Nhà văn Nguyễn Trí: Mầm văn từ những tai ương

ANTĐ - Bây giờ  cái tên Nguyễn Trí chẳng còn xa lạ với giới văn chương và bạn đọc cả nước. Những câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Trí vẫn luôn khiến báo giới quan tâm, đã và sẽ còn dành nhiều giấy mực để nói về nó. 

Nhà văn Nguyễn Trí: Mầm văn từ những tai ương ảnh 1

Đêm làm đồ tể, ngày dạy Anh văn

Trước khi đến với nghiệp văn chương, Nguyễn Trí đã từng là phu vàng, phu đá, phu xe… và phu nhiều thứ khác. Mỗi nghề nghiệp Nguyễn Trí từng lăn lộn kinh qua đều để lại dấu vết trong tác phẩm của ông.  Riêng những năm tháng phu vàng không những ám ảnh sâu đậm trong từng con chữ mà còn đưa Nguyễn Trí lên bục vinh quang nhận giải thưởng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Ông có thể làm bất kể việc gì, và những việc ông đã trải qua cũng khiến nhiều người nể phục, từ tìm trầm, nấu rượu, nhảy tàu, đào mộ cổ kiếm vàng bạc cho đến đồ tể, “xe ôm”, vé số… Trong đó có những thời điểm ông làm những công việc đối chọi nhau một trời một vực. Đó là đêm làm đồ tể, ngày dạy Anh văn. 

Thời gian làm đồ tể để lại dấu ấn sâu đậm nhất đối với Nguyễn Trí cả trong tác phẩm và trong cuộc đời với những đắng ngọt, với những “sinh nghề tử nghiệp”. Ngày ấy, dạy Anh văn không đủ sống nên ông kiếm thêm việc bằng cách làm thêm tại một lò mổ gần nhà. Thêm được đồng ra đồng vào, lại cũng được… miếng ra miếng vào rủng rỉnh cái miệng bên ly xị đế. Nhưng rồi ông cũng chia tay cả hai công việc ấy.  Một buổi họp công đoàn đóng góp cho lãnh đạo trường, trong khi vừa từ lò mổ về, cũng có chút bay bay men rượu, nghe toàn những lời rót mật vào tai trong phần đóng góp cho cấp trên ông mới hăng hái đứng lên phát biểu, toàn là lời cảm nhận tận đáy lòng. Thế rồi, sau cuộc kiểm điểm đó, Nguyễn Trí lọt vào “tầm ngắm” vì ai bảo thích đấu tranh, thích thể hiện. Vậy là chẳng cần đợi đến ngày bị đuổi, Nguyễn Trí xin nghỉ dạy Anh văn, nghỉ luôn cả đồ tể, vì ông bị ám ảnh bởi ánh mắt van lơn của con vật trước khi chết.

Rồi quãng thời gian ấy còn gieo vào Nguyễn Trí nhiều hệ lụy. Hệ lụy tốt đó là ông đã ra được một cuốn sách có tên “Đồ tể” với những trải nghiệm đớn đau. Hệ lụy không tốt đó là quãng thời gian làm bạn với lòng lợn và rượu đế tại lò mổ đã khiến lá gan của Nguyễn Trí bị hỏng. Tưởng như không thể cứu vãn nổi. Đó cũng chính là lý do cả nhà ông vào tha phương ở Sài Gòn để chữa trị, làm “xe ôm”, bán vé số sau này. Nhờ sự động viên hỗ trợ rất lớn từ vợ, và có lẽ nhìn những vật vã, quăng quật của đời ông mà thần  chết cũng ngán ngẩm buông tha, bởi thế nên như một sự thần kì, Nguyễn Trí đã bình phục trở lại. Nhưng bình phục không phải để bình yên, bình phục lại để tiếp tục quăng quật.

 Bất hạnh là một tài sản

“Bất hạnh là một tài sản” là tên một bộ sách của Phan Việt. Điều này cũng đúng với Nguyễn Trí, nhất là với tư cách nhà văn. Đúng hơn, bất hạnh góp phần bắc nhịp để ông đến với văn chương. Nhưng dù bất hạnh có là một tài sản thì cũng chẳng ai mong tài sản của mình nhiều lên cả. Không hiểu ông trời có biết vậy không mà vẫn liên tục thử khả năng chịu đựng của Nguyễn Trí. 

Trong cuộc đời, khi nếm trải quá nhiều bất hạnh, trải qua quá nhiều biến cố, ngoài khả năng chịu đựng, nhiều người đã tìm đến mái hiên chùa gửi nốt phần đời còn lại. Nguyễn Trí không gửi mình vào ngôi chùa nào nhưng ông đã chọn gửi mình vào chữ nghĩa. Chỉ có điều, khi người ta vào chùa  để mưu cầu một sự bình an cho tâm hồn, gửi lại mọi bon chen, khổ đau, nước mắt và cái gọi là số phận, còn Nguyễn Trí, ngay cả khi ông gửi mình vào chữ nghĩa rồi thì trăm sự tai ương vẫn chẳng buông tha ông. Đau đớn nhất là việc con gái ông đột ngột bị tước đi mạng sống. Ông lặng lẽ gạt nước mắt, dìm cơn đau đến tột cùng vào cõi riêng trong tâm hồn để làm đơn xin giảm án cho kẻ đã giết con mình. Có lẽ chính chữ nghĩa đã giúp ông thanh lọc tâm hồn. Chữ nghĩa từ thời thanh xuân qua những ga dừng của số phận còn vương rớt lại, chữ nghĩa từ những trang sách ông đọc, chữ nghĩa từ chính những gì ông viết ra đã dẫn đến một ứng xử nhân từ. 

