợn ấy trở nên lây lan ô nhiễm…

Đến với văn chương khá muộn màng, nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã xác lập được tên tuổi và vị trí của mình trên văn đàn. Để có được điều này, ông rất tâm đắc với suy nghĩ: "Có một con đường khác để có được kiến thức vững chắc mà không cần tới trường lớp là tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Nhu cầu tự nhiên do ta chọn lựa, sẽ cho ta một động cơ để lấp đầy những chỗ ta thiếu, để ta tự do tự tạo ra chính bản thân ta".