Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Sang sông, bỏ lại cánh đồng

ANTĐ - Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư là người ta nghĩ ngay tới Cánh đồng bất tận, dù trong 12 năm viết văn, gia tài của chị đã có tới 15 đầu sách. Chị bảo: “tôi đã đi rất xa rồi mà bạn đọc thì vẫn ngồi ở chỗ cũ để mong ngóng tôi”. Lại cũng có người bảo Nguyễn Ngọc Tư đã đi vào Cánh đồng bất tận ấy, thì sẽ bị “lạc” mãi ở đó mà không ra được.  Rồi khi Nguyễn Ngọc Tư bất ngờ cho ra đời tiểu thuyết đầu tay với cái tên rất ngắn: “Sông” thì chị nói chị đã bỏ lại cánh đồng, bỏ lại hào quang sau lưng để tìm kiếm những điều mới mẻ cho mình.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Sang sông, bỏ lại cánh đồng ảnh 1


- Chào Nguyễn Ngọc Tư, đột nhiên chị rẽ sang viết tiểu thuyết. Phải chăng chị muốn tìm một cái gì mới ở “Sông”, cũng như các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết cứ mải miết đi tìm một cái gì đó?

- Vâng, với “Sông”, đơn giản tôi chỉ tìm kiếm một khả năng làm việc ẩn giấu ở trong bản thân mình, và muốn xài cho hết khả năng đó (Cười). Tôi đã từng nghĩ mình sẽ mãi viết ngắn, sẽ như vậy cho đến bao giờ không viết nữa thì thôi chứ chưa bao giờ nghĩ đến tiểu thuyết. Và tôi bắt tay vào viết tiểu thuyết cũng đơn giản vì có một người bạn khuyên tôi nên thử. 

- Đề cập đến vấn đề “đồng tính”, có vẻ như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng có ý định câu khách khi xây dựng nhân vật chính Ân cũng là người đồng tính?

- Đúng là nhân vật của tôi là người đồng tính. Nhưng tôi nghĩ là người đồng tính không chỉ có nhục dục không thôi, và nếu ai nghĩ rằng viết về người đồng tính thì phải viết về nhục dục thì tôi cho rằng hơi phiến diện. Người đồng tính cũng có một đời sống bình thường như bao người khác, cũng có những mối quan tâm khác với xã hội, thậm chí có nhiều uẩn ức hơn người bình thường. Họ luôn tồn tại những tâm tư phức tạp, đấu tranh với chính họ để được sống như họ muốn. Đối với tôi, đó mới là sức hấp dẫn lớn của đề tài đồng tính để tôi đào sâu, tìm kiếm và viết. Tôi chỉ muốn vậy thôi, còn những cái khác thì để cho những anh chị khác viết vậy. (Cười)

- Tôi thấy cuốn tiểu thuyết này buồn quá. Có vẻ chị hơi bi quan khi để một nhân vật nói rằng: "Cuộc sống là một món quà ấn vào tay mình, không nhận thì áy náy, nhận thì sẽ khổ"?

- Tôi nghĩ mình theo chủ nghĩa bi quan. Nhiều bạn đọc nói khi buồn không bao giờ dám đọc sách của tôi, vì sách buồn quá. Tôi nghĩ có khi đó là bản sắc riêng của mình, nên cũng chưa định thay đổi. Biết đâu giờ tôi viết về người già và buồn, nhưng tới khi già tôi lại viết truyện trẻ con rất vui vẻ. Quả thực tôi không thể hứa hẹn điều gì, vì với tôi, viết văn không phải như cắt thuốc bắc, phải đầy đủ mỗi thứ có một tí. Nó còn tùy thuộc vào tâm thế của mình, tới một giai đoạn nào đó, người ta sẽ có một tâm thế khác, khi đó có thể tôi sẽ viết khác; hoặc cứ vẫn như thế này thôi.

Tôi cũng thích xem phim buồn, nhưng một bộ phim buồn bã từ đầu đến cuối thì cũng chán. Nên đoạn nào buồn quá thì tôi phải pha loãng ra, cho độc giả thư giãn chút xíu. 

- Trong “Sông”, có vẻ như các vấn đề đã không được giải quyết một cách triệt để. Các nhân vật cứ đi tìm mãi, nhưng điều cuối cùng họ tìm được lại rất mông lung. Có phải chính chị cũng mông lung và không thể tìm thấy cái kết tận cùng vấn đề?

- Là tôi cố ý để những nhân vật của mình không tìm được cái họ muốn và mọi thứ đều bỏ dở. Vì tôi nghĩ ở trên đời rất thiếu những thứ gọi là tận cùng, ngay cả khi mình đi đến tận cùng cũng chưa chắc là tận cùng, cái được gọi là sự thật cũng chưa chắc đã là sự thật. Vì vậy các nhân vật của tôi đều bỏ lửng hết. Tôi  nghĩ có những cái không cần phải kết luận, vì thực sự là không thể kết luận được. 

- Chị có buồn không khi người ta vẫn chỉ nhớ đến chị ở “Cánh đồng bất tận”?

- Tôi đã bỏ lại cánh đồng rồi.(Cười) Bi kịch của tôi là khi nghĩ đến Nguyễn Ngọc Tư, người ta cứ nghĩ đến “Cánh đồng bất tận”, mặc dù tôi đã “bỏ” chỗ đó và đã đi rất xa rồi, tôi đã viết những cái khác. Nhưng bạn đọc thì cứ  ngồi ở đấy mong chờ tôi, người ta cứ muốn tôi phải viết giống như “Cánh đồng bất tận”. Điều này cũng làm tôi hơi buồn, như một dòng sông mà không chảy được. Cây đến mùa thì thay lá, quả đến mùa thì chín, rụng. Mà mọi người cứ muốn tôi là thứ quả nhựa xanh mãi, treo lúc lỉu trên cành thì cũng khổ tâm. Đối với nhà văn, cái lớn nhất là vận động và đi tới, bỏ hào quang lại sau lưng và tìm kiếm những điều mới mẻ với mình.

- Liệu có phải với “Sông”, chị muốn nói với độc giả rằng: Tôi đã đi chỗ khác rồi đấy?

- Tôi hy vọng độc giả đồng hành cùng tôi ở chỗ mới đó!

- Khi viết cuốn tiểu thuyết này, chị có bị thôi thúc bởi một “ràng buộc” gì đó không?

- Cái thôi thúc duy nhất chính là cái tự do của tôi. Tôi rất muốn viết về điều này, thế là ngồi vào bàn viết. Trước đây khi viết tôi luôn nghĩ đến việc “viết cái này sẽ bán được bao nhiêu tiền”. Lúc đó, tôi phải cố gắng viết và sống được bằng nghề viết. Nhưng giờ tôi đã có một môi trường làm việc mới, tôi hoàn toàn tự do, thoải mái mà không phải nghĩ đến chuyện mưu sinh vậy nữa. Tôi chỉ nghĩ viết làm sao cho mình sướng thôi.

- Có một số người gọi chị là “nhà văn lớn”  bây giờ, chị cảm thấy thế nào?

- Tôi rất xúc động. Nhưng đó cũng là cách nhìn riêng của một người thôi. Tôi rất ngại khi người ta xếp mình vào chiếu nọ chiếu kia. Trong văn học, điều đó rất dễ sứt mẻ tình đồng nghiệp. Tôi muốn mình thích nhậu ở chiếu nào thì nhảy qua chiếu đó thôi.

- Vâng, cảm ơn chị!