Sau khi con gái mất, con trai đầu của ông từ chỗ nghiện ngập đã vướng vào vòng lao lý, con dâu bỏ đi để lại hai đứa cháu cho ông bà. Ông đón nhận tất cả những thứ đó và sống tiếp. Tôi đã từng cùng Nguyễn Trí tìm đến trại giam của Đồng Nai định bụng thăm con ông nhưng việc không thành, vì người nhà thì quá đông mà giờ gặp thì chưa tới. Nguyễn Trí và tôi đành lủi thủi ra về. Ông cũng bình thản trong ứng xử với những chuyện như vậy, cũng như bình thản nuôi các cháu khi bố mẹ chúng tan tác mỗi người mỗi ngả. 

Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Nguyễn Trí với tập truyện “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” là một điều ông không và chưa khi nào nghĩ tới. Có lẽ điều thiết thực nhất nó mang lại cho ông đó là sách của ông được tái bản và cũng là động lực để ông viết nhiều hơn, in nhiều hơn. Từ đó đến nay đã hai năm, ông vẫn viết truyện và in đều trên các báo, khi nào gom đủ thì ra tập sách mới. Ông cũng thử sức với thể loại tiểu thuyết cũng với bối cảnh bãi vàng từng đi vào truyện ngắn trước đây với tên gọi “Thiên đường ảo vọng”.

Ngã rẽ cuối cùng

Nhìn Nguyễn Trí lao động văn chương mới thấy gọi ông là phu chữ đúng cả về nghĩa đen. Mình trần, vận độc một chiếc quần đùi, chiếc laptop ông mang theo như thể nó được truyền lại từ đời nhà… Lý. Máy thì là xách tay nhưng lại được nối với một chiếc bàn phím của… máy bàn. Ông bảo xài bàn phím này quen rồi, dùng phím của laptop không được.

Trong thời gian dự trại sáng tác của Văn nghệ Quân đội tại Đồng Nai, tôi có rủ Nguyễn Trí đi về nhà ông chơi một buổi. Tôi là người cầm lái, đi trên chiếc xe máy của Nguyễn Trí. Ông ngồi sau điều hướng. Nguyễn Trí chỉ đường bằng cách ra những mệnh lệnh, và như một sự tình cờ, tôi nhớ từ được ông dùng nhiều nhất đó là “quẹo trái”. Cũng là bởi con đường từ Biên Hòa dẫn về nhà ông ở Long Thành quá nhiều lần phải quẹo trái. Tôi vừa chạy xe vừa ngẫm về cái sự “quẹo trái” ấy trong cuộc đời của lão nhà văn đặc biệt của xứ Đông Nam bộ. Chúng tôi mải trò chuyện trên những cung đường về nhà, tôi đãng trí đi lấn vạch sơn, đùng một cái, bóng các anh cảnh sát giao thông hiện ra, một tiếng còi tuýt lên ra hiệu dừng xe. Nguyễn Trí cuống quýt, cái cuống quýt của con chim đã nhiều lần đậu cành cong, của người đã trải nhiều thăng trầm biến cố và luôn có một nỗi sợ mơ hồ thường trực. Tôi bảo, anh cứ bình tĩnh, chuyện nhỏ, nộp phạt rồi lần sau rút kinh nghiệm là xong. Khi mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa, lên xe đi rồi Nguyễn Trí vẫn còn ngẩn ngơ như thể vẫn chưa qua “kiếp nạn”. 

Nguyễn Trí đã từng mất nhiều thứ, có những mất mát không thể đo đếm, có những mất mát không thể lấy lại được, nhưng cái ông còn, quý giá nhất đó là niềm tin. Ông đã từng mất nhà và giờ lại có nhà. Và bên ông vẫn có người phụ nữ cùng sẻ chia gánh nặng gia đình, bà vẫn luôn bên ông, hiểu và thương chiều người chồng nông dân pha trí thức, tài lẻ cũng lắm mà tài chẵn cũng đủ xài. Hàng tháng, những đồng nhuận bút vẫn từ các nơi gửi về và được chuyển đến bà. Bà mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà để kiếm sống và ông vẫn phụ vợ trong những việc cất hàng, dọn hàng. Cậu con trai út hiền lành và ngoan ngoãn, không ngại việc nhà và luôn có ý thức giúp đỡ ba mẹ là niềm an ủi với ông bà. Và trên hết, ông có một người bạn tri âm là những con chữ.

Tôi tin Nguyễn Trí tìm đến với văn chương không phải như tìm đến chốn bình yên, bởi trong xứ sở chữ nghĩa cũng vô vàn sóng gió, nhưng tôi tin văn chương là ngã rẽ cuối cùng của Nguyễn Trí. Để ông ở đó, nhìn về những biến cố tai ương, không chỉ của cuộc đời mình. Và tôi luôn mong Nguyễn Trí sẽ ngày càng viết hay hơn, để không ai có thể nói về ông rằng: “tác giả ăn khách hơn tác phẩm”.