Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ

ANTĐ - Nguyễn Nhật Ánh được ghi nhận là một trong những cây bút sung sức nhất trên văn đàn Việt Nam hiện nay. Gần 60 tuổi, nhưng những trang viết của ông về  thế giới tuổi thơ vẫn đầy sức sáng tạo. Bầu nhiệt huyết trong ông dường như chưa bao giờ vơi…

 
Làng Đo Đo và khói sương đất Quảng 

Ai đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh cũng không xa lạ với hình ảnh làng Đo Đo - một hình tượng văn học trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Lần đầu xuất hiện trong “Mắt Biếc” năm 1990, và mới đây nhất là trong cuốn truyện “Ngồi khóc trên cây”. Làng Đo Đo đã trở thành một địa danh thân thương ghi dấu những kỷ niệm ấu thơ của biết bao cô cậu học trò và của chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà khi nói về nó, lòng ông tràn đầy xúc cảm. Làng Đo Đo - là một địa danh có thực, nằm ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, nơi Nguyễn Nhật Ánh đã sống và gắn bó trong 8 năm đầu đời. Chợ Đo Đo với những túp lều ọp ẹp, với những thức quà quê giản dị mà tụi trẻ con chuyền tay nhau đã không còn. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh thì đã kịp sở hữu một “Đo Đo” của riêng mình. Quán Đo Đo nằm giữa lòng Sài Gòn chuyên phục vụ những món ăn thuần túy Quảng Nam - mỳ Quảng, bánh đập thịt luộc, hến xúc bánh tráng, mít trộn tôm thịt… Đây là nơi hội ngộ những người quen biết và “trót” yêu quý nhà văn, vừa là một chốn đi về để Nguyễn Nhật Ánh ngồi ngâm nga, cho thỏa nỗi nhớ mênh mang nơi chôn nhau cắt rốn của mình.  

Nguyễn Nhật Ánh có những kỷ niệm đặc biệt gắn bó với thôn quê. Hầu hết những tác phẩm của ông đều lấy bối cảnh Quảng Nam, khi thì Bình Quế, Bình Tú, khi thì Tam Kỳ... Ông kể về dải đất trắng miền Trung với một giọng tự hào: “Người Việt Nam mình ai mà chưa từng lưu giữ những xúc cảm với thiên nhiên. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, của làng quê mà. Nơi tôi sinh ra cũng vậy, bên này là biển, bên kia là rừng núi, đồng bằng chỉ có một xíu vậy thôi”. Cũng vì lẽ đó, Nguyễn Nhật Ánh dành cho thiên nhiên, quê hương xứ sở thứ tình cảm rất tự nhiên, trong sáng. Ông thổi tình yêu ấy vào nhân vật, thổi vào mọi giác quan của người đọc. Cuốn “Ngồi khóc trên cây” là tác phẩm được Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm những lát cắt đẹp nhất, sống động nhất về thiên nhiên.

Sách của Nguyễn Nhật Ánh là người bạn đồng hành thân thiết của thế giới tuổi thơ

Cũng một thời “nhất quỷ nhì ma”

Nhà thơ Lê Minh Quốc  từng đề cập trong cuốn “Nguyễn Nhật Ánh - Hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”, rằng Nguyễn Nhật Ánh rất ngăn nắp và bài bản. Ông làm việc chỉn chu và khoa học không khác gì một… thủ thư viện. Chẳng thế mà đều đặn năm nào ông cũng cho ra mắt một cuốn sách. Riêng với NXB Trẻ, số tác phẩm của ông đã lên tới con số 35. Lao động, sáng tác một cách hăng say, nghiêm túc, chắc ít ai nghĩ thuở ấu thơ, Nguyễn Nhật Ánh cũng thuộc vào hàng “nhất quỷ nhì ma”. Ông kể: “Hồi đó tôi là một học sinh nghịch, chứ không phải ngoan đâu. Học thì chú tâm đấy nhưng rất hay bày trò nghịch ngợm”. Cha mẹ ông từng khổ sở bởi những trò hiếu động của ông ngày thơ ấu. Nguyễn Nhật Ánh từng bị bố cấm không được trèo cây, leo lên mái nhà còn mẹ thì ra sức ngăn con trai chạy ra sông nước. Bản tính thích tìm tòi, khám phá của con trẻ đã khiến bố mẹ thót tim với không ít lần ông suýt chết đuối cộng thêm vô số lần ngã từ trên cây. 

Đọc những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc đều lờ mờ nhận ra những nét tính cách của nhà văn ẩn trong những “cậu bé rắc rối”. Đó là hình ảnh cu Mùi, mới 8 tuổi nhưng đã là thủ lĩnh của một nhóm trẻ chuyên bày những trò không giống ai để thiết lập một thế giới mà ở đó trẻ con có quy luật của riêng mình. Rồi cậu bé Ngạn trong tác phẩm “Mắt Biếc”, sẵn sàng đánh nhau sứt đầu mẻ trán, hứng chịu đủ loại thương tích để bảo vệ người bạn gái bé nhỏ… Bản thân ông cũng thừa nhận: “Tuổi thơ tôi mà ngoan quá, bình lặng quá thì chắc không có gì để kể lại cho độc giả”. Đã từng trải qua thời cắp sách tới trường với đủ ngọt ngào, cay đắng, ông thấu hiểu những trò vui đùa, đôi khi non nớt, khờ dại của trẻ con với một tấm lòng đầy cảm thông, độ lượng. Ông tâm sự nỗi thiết tha, mong mỏi viết được như Tô Hoài, như Đoàn Giỏi, Võ Quảng… những tác giả đặc biệt thành công với mảng đề tài này. Dù đã chấp bút hàng chục đầu sách cho thiếu nhi, nhưng ông khẳng định mình không sợ cái gọi là lặp lại. Bởi thế giới tuổi thơ là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn đối với một người “thợ chữ” cần mẫn và say sưa như Nguyễn Nhật Ánh. Như ông từng tâm sự: “Tuổi thơ đối với tôi là một thế giới đầy ám ảnh. Tôi luôn bắt gặp mình thổn thức khi nhớ về những ngày thơ ấu. Ấy là tôi đã nhận ra mình ở quá xa sân ga tuổi nhỏ. Và tôi viết những cuốn sách để kéo chúng gần lại…”.